Vụ 'ém' quỹ bình ổn xăng dầu và khoảng trống pháp luật
Giai đoạn Công ty Bách Khoa Việt chưa bị thu hồi giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu thì tính pháp lý của quỹ BOG chưa rõ ràng, chỉ có quy định việc công ty, ngân hàng báo cáo, chưa có quy định đối với việc xử lý về việc không báo cáo thế nào, chưa có quy định việc ngân hàng kiểm tra, giám sát công ty thực hiện chuyển tiền từ tài khoản tiền gửi quỹ BOG...
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ban hành Kết luận điều tra vụ án đưa và nhận hối lộ liên quan đến việc cấp giấy phép xăng dầu tại Bộ Công thương và một số công ty, đơn vị liên quan.
Tại Công ty Cổ phần Thương mại Tư vấn Đầu tư Xây dựng Bách Khoa Việt, cơ quan điều tra đề nghị truy tố bị can Trần Trác Việt Đức, Giám đốc; Đỗ Thị Tuyết Nga Kế toán trưởng Công ty Bách Khoa Việt về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Long Hưng, bị can Nguyễn Tuấn Quỳnh – cựu Chủ tịch HĐQT công ty bị đề nghị về tội Đưa hối lộ.
Kết luận điều tra thể hiện, Công ty Bách Khoa Việt không trích lập và sử dụng tiền quỹ bình ổn giá xăng dầu (quỹ BOG) theo đúng quy định khiến nhà nước thiệt hại hơn 105 tỷ đồng.
ĐƯA HỐI LỘ ĐỂ ĐƯỢC ƯU ÁI CẤP GIẤY PHÉP
Còn Công ty Long Hưng đưa hối lộ để nhận được ưu ái trong cấp giấy phép kinh doanh. Công ty Long Hưng thành lập vào năm 2005, ban đầu chủ yếu kinh doanh mặt hàng dầu FO cho các nhà máy nhiệt điện nhưng là thương nhân phân phối nên không chủ động trong việc nhập khẩu.
Khoảng giữa năm 2014, ông Quỳnh nhận thấy cần phải được cấp phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu nên liên hệ và nhờ ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước hướng dẫn thủ tục.
Ông An hứa hẹn sẽ giúp đỡ, tạo điều kiện để Công ty Long Hưng được cấp giấy phép. Công ty Long Hưng nộp hồ sơ và được Bộ Công thương chấp thuận.
Khoảng tháng 7/2015, khi gặp nhau, ông An tâm sự với ông Quỳnh về việc có nhu cầu mua nhà tại đấu giá Vườn Đào, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Chủ tịch HĐQT Công ty Long Hưng biết ông An là người có quyền hạn kiểm tra, thấy ông An đã giúp đỡ, tạo điều kiện cho công ty nên ông Quỳnh đồng ý và hứa hỗ trợ ông An 10 tỷ đồng. Số tiền này được chuyển vào tài khoản của vợ ông An. Khi biết chuyện, vợ ông Quỳnh phản đối nên ông này đã trao đổi lại với ông An chỉ chi 5 tỷ đồng. Ông An đồng ý và trả lại 5 tỷ đồng.
Từ vụ án này, Bộ Công an cũng kiến nghị,các ngân hàng và công ty xử lý tài sản bảo đảm của Công ty Bách Khoa Việt theo quy định của pháp luật. Nếu thu được số tiền vượt quá dư nợ của công ty thì liên hệ, phối hợp với cơ quan chức năng thu hồi, nộp ngân sách nhà nước, khắc phục hậu quả vụ án.
Đến cuối năm 2019, khi giấy phép cũ sắp hết hạn, Công ty Long Hưng nộp hồ sơ đề nghị và được cấp phép mới.
Trong vụ án này, ông An bị cáo buộc nhận hối lộ 200 triệu đồng của Công ty Bách Khoa Việt để hỗ trợ công ty được cấp giấy phép sớm và 9 tỷ đồng của bà Trần Thị Loan Phương – cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Bách Khoa Việt để hướng dẫn công ty này hợp thức hồ sơ và không kiểm tra đầy đủ năng lực thực tế. Tổng số tiền ông này nhận hối lộ là 14,2 tỷ đồng; hiện đã nộp lại hơn 8 tỷ đồng.
Về việc Công ty Bách Khoa Việt nợ thuế bảo vệ môi trường, cơ quan điều tra xác định, công ty sử dụng hơn 145 tỷ đồng tiền thuế bảo vệ môi trường đã thu được vào hoạt động kinh doanh như trả tiền vay ngân hàng, trả lương nhân viên, nộp thuế giá trị gia tăng…
Kết quả xác minh đến nay không có cơ ở xác định khoản tiền này được công ty và các cá nhân khác sử dụng vào mục đích trái pháp luật hoặc rút tiền để sử dụng cá nhân dẫn đến nợ thuế.
Cục thuế TPHCM vẫn đang theo dõi để tiến hành các biện pháp cưỡng chế theo Luật Quản lý thuế. Do đó, cơ quan điều tra không có căn cứ xác định tội phạm trong việc nợ thuế này.
KIẾN NGHỊ VỀ VIỆC BAN HÀNH CÁC QUY ĐỊNH ĐẦY ĐỦ, CỤ THỂ VỀ QUỸ BOG
Kết luận điều tra cho thấy, Công ty Bách Khoa Việt không thông báo tên, địa chỉ, thông tin liên lạc của ngân hàng thương mại mở tài khoản tiền gửi quỹ BOG đến Bộ Công thương.
Quá trình kinh doanh, công ty chỉ gửi Báo cáo tình hình trích lập, quản lý và sử dụng quỹ BOG xăng dầu được lập theo tháng, không gửi sao kê về các giao dịch phát sinh. Kết thúc năm tài chính, công ty và ngân hàng không tổng hợp báo cáo tình hình trích lập, sử dụng quỹ BOG, bảng tính toán chi tiết số lãi tiền gửi và số tiền lãi vay phát sinh, số dư quỹ…
Theo cơ quan điều tra, giai đoạn Công ty Bách Khoa Việt chưa bị thu hồi giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu thì tính pháp lý của quỹ BOG chưa rõ ràng, chỉ có quy định việc công ty, ngân hàng báo cáo, chưa có quy định đối với việc xử lý về việc không báo cáo thế nào, chưa có quy định việc ngân hàng kiểm tra, giám sát công ty thực hiện chuyển tiền từ tài khoản tiền gửi quỹ BOG.
Bộ Công an kiến nghị Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định đầy đủ, cụ thể, đảm bảo tính thực tiễn đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu và quỹ BOG.
Cơ quan điều tra xác định còn có một số cá nhân có hành vi, vi phạm liên quan ở các mức độ khác nhau nhưng chưa đủ căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự hoặc chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Căn cứ tính chất, mức độ của hành vi sai phạm, cơ quan điều tra kết luận và có văn bản các cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm theo quy định.