Vụ bữa cơm 800.000 đồng: Bài học lớn cho ngành TDTT
'Đây cũng là lời cảnh tỉnh cho những người tham gia công tác huấn luyện, đào tạo vận động viên trẻ' - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy phát biểu liên quan đến bữa cơm 800.000 đồng của đội tuyển trẻ quốc gia.
Ngày 9-10, tại cuộc họp báo thường kỳ quý III của Bộ VH-TT&DL, nhiều cơ quan báo chí đã đặt câu hỏi về bữa ăn 800.000 đồng ở đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia.
Chuyển trả toàn bộ kinh phí “giữ hộ” cho VĐV
Bày tỏ quan điểm của bộ liên quan đến bữa ăn 800.000 đồng của đội tuyển trẻ quốc gia, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết Bộ VH-TT&DL quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan nhanh chóng, kịp thời xác minh trách nhiệm, xử lý các cá nhân sai phạm theo quy định của pháp luật.
Theo Thứ trưởng Thủy, hiện nay Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội không đủ diện tích để tập huấn, khó khăn về cơ sở vật chất. Để đáp ứng yêu cầu tập luyện của các đội tuyển thì phải tập huấn ở các cơ sở khác như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hòa Bình... Việc chi trả chế độ cho các HLV, VĐV thì trung tâm trả vào tài khoản riêng. Đối với đội bóng bàn trẻ, từ tháng 2-2023 thực hiện chi trả theo quy định.
Vụ việc cắt xén tiền của đội tuyển bóng bàn trẻ là bài học rất lớn cho ngành thể dục thể thao (TDTT), nhất là trong công tác phối hợp và đặc biệt đây cũng là lời cảnh tỉnh cho những người tham gia công tác huấn luyện, đào tạo VĐV trẻ nhưng chưa thực sự đặt mục tiêu, sự quan tâm đến đời sống của các VĐV, trên hết còn có biểu hiện lo cho lợi ích của cá nhân.
Cũng theo thứ trưởng, ngay sau khi nhận được thông tin trên các phương tiện truyền thông, bộ đã ngay lập tức chỉ đạo Cục TDTT phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý vụ việc tiến hành đình chỉ ban huấn luyện, đưa đội tuyển bóng bàn trẻ về Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội.
Vụ việc cắt xén tiền của đội tuyển bóng bàn trẻ là bài học rất lớn cho ngành TDTT, nhất là trong công tác phối hợp.
“Bộ VH-TT&DL chỉ đạo quyết liệt, giao các cơ quan, đơn vị liên quan nhanh chóng, kịp thời xác minh trách nhiệm. Khi có thông tin sai phạm từ cá nhân, đơn vị nào sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. Bộ đã chỉ đạo Cục TDTT tổng kiểm tra, rà soát công tác huấn luyện các đội tuyển để đáp ứng được yêu cầu, quan tâm chăm lo đời sống của HLV, VĐV. Chúng tôi đặt ra thời hạn trước ngày 20-10 khi có kết quả sẽ thông tin đến báo chí” - Thứ trưởng Thủy cho biết.
Về việc HLV đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia Bùi Xuân Hà có giữ tiền hộ các VĐV, ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Cục trưởng Cục TDTT, cho biết theo tường trình của HLV trưởng đội tuyển, trước Tết có 10 VĐV tập huấn tại Khu liên hợp thể thao quốc gia, trong đó có bảy tài khoản của VĐV do gia đình giữ, ba VĐV còn lại do mồ côi nên tài khoản chuyển trực tiếp vào tài khoản của VĐV.
“Trong thời gian sinh hoạt và tập luyện, một số VĐV lên mạng mua đồ bị lừa hết tiền trong tài khoản. Vì vậy, VĐV đó chuyển tiền vào tài khoản HLV trưởng giữ hộ. Ngay sau khi phát hiện ra vụ việc này, Cục TDTT đã yêu cầu HLV chuyển trả toàn bộ kinh phí giữ hộ cho VĐV” - ông Nguyễn Hồng Minh cho hay.
Xử lý, kiểm soát đối với nghệ sĩquảng cáo sai sự thật
Cũng tại họp báo, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, cho biết: Bộ VH-TT&DL phối hợp với Bộ TT&TT xây dựng quy trình xử lý, kiểm soát đối với các trường hợp không tuân thủ quy tắc ứng xử, có tác động lớn đến xã hội đối với nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật hay vi phạm bộ quy tắc ứng xử.
“Bộ VH-TT&DL đã ban hành bộ quy tắc ứng xử, trong đó có nội dung liên quan đến các hoạt động nghề nghiệp, hoạt động với công tác xã hội, hoạt động với đồng nghiệp và hoạt động trên cơ sở của báo chí, truyền thông” - ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, những hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức ứng xử được quy định trong bộ quy tắc ứng xử, nhất là nội dung trong quy định về quảng cáo không trung thực, cung cấp sai thông tin tới công chúng, ảnh hưởng thì ngoài việc xử lý theo quy định pháp luật về luật về quảng cáo thì nghệ sĩ này sẽ được Bộ VH-TT&DL và Bộ TT&TT đưa vào diện xem xét, kiểm soát trong quy trình xử lý.
Cụ thể, Bộ TT&TT sẽ lập danh sách. Trên cơ sở danh sách đó, đánh giá mức độ vi phạm chuẩn mực đạo đức trong bộ quy tắc ứng xử, Bộ VH-TT&DL sẽ có hình thức thông tin phối hợp với các cơ quan liên quan, cơ quan báo chí và truyền hình về việc kiểm soát hình ảnh, sự hiện diện của nghệ sĩ trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như trong các hoạt động công tác xã hội và quảng cáo một cách toàn diện. “Toàn bộ các nội dung về quy trình này chúng tôi đã dự thảo, phối hợp giữa hai bộ, lấy ý kiến Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các bộ liên quan” - ông Sơn cho biết.
Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế cũng nói thêm quy trình phối hợp giữa Bộ TT&TT với Bộ VH-TT&DL đang trong quá trình hoàn thiện, cuối năm nay sẽ xong, có biện pháp xử lý chặt chẽ hơn.
“Chúng tôi mong muốn quy trình này cùng với các quy định pháp luật xử lý, quy định xử phạt hành chính có liên quan tới các lĩnh vực của ngành, một lần nữa sẽ tạo ra ý thức trách nhiệm của các chủ thể tham gia, nhất là những nghệ sĩ có tác động lớn đến xã hội về ý thức, hành vi, sứ mệnh của mình khi thực hiện các hoạt động, nhất là những hoạt động có liên quan đến quảng cáo, phát ngôn trên các phương tiện, đặc biệt là trên mạng xã hội” - ông Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh.