Vụ gần 600 sữa giả: Xót xa con trẻ bị 'đầu độc' bởi lòng tham

Khi đường dây sản xuất 573 loại sữa giả bị phanh phui, nhiều phụ huynh bàng hoàng lo lắng, người lập tức cho con đi khám, người tự trách vì mua phải hàng giả.

 Một hộp sữa nằm trong danh mục sữa giả. Ảnh: VTV.

Một hộp sữa nằm trong danh mục sữa giả. Ảnh: VTV.

Hoang mang và phẫn nộ là cảm xúc của chị Bùi Thư (sống tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) khi biết hàng loạt nhãn hiệu sữa giả được tiêu thụ tràn lan suốt nhiều năm qua. Dù luôn chọn mua sữa ở những nơi uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, từ các thương hiệu lớn, chị vẫn không thể nào yên tâm tuyệt đối.

"Thị trường sữa ngày nay quá phức tạp. Người tiêu dùng vẫn có thể qua bị qua mặt bất cứ lúc nào", người mẹ chia sẻ với Tri Thức - Znews.

Nỗi lo của chị Thư cũng là tâm lý chung của không ít phụ huynh hiện nay, đặc biệt là sau vụ Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an triệt phá đường dây gần 600 loại sữa giả. Đáng nói, nhiều sản phẩm trong đó từng được các nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo rầm rộ.

Niềm tin đặt sai chỗ

Thấy con gần 18 tuổi biếng ăn, lại chậm lớn, gia đình chị Thu Thủy (sống tại quận 5, TP.HCM) từng cho con dùng sữa NitroGen qua lời người quen giới thiệu. Chủ quan khi thấy dòng chữ tiếng Anh cộng thêm bao bì màu sắc của thương hiệu lớn, chị mua về cho con uống hơn 4 tháng nay.

"Thú thật, tôi chưa bao giờ tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi mua sữa đặc trị cho con", chị bộc bạch.

Ngay khi vụ việc sữa giả xảy ra, chị Thủy vội vã đưa con đi tư vấn dinh dưỡng tại Bệnh viện Nhi Đồng 2. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán bé bị thiếu hụt men lactase - loại enzym cần thiết để tiêu hóa đường lactose có trong sữa.

 Loại sữa NitroGen mà chị Thu Thủy từng mua cho con.

Loại sữa NitroGen mà chị Thu Thủy từng mua cho con.

Điều khiến chị kinh ngạc là loại sữa con đang dùng không phù hợp cho trẻ bị bất dung nạp lactose, có thể khiến tình trạng tiêu hóa của bé trở nên nghiêm trọng hơn.

Cũng là một nạn nhân của lòng tin đặt nhầm chỗ, chị Thu Thủy (ngụ ở huyện Củ Chi, TP.HCM) kể lại trải nghiệm mua sữa NitroGen - loại sữa nằm trong danh sách sữa giả vừa bị phanh phui - trên livestream cách đây 4 tháng.

Khi ấy, con trai học lớp 8 của chị vừa trải qua đợt sốt xuất huyết nặng, người xanh xao, yếu ớt.

Nghe quảng cáo rầm rộ về loại sữa chiết xuất từ tổ yến, "giúp phục hồi nhanh, tăng đề kháng, chắc xương", chị Thủy không ngần ngại đặt mua, nhất là khi giá mua trên livestream rẻ hơn 40.000 đồng so với ở nhà thuốc.

Chị Thủy chỉ mong con mau khỏe lại. Việc loại sữa này được bán tại nhà thuốc và căn tin bệnh viện khiến người mẹ yên tâm như đinh đóng cột. Ai ngờ, đây là sữa giả.

"Chính lúc con yếu nhất, tôi lại vô tình tiếp tay cho hàng kém chất lượng. Giờ nghĩ lại mà nghẹn lòng", chị tâm sự.

Cân đo đong đếm theo hàng loạt tiêu chí

Bé Moon, con gái 1 tuổi của chị Bùi Thư, được mẹ cho uống dòng sữa cho trẻ từ 0-12 tháng tuổi. Nhãn hiệu này không thuộc danh sách 573 loại sữa giả, nhưng sự việc chấn động vừa qua cũng khiến chị tự nhủ phải thận trọng hơn khi mua hàng.

Theo chị Thư, ngoài việc kiểm tra kỹ thành phần và hạn sử dụng, chị đã bắt đầu để ý nhiều hơn đến mã QR, tem chống hàng giả và các thông tin truy xuất nguồn gốc trên bao bì.

Người mẹ trẻ cũng chủ động lên website chính hãng của thương hiệu để đọc kỹ mô tả sản phẩm, kiểm tra mã số kiểm định (nếu có) và tìm hiểu xem sản phẩm đó có nhà phân phối chính thức tại Việt Nam hay không.

 Chị Bùi Thư thận trọng hơn khi mua sữa cho con trong thời gian tới.

Chị Bùi Thư thận trọng hơn khi mua sữa cho con trong thời gian tới.

"Tôi cũng ưu tiên mua ở nơi uy tín như các hệ thống siêu thị lớn, chuỗi phân phối chính hãng hoặc qua tư vấn bác sĩ thay vì các cửa hàng nhỏ lẻ hay hàng xách tay không rõ nguồn gốc", chị bày tỏ.

Tương tự, chị Ngọc Quỳnh (ngụ tại quận 4, TP.HCM) cho rằng việc chọn sữa cho con là một "bài toán khó" và cần cân nhắc kỹ lưỡng nhiều yếu tố.

Với chị, loại sữa lý tưởng cho con gái 5 tuổi phải đáp ứng đủ 4 tiêu chí: hỗ trợ tăng trưởng chiều cao, tăng cường sức đề kháng, không chứa thành phần gây dị ứng và đặc biệt không gây táo bón.

Trước đây, chị Quỳnh từng có giai đoạn tin dùng các dòng sữa xách tay từ Nhật với mức giá rẻ. Tuy nhiên, trước nhiều tin tức cảnh báo về hàng giả, chị đã thay đổi thói quen tiêu dùng.

"Tôi cảm thấy rất thất vọng, cả trẻ em cũng trở thành nạn nhân của lòng tham", chị nói thêm.

Dù xem rất nhiều quảng cáo từ người nổi tiếng, chị Bùi Thư cho biết đó chỉ là một nguồn tin để tham khảo thêm. Việc nói sản phẩm tốt không có nghĩa là sản phẩm đó phù hợp với con.

"Người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm có thể giúp lan tỏa thông điệp nhanh, nhưng quyết định 'xuống tiền' lựa chọn ngay thì chưa đủ, ít nhất là trong lĩnh vực dinh dưỡng cho trẻ", chị nói.

Về phía chị Ngọc Quỳnh, khi mua sữa cho con, chị sẽ lắng nghe bạn bè, người quen giới thiệu, nhưng vẫn ưu tiên việc tự tìm hiểu và xác minh thông tin từ nhiều nguồn. Với chị, cảm giác an tâm chỉ đến khi bản thân kiểm tra được nguồn gốc sản phẩm và hiểu rõ về thành phần, công dụng thực sự.

"Quảng cáo bây giờ là con dao hai lưỡi. Nếu không tỉnh táo, dễ bị cuốn theo cảm xúc. Người quảng cáo cũng vì muốn kiếm tiền nên có thể thổi phồng công dụng quá mức. Tôi phải thật tỉnh táo", chị cho biết.

Minh Vũ

Ảnh: NVCC

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/vu-gan-600-sua-gia-xot-xa-con-tre-bi-dau-doc-boi-long-tham-post1546884.html
Zalo