Vụ báo tin giả bị cướp ở huyện Bình Chánh: Coi chừng đi tù thật!

Theo luật sư Phùng Huyền, việc khai báo tin giả sẽ khiến cơ quan điều tra mất thời gian, công sức và nhân lực để xác minh thông tin.

Vừa qua xảy ra không ít vụ báo tin giả gây hoang mang dư luận. Song việc báo tin giả khó lòng qua mắt cơ quan công an, thậm chí bị phạt tiền, phạt tù vì tin giả.

Thiếu nợ nên bịa chuyện

Mới đây, Công an huyện Bình Chánh (TP HCM) đã hoàn tất hồ sơ xử lý với N.D.P.A (20 tuổi, ngụ quận Tân Phú) về hành vi khai báo thông tin giả, không đúng sự thật đến cơ quan tổ chức có thẩm quyền.

Cụ thể, khuya 16-9, A. đến công an cho biết mình chạy xe máy đến Khu Công nghiệp Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Lộc A thì bị 3 thanh niên đi 2 xe máy áp sát, tấp đầu xe rồi dùng hung khí cướp xe, điện thoại.

Công an huyện Bình Chánh làm việc với P.A.

Công an huyện Bình Chánh làm việc với P.A.

Song sau khi Công an huyện Bình Chánh vào cuộc thì nhận định không có xảy ra vụ cướp nào. Bằng biện pháp nghiệp vụ, A. thừa nhận hành vi báo tin giả.

Nguyên nhân là do không có tiền trả nợ và không có tiền tiêu xài nên tối cùng ngày đã mang xe máy đi cầm ở một cửa hàng trên địa bàn huyện Hóc Môn. Trên đường đi về nhà thì đánh rơi điện thoại.

Một vụ báo tin khác, đầu tháng 4-2024, người dân ở xã Bình Dương, huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) xôn xao khi bà Trần Thị Hoa (xã Bình Dương) báo tin con gái 6 tuổi bị nhóm người (khả nghi chồng cũ) đến bắt cóc và yêu cầu 15 triệu đồng tiền chuộc, nếu không sẽ giết cả hai mẹ con.

Bà Hoa nói với công an do lo sợ nên đã vay mượn 10 triệu đồng bỏ vào túi xách rồi đến tuyến bờ kè phía bắc sông Trà Bồng bỏ ở vị trí người bắt cóc yêu cầu.

Qua điều tra, công an nghi tin giả nên làm việc lại với bà Hoa. Quanh co không được, bà Hoa khai nhận thông tin con gái bị bắt cóc, tống tiền do bà bịa ra.

"Do tôi thiếu nợ tiền của nhiều người, không có tiền trả nên tôi "dựng" chuyện để mượn tiền người thân trả nợ" - bà Hoa khai.

Nhẹ thì hành chính, nặng thì đi tù

Theo luật sư Phùng Huyền, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH A+, căn cứ Nghị định 144 (năm 2021) của Chính phủ thì người cố tình báo thông tin giả đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền sẽ bị xem xét xử phạt hành chính từ 2 - 3 triệu đồng.

Riêng cán bộ, công chức, viên chức nếu báo tin giả về tội phạm thì áp dụng điều 23 Nghị định 31/2019 (năm 2019) để xử lý. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc hình sự.

Việc xử phạt như vậy là do việc tố giác sai gây ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan điều tra. Cụ thể, căn cứ theo điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự, khi cơ quan điều tra tiếp nhận tố giác thì họ có thời hạn 20 ngày để tiến hành các công việc xác minh nội dung tố giác bao gồm: lên kế hoạch tiến hành các nghiệp vụ xác minh, thu thập đồ vật, tài liệu và thông tin từ người liên quan, khám nghiệm hiện trường…

"Như vậy, việc khai báo thông tin giả sẽ khiến cơ quan điều tra mất thời gian, công sức và nhân lực để xác minh thông tin. Người dân cần lưu ý và nâng cao ý thức trong việc khai báo tố giác, tránh gây lãng phí thời gian lao động của cơ quan công vụ" - luật sư Phùng Huyền nói.

Ngoài ra, nếu người báo tin giả nhận thức được những thông tin họ đưa ra hoàn toàn không có thật hoặc tự bịa đặt, dựng chuyện để tố cáo nhằm gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống, cao nhất đến 7 năm tù. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị buộc phải bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định Bộ Luật Dân sự.

Anh Vũ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/vu-bao-tin-gia-bi-cuop-o-huyen-binh-chanh-coi-chung-di-tu-that-196241001145545268.htm
Zalo