Vụ 'Chuyến bay giải cứu' giai đoạn 2: Viện Kiểm sát khẳng định mức án đề nghị đều có cơ sở pháp lý
Ngày 25/12, phiên tòa xét xử 17 bị cáo trong vụ 'Chuyến bay giải cứu' giai đoạn 2 tiếp tục với phần tranh tụng.
Sau khi nghe phần tự bào chữa của các bị cáo và phần trình bày bào chữa của các luật sư, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đưa ra quan điểm đối đáp cho rằng, hành vi của các bị cáo khiến chi phí tăng, khiến nhiều người dân ở nước ngoài không có điều kiện thì không có cơ hội trở về nước.
Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, phía cơ quan công tố đã cân nhắc đến bối cảnh, hành vi, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, đồng thời đối chiếu với mức án của giai đoạn 1 để đưa ra đề nghị mức án có cơ sở pháp lý.
Xét hành vi và số tiền hưởng lợi của bị cáo Trần Tùng (cựu Phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên), Viện Kiểm sát nhận định, số tiền mà bị cáo Tùng hưởng lợi chính là số tiền mà người khác bị thiệt hại.
Trước đó, luật sư Nguyễn Văn Tú (bào chữa cho bị cáo Tùng) cho rằng, bị cáo Tùng không dùng quyền lực của mình để ép Lê Văn Nghĩa (bị cáo tại giai đoạn 1 của vụ án, Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch và Dịch vụ ăn uống Nhật Minh) phải chi phí tiền cho mình mà mang tính chất đàm phán, thỏa thuận chi phí dựa trên những tính toán chi phí trên thực tế.
Tùng không có khả năng để gây khó khăn, nhũng nhiễu hay cản trở việc triển khai kế hoạch này từ Trung ương và cũng không có khả năng điều kiện để trốn tránh trách nhiệm triển khai kế hoạch này tại địa phương mình. Tuy nhiên, bị cáo Tùng đã có lỗi khi xem chủ trương này như một “cơ hội” để hưởng lợi từ vị trí công tác của mình và thực tế bị cáo đã được hưởng lợi từ chủ trương này khi thực hiện tại địa phương này, mà đáng lẽ ở cương vị công tác của bị cáo là không được thực hiện hành vi này.
Luật sư Nguyễn Văn Tú nhấn mạnh, dựa trên tâm lý tạo thêm thu nhập cho bản thân từ lợi thế mình là người có thông tin, có công vụ... bị cáo Tùng đã không nhận thức được hành vi đó là vi phạm pháp luật. Đây là sự thiếu hiểu biết về pháp luật hình sự, thiếu nhận thức về tính chất tội phạm của hành vi. Sau này khi nhận thức ra, bị cáo Tùng đã thành khẩn nhận tội và nhờ gia đình giúp bị cáo chủ động nộp tiền bồi thường, khắc phục hậu quả vụ án.
Ngoài ra, đại diện Viện Kiểm sát còn đề nghị Hội đồng xét xử xem xét thêm tình tiết bị cáo Lê Ngọc Tường (cựu Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam) chủ động khai báo với cơ quan điều tra trước khi bị khởi tố, từ đó đưa ra mức cân nhắc phù hợp khi lượng hình.
Trong phần đối đáp, đại diện Viện Kiểm sát không đồng tính với quan điểm của luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Quốc Thắng (Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn PNR) khi cho rằng mức độ thực hiện hành vi của bị cáo Thắng là không đáng kể.
Theo phân tích của công tố viên, bị cáo Thắng đã đưa số tiền rất lớn cho những người có thể nhờ xin được văn bản cấp phép đưa công dân về nước. Điều này tạo tiền lệ xấu, tạo ra cơ chế xin - cho, tạo điều kiện cho người có thẩm quyền nhận hối lộ, khiến người dân phải chi trả số tiền lớn. Viện Kiểm sát khẳng định, đây là hành vi đặc biệt nghiêm trọng, gây hậu quả lớn.
Đối đáp với quan điểm trên của đại diện Viện Kiểm sát, luật sư Trịnh Tuyến (bào chữa cho bị cáo Thắng) đề nghị đại diện Viện Kiểm sát xem xét nội dung cần cá thể hóa hình phạt giữa các bị cáo trọng nhóm tội Đưa hối lộ để đảm bảo sự công bằng. Theo luật sư, ý thức chủ quan của bị cáo Thắng không biết một phần tiền đưa đi là để dùng vào việc hối lộ.
Nói lời sau cùng tại phiên tòa, các bị cáo trong vụ án đều bày tỏ sự hối hận, ăn năn về những hành vi của mình do nhận thức sai lầm, thiếu hiểu biết pháp luật… Đồng thời mong Hội đồng xét xử cân nhắc, xem xét bối cảnh phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ để cho họ được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Hội đồng xét xử quyết định nghị án kéo dài. Chiều 27/12, Tòa sẽ tuyên án.