Vụ bắt giữ CEO Telegram sẽ khiến các ông chủ mạng xã hội phải lo lắng?
Vụ chính quyền Pháp bắt giữ và khởi tố nhà sáng lập kiêm CEO Pavel Durov của Telegram tại Paris gần đây đã gây chấn động khắp thế giới công nghệ và có thể sẽ tác động mạnh mẽ tới cách các nền tảng xã hội đang hoạt động.
Khi Pavel Durov đến sân bay Le Bourget ở ngoại ô Paris trên chiếc chuyên cơ của mình vào thứ Bảy tuần trước, ông đã bị cảnh sát nhanh chóng bắt giữ. Đến hôm qua, ông đã chính thức bị buộc tội tạo điều kiện cho các hoạt động tội phạm lan rộng trên nền tảng nhắn tin này.
Vụ việc này chắc chắn có tác động sâu rộng đến quốc tế, không chỉ quan hệ ngoại giao giữa các bên liên quan, đối với nền tảng nhắn tin đang có gần 1 tỷ người dùng này, mà còn đối với những gã khổng lồ công nghệ toàn cầu khác.
Những tranh cãi về mọi mặt
Trước tiên, đang và sẽ còn có rất nhiều tranh cãi về mọi phương diện trong vụ bắt giữ này.
Telegram đã bác bỏ các cáo buộc chống lại Durov. Trong một tuyên bố, công ty cho biết: "Thật vô lý khi tuyên bố rằng một nền tảng hoặc chủ sở hữu của nó phải chịu trách nhiệm cho việc lạm dụng nền tảng đó".
Tỷ phú Elon Musk đã kêu gọi Pháp "trả tự do cho Pavel" để ngăn chặn mối đe dọa đối với nền dân chủ. Paul Graham, đồng sáng lập của công ty hàng đầu Thung lũng Silicon là Y Combinator, cho rằng điều này sẽ làm tổn hại đến cơ hội trở thành "trung tâm khởi nghiệp lớn" của đất nước.
Ngoài ra, việc Durov bị bắt giữ cũng bị nhiều bên coi là vấn đề chính trị, khi mối quan hệ giữa Pháp cũng như các nước phương Tây nói chung với quốc gia mà ông sinh là Nga đang xuống thấp kỷ lục, bởi cuộc chiến ở Ukraine và nhiều vấn đề địa chính trị khác.
Như đã biết, Telegram là một ứng dụng nhắn tin và mạng xã hội phổ biến trên thế giới. Ứng dụng được mã hóa này đặc biệt có ảnh hưởng ở Nga và Ukraine, được các bên sử dụng rộng rãi để đưa tin và tuyên truyền trong cuộc xung đột giữa hai nước.
Những người quan tâm đến chính trị trong vụ bắt giữ đang hướng đến chi tiết các ứng dụng dụng nhắn tin của phương Tây khác như WhatsApp của Meta thực ra cũng được mã hóa và có số lượng người dùng gấp ba lần, trong khi những lời lẽ kích động thù địch và nội dung có vấn đề khác của X cũng đang ngày càng lan rộng.
Trong khi đó, cũng không có gợi ý nào cho thấy bản thân Durov trực tiếp tham gia vào việc tạo ra bất kỳ nội dung bất hợp pháp nào trên nền tảng của mình.
Bởi vậy, xuất thân đặc biệt của Durov có thể phần nào lý giải tại sao ông lại rơi vào tình cảnh này. Không giống như những ông trùm công nghệ lớn khác, Durov không có quốc tịch Mỹ. Nhà báo nổi tiếng người Mỹ Tucker Carlson trong phát biểu trên X nói rằng Pháp không thể bắt giữ Durov nếu không có sự đồng ý về động thái này với chính quyền Mỹ.
Ngoài ra, mẫu thuẫn về các vấn đề liên quan đến mạng xã hội cũng rất lớn. Nhiều bên đang hô hào quyền tự do ngôn luận, thậm chí đấu tranh cho những người bị "kiểm duyệt" vì “quan điểm chính trị” của họ. Tuy nhiên, mặt khác họ cũng đưa ra các biện pháp kiểm soát chặt chẽ nhất trên các nền tảng này.
Ví dụ, ở châu Âu, các quy định gần đây như Đạo luật Tự do Truyền thông nhằm mục đích ngăn chặn các nền tảng xóa hoặc cấm tùy tiện các nhà sản xuất tin tức và nội dung của họ, trong khi Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số lại yêu cầu các nền tảng này cung cấp các cơ chế để xóa “tài liệu bất hợp pháp”.
Các "ông lớn công nghệ" sẽ phải lo lắng?
Tuy nhiên, cũng có thể việc bắt giữ Durov chỉ là động thái siết chặt pháp lý đối với các nền tảng xã hội nói riêng, các ông lớn công nghệ nói chung của Pháp, cũng như Mỹ và nhiều quốc gia khác đang thực hiện. Nó đánh dấu một động thái quyết liệt đầu tiên về mức độ trách nhiệm mà các mạng xã hội phải gánh chịu đối với nội dung trên nền tảng của họ.
Nhưng tại sao Durov lại bị nhắm mục tiêu? Ngoài yếu tố chính trị kể trên, lý do có thể là Telegram dù đủ lớn để có mặt trên toàn cầu, nhưng chưa đến mức “bất khả xâm phạm” như Meta, hãng đang sở hữu các nền tảng quá lớn như Facebook, Instagram, Threads và WhatsApp.
Song dù thế nào, sự việc Durov bị truy tố chắc chắn sẽ thúc đẩy mạnh mạnh mẽ hơn nhiều quốc gia và tổ chức nhằm buộc các nền tảng phải chịu trách nhiệm về nội dung bất hợp pháp hoặc cung cấp thông tin chi tiết về người dùng đăng nội dung đó.
Ngược lại, nó cũng có thể khiến các nền tảng công nghệ suy nghĩ nghiêm túc hơn về nội dung tội phạm trên nền tảng của mình. Rõ ràng, không khó để tìm thấy các các hoạt động phạm tội như lừa đảo, khiêu dâm trẻ em, buôn bán hàng cấm hay tuyên truyền thông tin sai lệch và thậm chí bịa đặt trên Facebook, TikTok, YouTube và nhiều nền tảng khác.
Nói tóm lại, một bài học mà ngành công nghệ có thể rút ra từ những diễn biến trong tuần này là các gã khổng lồ mạng xã hội không còn có thể tiếp tục hoạt động trong môi trường “chân không pháp lý" như hiện nay.