Vụ gần 600 nhãn hiệu sữa giả: Lỏng lẻo từ công tác quản lý

Từ vụ Bộ Công an vừa triệt phá đường dây sản xuất và tiêu thụ gần 600 nhãn hiệu sữa bột giả cho thấy, các cơ quan quản lý cần vào cuộc một cách trách nhiệm để tháo gỡ 'điểm nghẽn', đó là sự chồng chéo trong quản lý điều hành ở lĩnh vực này.

Cán bộ điều tra kiểm đếm đối với hàng ngàn sản phẩm sữa bột giả các loại bị thu giữ. Ảnh: CAND

Cán bộ điều tra kiểm đếm đối với hàng ngàn sản phẩm sữa bột giả các loại bị thu giữ. Ảnh: CAND

Sản xuất, buôn bán hàng giả tràn làn

Mới đây, người dân chưa hết bàng hoàng về vụ việc kẹo rau củ Kera là hàng giả thì thông tin Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa triệt phá đường dây sản xuất và tiêu thụ 573 nhãn hiệu sữa bột giả trong 4 năm, chủ yếu dành cho người mắc bệnh tiểu đường, trẻ sinh non, phụ nữ mang thai, với doanh thu gần 500 tỷ đồng đã khiến dư luận phẫn nộ về mức độ tinh vi, quy mô lớn.

Đại tá Nguyễn Minh Tuấn, Phó Chánh văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết, tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm nói chung và thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, thực phẩm chức năng nói riêng đang diễn ra tràn lan.

Kiểm tra, xử lý 783 vụ sữa giả

Theo Bộ Công thương, về kiểm tra, kiểm soát mặt hàng sữa, trong 4 năm (năm 2021 - 2024) lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, xử lý 783 vụ; số tiền xử phạt hơn 2,2 tỷ đồng; số lượng hàng hóa vi phạm là 58.187 hộp, 451 thùng, 20.394 chai/lon.

Một trong những thủ đoạn được các đối tượng sử dụng, đó là lợi dụng quy định về việc doanh nghiệp được tự công bố sản phẩm, tự công bố các chỉ tiêu chất lượng, hàm lượng, thành phần dinh dưỡng, tính năng, tác dụng sản phẩm nhưng việc này không chịu sự quản lý, kiểm tra, kiểm nghiệm, cấp phép trước khi lưu hành.

Câu hỏi đặt ra, 573 loại sữa bột giả được quảng cáo rầm rộ để bán cho người tiêu dùng trong suốt 4 năm, thì trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đâu?

Chuyên gia Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho rằng, đây là lỗ hổng trong chuỗi kiểm soát. Bộ Y tế là cơ quan có chuyên môn, Bộ Công thương có lực lượng quản lý thị trường, còn địa phương là đơn vị trực tiếp cấp phép và kiểm tra. Nếu cả ba bên không phối hợp chặt chẽ, không xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, thì việc để lọt đường dây sữa giả hoạt động suốt thời gian dài là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Cũng có ý kiến cho rằng, thực trạng hiện nay, không thể chỉ là lỗi của doanh nghiệp mà cần nhìn nhận một cách công bằng cả trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc quản lý, giám sát thị trường. Theo quy định tại Luật An toàn thực phẩm 2010 và Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ, Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm cao nhất trong việc kiểm soát an toàn đối với các sản phẩm thực phẩm, còn các cơ quan chức năng khác cũng có trách nhiệm phối hợp kiểm soát, quản lý thị trường nói chung.

Trong bối cảnh hoạt động quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội phát triển rầm rộ, tràn lan, thiếu kiểm soát, các cơ quan quản lý vẫn có phần bị động, "thả nổi" doanh nghiệp và thường chỉ xử lý sau khi có vi phạm. Ngoài ra, khi xảy ra sai phạm, thường chỉ doanh nghiệp bị xử lý, trong khi cán bộ buông lỏng quản lý lại không bị truy cứu trách nhiệm...

Xử lý nghiêm việc sản xuất, phân phối sữa giả

Người dân cũng băn khoăn để xảy ra vụ việc 573 nhãn hiệu sữa bột giả lưu hành trong 4 năm thì cơ quan quản lý nào chịu trách nhiệm và cần làm rõ, không thể để hiện tượng "1 mâm cơm 5 người quản lý".

Liên quan đến vấn đề này, tại Công điện số 40/CĐ-TTg ngày 17/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý vụ việc sản xuất, phân phối sữa giả, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ điều tra, sớm đưa ra kết luận về vụ việc sản xuất, buôn bán sữa giả nêu trên để thông tin cho người tiêu dùng và đưa các đối tượng vi phạm ra xét xử theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ Công thương tăng cường công tác quản lý thị trường, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, trong đó có mặt hàng sữa. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo tổ chức rà soát, xử lý các sai phạm trong hoạt động quảng cáo thực phẩm trên báo chí, trên môi trường mạng, trên các xuất bản phẩm theo quy định của pháp luật. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp Bộ Công thương và các bộ, cơ quan liên quan rà soát quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sản phẩm sữa và có biện pháp xử lý phù hợp, đề xuất sửa đổi các quy định hiện hành trong trường hợp cần thiết.…

Theo TS, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, cơ quan điều tra cần làm rõ việc cấp phép hoạt động, đăng ký lưu hành, quy trình sản xuất, nguyên liệu, quá trình đưa ra thị trường để xác định trách nhiệm của những người có liên quan, kể cả là trách nhiệm của cơ quan chức năng trong công tác quản lý... Đồng thời, làm rõ hậu quả đã gây ra đối với xã hội để xử lý các đối tượng vi phạm và thực hiện các giải pháp phòng ngừa. Đối với nạn nhân bị lừa mua phải sữa giả thì có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Ông Trần Hữu Linh - Cục trưởng Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công thương): Giám sát chặt chẽ hoạt động lưu thông, phân phối các sản phẩm sữa

Để tiếp tục tăng cường công tác quản lý với mặt hàng sữa và sản phẩm sữa, thực phẩm lưu thông trên thị trường, ngăn chặn và xử lý triệt để các vi phạm, chúng tôi sẽ chỉ đạo sát sao các chi cục quản lý thị trường tại địa phương, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động lưu thông, phân phối các sản phẩm sữa, đặc biệt tại các kênh bán lẻ nhỏ lẻ, đại lý không chính thức, sàn thương mại điện tử và mạng xã hội, nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng.

Cùng với công tác kiểm tra thực địa, đơn vị sẽ tiếp tục thu thập phản ánh từ người tiêu dùng, đồng thời phối hợp liên ngành với ngành Y tế, ngành Nông nghiệp để thiết lập giải pháp ngăn chặn hiệu quả tình trạng sữa giả, sữa không đảm bảo chất lượng lưu thông trên thị trường.

Bộ Công thương đang tiến hành rà soát, đánh giá toàn diện công tác quản lý lưu thông hàng hóa đối với mặt hàng sữa, tập trung vào việc nhận diện các lỗ hổng sau khâu phân phối. Từ đó, đề xuất hoàn thiện cơ chế phối hợp liên ngành, tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả trong kiểm tra, xử lý các hành vi gian lận thương mại, quảng cáo sai sự thật, và vi phạm an toàn thực phẩm.

Bà Nguyễn Kiều Oanh - Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội: Sẵn sàng tiếp nhận, xử lý kịp thời mọi thông tin phản ánh về chất lượng sản phẩm

Để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm theo quy định, phân công, phân cấp trách nhiệm, thẩm quyền quản lý chuyên ngành an toàn thực phẩm của ngành công thương và tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, phòng chống thực phẩm giả, thực phẩm nhập lậu lưu thông trên thị trường, trong đó có sữa, sản phẩm từ sữa, Sở Công thương tiếp tục chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường phối hợp rà soát, nắm bắt thông tin diễn biến tình hình thị trường; thực hiện kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến các sản phẩm thực phẩm thuộc trách nhiệm ngành Công thương quản lý.

Đồng thời, kiên quyết chuyển sang cơ quan tố tụng để xử lý các vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm có hậu quả nghiêm trọng… Công khai thông tin các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vi phạm trên trang thông tin điện tử và các cơ quan báo chí truyền thông để người tiêu dùng biết. Đảm bảo các kênh tiếp nhận thông tin thường xuyên như phản ánh hiện trường trên hệ thống iHanoi, đường dây nóng về an toàn thực phẩm… để sẵn sàng tiếp nhận, xử lý kịp thời mọi thông tin của tổ chức, cá nhân phản ánh về chất lượng sản phẩm, hàng hóa nói chung, có vi phạm về an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường Hà Nội.

Khánh Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/vu-gan-600-nhan-hieu-sua-gia-long-leo-tu-cong-tac-quan-ly-175136-175136.html
Zalo