Vụ án Xuyên Việt Oil: Các cựu quan chức không sách nhiễu, ép buộc đưa hối lộ

Đây là nhận định của TAND TP HCM đối với hành vi nhận hối lộ của nhóm bị cáo là các cựu quan chức trong vụ án.

Sau nhiều ngày diễn ra phiên xét xử, ngày 29-11, TAND TP HCM đã tuyên án đối với 15 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil.

Theo phán quyết của tòa, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh phải chịu trách nhiệm cao nhất trong vụ án.

Quá trình sai phạm gây thất thoát tài sản Nhà nước hơn 1.400 tỉ đồng, bị cáo Hạnh đã đưa hối lộ 22 lần cho 8 cá nhân với tổng số tiền hơn 31tỉ đồng. Trong đó, ngày 22-12-2021, trong việc xin cấp lại giấy phép kinh doanh xăng dầu cho công ty, Hạnh đưa hối lộ 50.000 USD (hơn 1,1 tỉ đồng) cho ông Đỗ Thắng Hải, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương, tại phòng làm việc.

Các bị cáo tại tòa

Các bị cáo tại tòa

Từ tháng 3-2020 đến tháng 12-2021, với mục đích nhờ hỗ trợ, tạo điều kiện cho Công ty Xuyên Việt Oil chậm ban hành các quyết định cưỡng chế tiền nợ thuế, không công khai thông tin nợ thuế của công ty trên các phương tiện thông tin đại chúng, Hạnh đã 5 lần đưa hối lộ cho ông Lê Duy Minh (lúc này là cựu Cục trưởng Cục Thuế TP HCM), tổng số tiền hơn 4,8 tỉ đồng.

Ngày 29-11, TAND TP HCM tuyên phạt bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh 30 năm tù về các tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Đưa hối lộ".

Bị cáo Lê Đức Thọ bị tuyên phạt 28 năm tù cho hai tội "Nhận hối lộ" và "Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi". Cùng tội danh "Nhận hối lộ", bị cáo Đỗ Thắng Hải lãnh 3 năm tù.

Với những bị cáo phạm tội "Nhận hối lộ" còn lại, HĐXX tuyên mức án từ 2-7 năm tù. Nhóm bị cáo phạm tội "Đưa hối lộ" bị tuyên phạt từ 1 năm 6 tháng tù cho hưởng án treo đến 4 năm tù giam. Về trách nhiệm dân sự, HĐXX buộc bị cáo Hạnh nộp hơn 1.700 tỉ đồng cho ngân sách nhà nước.

HĐXX nhận định trong hành vi nhận hối lộ, các bị cáo đã nhận lợi ích vật chất để làm không đúng, không đủ công vụ được giao. Tuy nhiên, qua quá trình điều tra và tranh tụng công khai tại tòa, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh là người đưa hối lộ đều xác định tất cả các bị cáo bị truy tố về tội "Đưa hối lộ" đều không có hành vi sách nhiễu hay ép buộc, đòi hỏi lợi ích cá nhân mà do bị cáo Hạnh tự nguyện tặng quà cảm ơn vào các dịp Lễ, Tết, sinh nhật.

HĐXX dẫn ra bị cáo Lê Duy Minh từng kiên quyết từ chối nhận số tiền 100.000 USD vào dịp Tết năm 2021 vì đã ra văn bản buộc Công ty Xuyên Việt Oil nộp thuế nhưng bị cáo Hạnh đã để lại tiền rồi ra về. HĐXX cho rằng những tình tiết này cho thấy tính chất, hành vi đưa – nhận hối lộ trong vụ án này hạn chế hơn các vụ án đã từng được đưa ra xét xử liên quan tội này.

Theo HĐXX, bị cáo Lê Duy Minh phạm tội trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát nghiêm trọng tại TP HCM gây thiệt hại nặng nề về kinh tế, nhà nước tiếp tục đưa ra các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để vực dậy doanh nghiệp như gia hạn nộp thuế…

TP HCM cũng có văn bản ngày 21-7-2020, giao Cục Thuế đề xuất, giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp với tinh thần giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong và sau đại dịch COVID-19. Bối cảnh trên cũng là một trong những lý do bị cáo có sự quan tâm đối với Công ty Xuyên Việt Oil – là doanh nghiệp có mức đóng thuế lớn tại TP HCM.

Cũng theo HĐXX, trước, trong và sau khi nhận hối lộ, bị cáo không bất chấp quy định pháp luật để bảo vệ, che giấu sai phạm mà chỉ tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Trong bối cảnh năm 2020-2021, bị cáo ra văn bản cưỡng chế đối với Công ty Xuyên Việt Oil và thu về số lượng tiền thuế lớn cho nhà nước.

Giai đoạn năm 2022, khi Công ty Xuyên Việt Oil có dấu hiệu không có khả năng nộp thuế, bị cáo đã tăng dần các biện pháp cưỡng chế từ trích tiền trong tài khoản đến ngừng thủ tục hải quan xuất nhập khẩu hàng hóa, ngừng sử dụng hóa đơn, cấm xuất nhập cảnh đối với người đại diện theo pháp luật… Do đó, HĐXX đánh giá tính chất hành vi phạm tội của bị cáo hạn chế hơn so với một số bị cáo khác.

Đối với bị cáo Đỗ Thắng Hải, HĐXX đánh giá bị cáo thực hiện hành vi phạm tội trong bối cảnh hàng hóa tiêu dùng trong đó có mặt hàng xăng dầu đang khan hiếm. Bản thân bị cáo là tổ trưởng tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về phòng chống dịch, là ủy viên tiểu ban sản xuất về lưu thông hàng hóa thuộc Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch và trưởng ban chỉ đạo cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho TP HCM và các tỉnh phía Nam, nên đã tạo điều kiện cho Công ty Xuyên Việt Oil được gia hạn cấp phép trong thời gian sớm nhất nhằm đáp ứng yêu cầu an sinh xã hội.

Các bị cáo đã ký giấy phép lần đầu cho Công ty Xuyên Việt Oil trải qua 5 năm kinh doanh thì công ty đã trở thành 1 trong những đầu mối cung ứng xăng dầu lớn nhất cả nước. Đây cũng là một trong những nguyên nhân để bị cáo căn cứ, tin tưởng để ký giấy phép.

HĐXX nhận định trong việc nhận hối lộ, bị cáo Hải hoàn toàn bị động và sau khi bị cáo đã ký giấy phép hơn 1 tháng. Số tiền bị cáo nhận hối lộ cũng hạn chế hơn so với các bị cáo khác nên HĐXX đánh giá tính chất, mức độ phạm tội của bị cáo hơn và xem xét khoan hồng đối với bị cáo khi lượng hình.

Các bị cáo tại tòa

Các bị cáo tại tòa

Đối với bị cáo Lê Đức Thọ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, HĐXX xác định bị cáo này nhận số tiền hối lộ lớn nhất nên mức hình phạt cần nghiêm khắc hơn.

Đối với tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi", HĐXX đánh giá bị cáo Thọ thực hiện hành vi phạm tội trong bội cảnh vừa tiếp nhận vị trí quản lý cao nhất tại tỉnh Bến Tre, với mong muốn nhanh chóng thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo thêm công ăn việc làm tại địa phương, bị cáo đã tận dụng mối quan hệ quen biết từ trước với Công ty Xuyên Việt Oil – là 1 trong 10 đối tác chiến lược của tỉnh để kêu gọi bị cáo Hạnh về đầu tư tại địa phương.

HĐXX đánh giá bị cáo có hưởng lợi thông qua việc nhận quà nhưng cũng xuất phát từ lợi ích chung cho địa phương. Do đó, khi lượng hình, HĐXX cũng xem xét khoan hồng cho bị cáo đối với hành vi này.

Vì sao phải khắc phục hơn 1.700 tỉ đồng?

Cũng theo phán quyết của tòa án, bị cáo Hạnh có nghĩa vụ nộp lại số tiền gây thất thoát lãng phí trong hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí số tiền 1.463 tỉ đồng.

Tuy nhiên, căn cứ công văn ngày 27-11-2024 của Cục Thuế TP HCM, đơn vị đại diện cho nguyên đơn dân sự trong vụ án, tòa án tuyên buộc bị cáo Hạnh còn có nghĩa vụ nộp lại hơn 242 tỉ đồng là tiền chậm nộp phát sinh từ việc không nộp kịp thời Thuế Bảo vệ môi trường tính đến ngày khởi tố vụ án (ngày 8-9-2023).

Như vậy, tổng số tiền bị cáo Hạnh phải bồi thường cho ngân sách nhà nước số tiền hơn 1.700 tỉ đồng.

Trần Thái

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/vu-an-xuyen-viet-oil-cac-cuu-quan-chuc-khong-sach-nhieu-ep-buoc-dua-hoi-lo-196241130080634515.htm
Zalo