Vụ bắt 155 đối tượng lừa đảo xuyên biên giới: các nghi phạm sẽ bị xử lý ra sao?

Với hành vi lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng, các nghi phạm người Việt Nam trong đường dây tổ chức tội phạm hoạt động mua bán người, lừa đảo qua mạng với quy mô đặc biệt lớn tại đặc khu kinh tế Tam giác vàng, thuộc tỉnh Bò Kẹo, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào có thể phải đối diện với mức án từ 12 đến 20 năm hoặc tù chung thân.

 Các đối tượng được di lí về trụ sở tạm giữ của Công an đặc khu Tam Giác Vàng Ảnh: CACC

Các đối tượng được di lí về trụ sở tạm giữ của Công an đặc khu Tam Giác Vàng Ảnh: CACC

Bắt giữ nhiều đối tượng

CA tỉnh Hà Tĩnh chủ trì, phối hợp với Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm mua bán người Bộ Công an Lào, CA đặc khu kinh tế tại tỉnh Bò Kẹo; đại diện Cảnh sát Việt Nam tại Lào, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ đội Biên Phòng Hà Tĩnh và các đơn vị nghiệp vụ khác đã bắt giữ 155 nghi phạm người Việt Nam đang hoạt động tại khu Tam giác vàng (Lào) để điều tra các hành vi liên quan đến lừa đảo trên không gian mạng. Theo đó, từ đầu năm 2024, CA tỉnh Hà Tĩnh liên tục nhận được nhiều đơn trình báo bị lừa đảo với cùng phương thức như nhau, chiếm đoạt nhiều tỷ đồng của các bị hại cùng nhiều đơn cầu cứu của các gia đình có con bị lừa bán sang Lào với lời hứa việc nhẹ lương cao nhưng khi sang đã bị cưỡng bức tham gia thực hiện các hoạt động phạm tội, muốn về nhưng không thể về được do bị thu hết giấy tờ và bị quản lý chặt chẽ... CA tỉnh Hà Tĩnh đã xác lập chuyên án để khẩn trương giải cứu các công dân trên địa bàn đang bị bán sang Lào, đồng thời bắt giữ, xử lý các đối tượng phạm tội.

Các đối tượng hoạt động dưới danh nghĩa một DN được cấp phép hợp pháp hoạt động trong đặc khu kinh tế; được tổ chức bài bản theo mô hình một công ty có quy mô lớn với đầy đủ các bộ phận quản lý, điều hành, phân chia thành các tổ, nhóm, hoạt động theo quy chế, nội quy do các đối tượng chủ mưu, cầm đầu đặt ra với cấp dưới, phân chia lợi ích theo lương tháng và phần trăm số tiền mỗi đối tượng lừa được của bị hại…

Với các chiêu thức được dàn dựng tinh vi, bọn chúng từng bước tạo dựng được các mối quan hệ tình cảm, gây dựng sự tin tưởng với các bị hại hoàn toàn thông qua các cuộc nói chuyện, trao đổi. Sau khi đã tạo được lòng tin, bọn chúng sẽ lôi kéo, rủ rê họ đầu tư kinh doanh trên mạng thông qua các ứng dụng (hoặc trang website) như kinh doanh khách sạn “ảo” có tên OYO (truy cập tại địa chỉ: https://hotel-oyo.cc) để hưởng % hoa hồng cao, lợi nhuận. Thời gian đầu, hoạt động này mang đến cho các bị hại những khoản lợi nhuận rất tốt nên sẽ ngày càng đầu tư vào với số tiền nhiều hơn, và đến lúc không thể đầu tư thêm thì các đối tượng sẽ tạo ra nhiều lý do khác nhau để cắt liên lạc, từ đó chiếm đoạt tiền bị hại đã đầu tư vào. Với phương thức đó, trong 2 năm hoạt động, tổ chức tội phạm quốc tế này đã thực hiện lừa hàng chục nghìn bị hại, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng. Hiện, CA tỉnh Hà Tĩnh đang tiếp tục mở rộng chuyên án. CA tỉnh Hà Tĩnh thông báo những ai là nạn nhân của đường dây lừa đảo trên nhanh chóng liên hệ với đồng chí Thượng úy Nguyễn Hữu Đại, điện thoại 0942823388, Cán bộ điều tra phòng Cảnh sát Hình sự, CA Hà Tĩnh để được phối hợp giải quyết.

Làm rõ thêm các hành vi phạm tội khác

Theo dõi vụ án trên, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Cty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định của pháp luật Việt Nam, những hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam, trên không gian mạng có liên quan đến người Việt Nam, tài sản bị mất có nguồn gốc ở Việt Nam, nạn nhân là người Việt Nam thì đều thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam.

Dù các đối tượng ở nước ngoài, là người nước ngoài nhưng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, nạn nhân là người Việt Nam, tiền của người bị hại chuyển đi từ Việt Nam thì sẽ áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam để xử lý. Cụ thể, với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền từ 500.000.000 đồng trở lên thì các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất quy định tại khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Đồng thời, toàn bộ các tài sản do phạm tội mà có, có nguồn gốc từ tội phạm đều phải được tịch thu để xử lý theo quy định của pháp luật, trả lại tiền cho người bị hại.

Theo luật sư Nguyễn Hồng Thái, người bị hại có quyền đưa ra yêu cầu bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu, có quyền đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, các biện pháp ngăn chặn để tránh việc tẩu tán tài sản. “Lừa đảo trên không gian mạng trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội không chỉ xảy ra đối với Việt Nam mà còn với nhiều quốc gia trên thế giới, xâm phạm nghiêm trọng tới quyền sở hữu tài sản hợp pháp của công dân, ảnh hưởng đến các hoạt động dân sự, kinh tế, văn hóa xã hội, gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội” –luật sư Nguyễn Hồng Thái nói và cho biết, trong vụ án trên, ngoài hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cơ quan chức năng sẽ làm rõ thêm các hành vi phạm tội khác để xử lý triệt để.

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/vu-bat-155-doi-tuong-lua-dao-xuyen-bien-gioi-cac-nghi-pham-se-bi-xu-ly-ra-sao-391288.html
Zalo