Vũ điệu người Dao bên sườn Tây Yên Tử
Trong đời sống của đồng bào dân tộc Dao tại thị trấn Tây Yên Tử thuộc huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang có các nhạc cụ quan trọng đó là chuông, tù và, kèn pí lè, trống. Theo đó, điệu múa chuông được xem là một trong những nghi lễ linh thiêng không thể thiếu vào những ngày đại lễ hệ trọng. Đây là bản sắc văn hóa độc đáo được đồng bào duy trì từ đời này sang đời khác và là một trong những linh vật được nâng niu, trân trọng.
Khát vọng ấm no, hạnh phúc
Du khách đến với vùng đất Tây Yên Tử không chỉ được toại tâm toại ý hành hương qua những điểm chùa, được tận hưởng không gian núi non điệp trùng mà còn ấn tượng với những âm thanh được vang lên từ tiếng chuông đồng của đồng bào dân tộc Dao nơi đây trong ngày lễ hội.
Những chàng trai, cô gái người Dao trong bộ trang phục truyền thống cùng cầm quả chuông và chiếc tua màu đỏ say mê trong một vũ điệu huyền bí dưới ánh nắng vàng. Tất cả cùng đồng điệu theo nhịp chuông, tiếng trống, tạo nên không gian sinh động, náo nhiệt, thể hiện tinh thần phấn khởi, tràn đầy sức sống nơi núi rừng vùng cao.

Người Dao biểu diễn múa chuông trên sân khấu.
Ông Triệu Sinh Liên (SN 1960) ở tổ dân phố Mậu, thị trấn Tây Yên Tử kể, người Dao thường tổ chức múa chuông vào những dịp lễ cầu mùa, lễ cúng Bàn Vương và cấp sắc với ý nghĩa cầu mong mọi điều tốt đẹp, thể hiện sự biết ơn, hướng về cội nguồn và cũng là gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình. "Đã là người Dao thì đa phần đều biết múa chuông vì động tác khá đơn giản, đạo cụ không quá cầu kỳ, phù hợp với nhiều đối tượng nam, nữ, trẻ già. Tuy nhiên, để hiểu được ý nghĩa từng công đoạn và biết kết hợp với lời khấn bằng tiếng Nôm Dao thì không phải ai cũng làm được", ông Triệu Sinh Liên nói.
Ví như, trong lễ cấp sắc, múa chuông trải qua 4 công đoạn như múa dâng hương, múa khai đàn, múa tâu Ngọc Hoàng và múa giã đàn. Còn trong lễ cầu mùa, điệu múa chuông có công đoạn dâng hương và múa tái hiện lại các động tác lao động sản xuất nông nghiệp như: Cấy lúa, trồng ngô, thu hoạch mùa màng, làm rẫy…
Mỗi lần múa chuông trong lễ cấp sắc thường có từ 3 đến 4 người tham gia, còn múa văn nghệ càng đông càng vui, cốt là tạo không khí vui tươi, phấn khởi. Khi múa tay trái cầm một chiếc khăn, tay phải cầm chuông để đánh theo nhịp điệu, những sợi tua nhiều sắc màu được tung lên, hạ xuống nhịp nhàng… tạo thành nhạc điệu rộn ràng, khỏe khoắn, đưa bước chân các chàng trai, cô gái như được thăng hoa. Tất cả tạo nên một không gian văn hóa đậm đà bản sắc và cuốn hút. Đó cũng chính là nghi lễ cảm tạ đất trời, thần linh đã che chở cuộc sống gia đình, dòng tộc có cuộc sống no ấm, yên vui.
Ông Liên được học múa chuông, thực hành các nghi lễ của người Dao từ hồi còn trẻ và hiện giờ ông vẫn thường được mời tham gia lễ cấp sắc, cầu mùa của đồng bào người Dao tại địa phương. Theo ông, quan niệm về thế giới thần linh của người Dao cho rằng luôn tồn tại 3 tầng (tam giới). Tầng trên là nơi sống của các vị thần linh, tầng giữa là con người, cây cỏ, muông thú (thế giới thực), tầng dưới là tổ tiên, ma quỷ. Đứng đầu 3 tầng này là Ngọc Hoàng, bên dưới là các thần như Tam Thanh, Diêm Vương, thấp hơn là tổ tiên, thần linh, thổ công… Họ còn cho rằng vạn vật trong vũ trụ đều có linh hồn.
Đồng bào Dao tại Tây Yên Tử luôn tự hào vì còn bảo lưu được nhiều phong tục, tập quán truyền thống. Trong đó có tục cấp sắc và cầu mùa, đây là dịp để người Dao tạ ơn đối với các bậc thần linh, tổ tiên, đồng thời giáo dục con cháu về nguồn gốc, văn hóa dân tộc. Ngày nay, ngoài thực hiện múa chuông trong các dịp đại lễ, người Dao ở Tây Yên Tử đã biết cải biên để trình diễn múa chuông văn nghệ trên sân khấu, thu hút đông đảo lớp trẻ tham gia.
Câu lạc bộ múa chuông của người Dao tổ dân phố Mậu và tổ dân phố Thanh Chung có hàng chục người tham gia tập luyện, biểu diễn mỗi dịp kỷ niệm ngày lễ lớn của đất nước, địa phương như: Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, lễ hội Tây Yên Tử hay các lễ kỷ niệm của địa phương. Qua đó càng thể hiện khát vọng về một cuộc sống ấm no và hạnh phúc, mang tính hướng thiện và có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, giúp thế hệ trẻ hiểu về nhân nghĩa, gìn giữ nếp sống, phong tục tập quán đẹp và đạo lý làm người, giúp con người tránh xa điều ác. Đồng thời cũng thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn", thắt chặt tình đoàn kết, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần trong cộng đồng.
Bảo tồn bản sắc
Tôi đã thực sự bị cuốn hút bởi nghi lễ múa chuông độc đáo ấy trong lễ cấp sắc nên đã có một đêm không ngủ để chăm chú quan sát và ghi lại chi tiết những gì mình thấy. Giữa đêm khuya, thanh vắng, không gian tĩnh mịch và lắng đọng, tiếng chuông, tiếng kèn, thanh la, chũm chọe vang lên lảnh lót cùng những điệu múa chuông tạo âm thanh huyền bí bên núi rừng Tây Yên Tử. Tham gia lễ cấp sắc, các thầy cúng thường mang theo một chiếc tù và bằng sừng trâu, chiếc chuông nhạc, một cuốn sách cúng chữ Nôm - Dao và hai chiếc chũm chọe bằng đồng dùng để hành lễ. Ngoài ra còn có trống, chuông nhạc… Các âm thanh tạo thành một bản hòa âm độc đáo bên núi rừng.

Đồng bào Dao múa chuông trong lễ cấp sắc.
Bao đời nay người Dao ở chân dãy núi Tây Yên Tử vẫn bảo tồn được nhiều phong tục truyền thống đậm đà bản sắc qua các điệu múa, lễ hội, hát dân ca Páo dung, trang phục, cưới, hỏi, cấp sắc, truyện kể dân gian… Trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào nơi đây không thể thiếu lễ cấp sắc và trong lễ cấp sắc lại không thể thiếu múa chuông. Đây trở thành nhu cầu trong sinh hoạt văn hóa tâm linh, giúp người Dao gửi gắm niềm tin, ước vọng của mình.
Một lần được tham dự lễ cấp sắc của người Dao tại đây, chúng tôi được chứng kiến các nghi lễ, điệu nhảy độc đáo và đặc biệt ấn tượng với những chiếc tù và mà các thầy cúng gióng lên giữa đêm khuya thanh vắng như vang cả miền núi rừng. Tôi đã thực sự bị cuốn hút bởi nghi lễ độc đáo ấy nên đã có một đêm không ngủ để chăm chú quan sát và ghi lại chi tiết những gì mình thấy.
Người Dao không chỉ nổi tiếng bởi đức tính cần cù, chịu khó làm ăn mà họ còn giữ gìn hầu như nguyên vẹn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Tổ tiên của người Dao là Bàn Vương, gia tiên, thứ nữa đến Thần Nông, Thổ Địa, Thái Thanh, Thượng Thanh, Ngọc Thanh… Gia chủ mời khách, họ hàng về dự lễ ăn uống để chúc tụng người thụ lễ cấp sắc gặp được nhiều may mắn trong cuộc đời.
Cấp sắc là một nghi thức đặc trưng và không thể thiếu được của người đàn ông Dao, được tiến hành một lần duy nhất trong đời với nhiều nghi lễ như: Đặt tên âm, lễ cấp sắc đèn, lễ đội đèn, lễ hạ đèn, lễ giao binh, lễ trình Ngọc Hoàng, lễ cấp bản sắc, lễ tạ ơn tổ tiên… Thời gian tiến hành lễ cấp sắc kéo dài từ một đến ba ngày. Sau khi các thầy khấn, làm các thủ tục, xin âm dương, thần linh, người được cấp sắc sẽ chính thức được đặt tên âm và được công nhận là người đã trưởng thành.
Đối với ông Triệu Sinh Liên, chiếc chuông được gìn giữ như một báu vật gia truyền, được treo ở một vị trí trang trọng. Mỗi khi tiếng chuông vang lên nghĩa là người Dao đã mời được Ngọc Hoàng về chứng giám, qua đó còn giáo dục con cháu những điều hay, lẽ phải, giữ gìn truyền thống tốt đẹp của người Dao để không hổ thẹn là con cháu của Bàn Vương. Bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc các di sản văn hóa của đồng bào dân tộc Dao sẽ góp phần phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ở vùng Tây Yên Tử. Với sự chung tay của cả cộng đồng, tin rằng tiếng chuông ngân vang của đồng bào Dao sẽ trường tồn trong vườn hoa muôn sắc của dân tộc.