Vụ Đoàn Di Băng: Những chất trong sản phẩm bị thu hồi có gây hại?
Liên tiếp các sản phẩm của nhà Đoàn Di Băng phân phối bị thu hồi, tiêu hủy vì không đúng thành phần như công bố. Người dùng lo lắng liệu những chất này có gây hại cho sức khỏe?

Đoàn Di Băng từng hoạt động trong showbiz rồi chuyển hướng kinh doanh mỹ phẩm. Ảnh: FBNV.
Từ ngày 7/5 đến nay, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, đã thu hồi 4 sản phẩm mỹ phẩm do Công ty VB Group phân phối, gồm: Dầu gội, dầu xả, kem chống nắng và mặt nạ chăm sóc da. Các sản phẩm này đều vi phạm quy định về ghi nhãn và kết quả kiểm nghiệm không đúng như công bố.
Công ty TNHH thương mại dịch vụ VB Group ông Nguyễn Quốc Vũ - chồng của ca sĩ Đoàn Di Băng - tổ chức, chịu trách nhiệm đưa các sản phẩm kể trên ra thị trường.
Việc nhiều sản phẩm của công ty do nhà Đoàn Di Băng phân phối bị thu hồi do không công bố đầy đủ thành phần đã làm dấy lên lo ngại về tính an toàn của những sản phẩm này.
Liên tiếp thu hồi sản phẩm Đoàn Di Băng quảng cáo
Ngày 27/5, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, đã ra quyết định đình chỉ lưu hành và thu hồi trên toàn quốc một lô sản phẩm mặt nạ G-Thera Amino Anti-Wrinkle Mask. Lý do là nhãn gốc của sản phẩm này không ghi đầy đủ thành phần công thức như đã công bố, cụ thể thiếu các thành phần Butylene Glycol, Phenoxyethanol và Ethylhexylglycerin.
Trước đó, Cục Quản lý Dược cũng đã ban hành quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy các lô sản phẩm khác là dầu gội Hanayuki Shampoo (chai 300 g), dầu xả Hanayuki Conditioner (chai 300 g) và kem chống nắng Hanayuki Sunscreen Body (tuýp 100 g).
Kết quả kiểm nghiệm cho thấy dầu gội Hanayuki Shampoo vi phạm giới hạn vi sinh vật và chứa 2-Phenoxyethanol - một thành phần không có trong công thức đã đăng ký. Mẫu kiểm nghiệm dầu xả cùng thương hiệu cũng chứa 2-Phenoxyethanol, không có trong thành phần công thức sản phẩm đã được cấp số tiếp nhận phiếu công bố.
Trong khi đó, kem chống nắng Hanayuki Sunscreen Body bị thu hồi vì chỉ số chống nắng ghi trên nhãn là SPF 50, trong khi kết quả kiểm nghiệm thực tế chỉ đạt SPF 2,4.
Hiện Cục Quản lý Dược đề nghị các đơn vị chuyển hồ sơ sai phạm của Công ty EBC Đồng Nai và Công ty VB Group đến Cơ quan công an để điều tra xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, đã ra quyết định đình chỉ lưu hành và thu hồi trên toàn quốc một lô sản phẩm mặt nạ G-Thera Amino Anti-Wrinkle Mask. Ảnh: FBNV.
Các chất "ẩn danh" có đáng lo?
Trao đổi với Tri Thức - Znews, bác sĩ chuyên khoa I Trần Hương Trà My, khoa Da liễu - Miễn dịch dị ứng, Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) cho biết Butylene Glycol, Phenoxyethanol và Ethylhexylglycerin đều là những thành phần phổ biến trong mỹ phẩm, thường được sử dụng với vai trò dưỡng ẩm, bảo quản và tăng cường khả năng thẩm thấu của các hoạt chất.
"Mặc dù chúng được xem là an toàn ở nồng độ cho phép, nhưng việc không ghi rõ ràng trên nhãn sẽ khiến người tiêu dùng và cả bác sĩ khó xác định nguyên nhân nếu xảy ra kích ứng", bác sĩ Trà My nhấn mạnh.
Ngoài ra, trong ngành mỹ phẩm, thứ tự liệt kê thành phần trên nhãn phản ánh nồng độ từ cao đến thấp. Nếu nhà sản xuất cố tình bỏ bớt hoặc không khai báo đầy đủ các thành phần bảo quản hoặc dưỡng ẩm có chi phí rẻ, người tiêu dùng có thể hiểu nhầm rằng sản phẩm chứa nhiều thành phần đắt tiền hoặc tự nhiên hơn thực tế.

Bác sĩ chuyên khoa I Trần Hương Trà My, khoa Da liễu - Miễn dịch dị ứng, Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM). Ảnh: BSCC.
Theo quy định, tất cả thành phần của mỹ phẩm đều phải được công bố minh bạch để đảm bảo quyền lợi và sự an toàn cho người sử dụng.
Theo bác sĩ My, Butylene Glycol là một loại rượu hữu cơ có nguồn gốc từ dầu mỏ hoặc thực vật, thường được sử dụng trong mỹ phẩm để giữ ẩm, làm dung môi và tăng khả năng thẩm thấu của các hoạt chất khác.
"Butylene Glycol được xếp loại an toàn khi sử dụng đúng nồng độ. Nồng độ an toàn, tránh phản ứng kích ứng da không mong muốn được khuyến cáo là dưới 0,5%", bác sĩ My cho hay.
Tuy nhiên, đối với một số người có làn da nhạy cảm, chất này có thể gây kích ứng.
Phenoxyethanol là chất bảo quản phổ biến trong mỹ phẩm, giúp ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn và nấm mốc. Tuy nhiên, nó cũng gây tranh cãi về độ an toàn. Cơ quan An toàn Dược phẩm Pháp (ANSM) khuyến cáo không nên sử dụng Phenoxyethanol cho trẻ em dưới 3 tuổi khi bôi lên vùng da rộng.
Chất này có thể gây kích ứng da, mắt và hệ hô hấp nếu tiếp xúc ở nồng độ cao. Tại Mỹ, Hội đồng Chuyên gia Đánh giá Thành phần Mỹ phẩm (CIR) cho phép sử dụng Phenoxyethanol trong mỹ phẩm với nồng độ tối đa 1%.
Ethylhexylglycerin là một hợp chất hóa học thường được dùng trong mỹ phẩm với vai trò chống nấm mốc, kháng khuẩn và làm mềm da. Chất này thường được kết hợp với Phenoxyethanol để tăng cường hiệu quả bảo quản.
Theo CIR, Ethylhexylglycerin chỉ an toàn khi sử dụng với liều khuyến cáo là 0,3-1%.
"Các thành phần như Butylene Glycol, Phenoxyethanol và Ethylhexylglycerin đều được phép sử dụng trong mỹ phẩm ở nồng độ an toàn. Tuy nhiên, việc không công bố đầy đủ thành phần trên nhãn không chỉ vi phạm quy định pháp luật mà còn có thể gây hiểu lầm cho người tiêu dùng, thậm chí làm tăng nguy cơ kích ứng hoặc phản ứng dị ứng không lường trước", bác sĩ khoa Da liễu - Miễn dịch dị ứng cảnh báo.
Đoàn Di Băng, tên thật Phạm Thị Thanh Thúy, sinh năm 1990 tại TP.HCM, từng là ca sĩ nhưng không đạt nhiều thành công. Sau đó, cô chuyển hướng kinh doanh mỹ phẩm và nổi tiếng nhờ lối sống xa hoa, thường khoe hàng hiệu và con học trường đắt đỏ.
Tuy nhiên, Đoàn Di Băng vướng nhiều ồn ào, đặc biệt là phát ngôn gây tranh cãi, quảng cáo quá đà sản phẩm. Cô từng khẳng định chỉ cần uống 2-3 viên mỗi ngày có thể thay thế 5 kg rau củ, giải quyết nóng trong, mụn nhọt và táo bón cho mọi đối tượng, kể cả trẻ em, phụ nữ mang thai.
Trước phản ứng tiêu cực, Đoàn Di Băng đã lên tiếng xin lỗi công chúng và thu hồi sản phẩm vi phạm.