Vụ án tại Cục Đăng kiểm Việt Nam: Phòng Tàu sông nhận hối lộ ra sao?

Thực trạng nhận và đưa hối lộ không những xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN), các Trung tâm Đăng kiểm khi đăng kiểm các phương tiện cơ giới đường bộ mà còn xảy ra tại Phòng Tàu sông và các Chi cục Đăng kiểm (CCĐK) đường thủy nội địa khi kiểm định tàu thuyền.

Nhiều thủ đoạn để nhận hối lộ

Phòng Tàu sông thuộc Cục ĐKVN, có chức năng nhiệm vụ và tổ chức hướng dẫn, chỉ đạo, thực hiện xác nhận; thông báo năng lực cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa, phục hồi phương tiện thủy nội địa (TBNL); chỉ đạo công tác thẩm định thiết kế kỹ thuật tàu sông và công nghệ.

Phiên tòa xét xử vụ án tại Cục ĐKVN.

Phiên tòa xét xử vụ án tại Cục ĐKVN.

Trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ, lãnh đạo Cục ĐKVN, Phòng Tàu sông, các CCĐK số 6, số 9, CCĐK Hải Hưng và các đơn vị liên quan khác đã thực hiện nhiều hành vi phạm tội. Cụ thể, ở lĩnh vực cấp giấy chứng nhận thẩm định thiết kế phương tiện thủy nội địa (TĐTK), Phạm Đình Thắm - Đăng kiểm viên (ĐKV) Phòng Tàu sông có nhiệm vụ duyệt hồ sơ TĐTK, đã móc nối các cá nhân, ĐKV thuộc các CCĐK nhận tiền làm các khâu cho đến khi tàu được cấp giấy chứng nhận TĐTK. Sau khi lập hồ sơ, Thắm móc nối với Phạm Tiến Duy, Giám đốc Công ty Big Blue (Hà Nội) hợp thức hóa hồ sơ với danh nghĩa Công ty Big Blue, rồi gửi Cục ĐKVN thẩm định để cấp giấy chứng nhận TĐTK.

Cáo trạng xác định Thắm nhận hối lộ 673 triệu đồng của nhiều cá nhân, ĐKV thuộc CCĐK Hải Hưng để TĐTK 26 hồ sơ và đã bỏ qua nhiều lỗi: hạ chiều cao boong nhưng chiều dài tàu không thay đổi; bản thuyết minh và bản tính điện không thể hiện thiết bị giám sát AIS (tàu trọng tải hơn 2.000 tấn). Trong 673 triệu đồng, Thắm nhận hối lộ 289 triệu đồng.

Trong lĩnh vực cấp TBNL cho các cơ sở/xưởng đóng tàu sông, từ Trưởng phòng Tàu sông cho đến ĐKV; lãnh đạo và ĐKV các CCĐK cũng nhận hối lộ. Theo quy định, để được cấp TBNL, chủ các cơ sở đóng tàu lập hồ sơ gửi Cục ĐKVN thông qua Phòng Tàu sông. Sau đó, Phòng Tàu sông phân công ĐKV xem xét hồ sơ, nếu còn thiếu sót sẽ đề nghị bổ sung, nếu hồ sơ đạt thì ĐKV sẽ kiểm tra thực tế hiện trường để đối chiếu với hồ sơ. Việc kiểm tra hiện trường do ĐKV Phòng Tàu sông thực hiện hoặc phối hợp với ĐKV của CCĐK, nơi có cơ sở/xưởng đóng tàu để kiểm tra, xác nhận các nội dung, như: mặt bằng nhà xưởng; khả năng cung ứng vật liệu, trang thiết bị trong quá trình sản xuất; tài liệu kỹ thuật và quy trình công nghệ; năng lực thi công…

Sau khi kiểm tra, Phòng Tàu sông đề xuất lãnh đạo Cục ĐKVN ký cấp TBNL đối với cơ sở loại 1; còn các CCĐK hoặc đơn vị đăng kiểm thuộc Sở Giao thông vận tải xác nhận cấp TBNL cho cơ sở loại 2, 3, 4.

Đưa hối lộ để được cấp "thông báo năng lực"

Cáo trạng xác định, Nguyễn Đăng Dương - Giám đốc Công ty Hà Hải và Phạm Tiên Tiến - Phó Giám đốc Công ty Tiến Trung nhờ Vũ Đức Nhất - Phó Giám đốc CCĐK Hải Hưng (được biệt phái làm Phó phòng Tàu sông), lập hồ sơ xin cấp TBNL cho cơ sở đóng tàu. Nhất nhận 500 triệu đồng của Dương và Tiến rồi giới thiệu ĐKV Vũ Tiến Thuật lập hồ sơ đề nghị Cục ĐKVN cấp TBNL cho Dương, Tiến và 2 người này phải trả thêm cho Thuật 15 triệu đồng/hồ sơ. Phòng Tàu sông phân công ĐKV Phan Huy Liêm, Vũ Văn Sơn rà soát hồ sơ, đánh giá trực tiếp; Bùi Quốc Hưng và Đậu Ngọc Bình (là Trưởng và Phó phòng Tàu sông) soát xét hồ sơ rồi trình Phó Cục trưởng Cục ĐKVN Nguyễn Vũ Hải ký cấp TBNL cho 2 công ty nêu trên.

Bị cáo trong vòng vây cảnh sát tại tòa.

Bị cáo trong vòng vây cảnh sát tại tòa.

Qua điều tra cho thấy, cơ sở đóng tàu Hà Hải, Tiến Trung không đủ điều kiện để được cấp TBNL, nhưng vẫn được cấp phép hoạt động trái pháp luật. Tại cơ quan điều tra, Nhất khai sau khi nhận hối lộ đã đưa cho Bình 300 triệu đồng, tuy nhiên Bình phủ nhận việc nhận tiền. Đối với cơ sở đóng tàu của Công ty Thành An do ông Bùi Huy Tuấn điều hành, và cơ sở đóng tàu của Công ty Minh Đức do ông Hà Minh Đức làm giám đốc (cả 2 đều ở Quảng Ninh), đều được Thuật liên hệ, thỏa thuận từ khâu lập hồ sơ cho đến khi cấp TBNL với giá 230 triệu đồng cho cả 2 công ty. Sau khi nhận tiền, Thuật lập hồ sơ gửi Cục ĐKVN để xin cấp TBNL, và chuyển 190 triệu đồng cho Lê Ngọc Tú (Phó phòng Tàu sông). Dù cơ sở đóng tàu Thành An, Minh Đức không đủ điều kiện, nhưng vẫn được Tú và Hưng đánh giá hồ sơ, kiểm tra hiện trường "đạt" rồi trình Cục trưởng Cục ĐKVN Trần Kỳ Hình ký cấp TBNL.

Tương tự, Công ty Hà Bình ở tỉnh Hải Dương do Phạm Ngọc Anh làm đại diện pháp luật đã đưa cho Nhất 238 triệu đồng (trong đó có 88 triệu đồng để Nhất duyệt quy trình hàn), sau đó Nhất thỏa thuận và đưa hối lộ 150 triệu đồng cho Bùi Quốc Hưng. Cũng như những cơ sở đóng tàu nêu, dù cơ sở đóng tàu của Công ty Hà Bình không đủ điều kiện, nhưng Phạm Thế Dương cùng Hưng, Nhất (là những người đánh giá hồ sơ) và Phó phòng Tàu sông Đỗ Trung Học (là người kiểm tra) vẫn lập hồ sơ "đạt" để Công ty Hà Bình được cấp TBNL.

Nhận hối lộ 38 cơ sở tại một tỉnh

Đặc biệt, tại tỉnh Long An có 38 cơ sở đóng tàu liên hệ Phạm Hoài Hà - Giám đốc CCĐK Long An, để xin cấp TBNL và được Hà giới thiệu gặp ĐKV Nguyễn Xuân Hào để lập hồ sơ. Sau đó, Hào nhận của chủ 38 cơ sở đóng tàu số tiền 30-150 triệu đồng/cơ sở, rồi lập hồ sơ gửi ra Cục ĐKVN để đánh giá. Cục ĐKVN cử Tú làm người đánh giá hồ sơ, Học kiểm tra hiện trường và Học yêu cầu Hào chuyển tiền vào tài khoản của Học và Nguyễn Thành Lê để duyệt hồ sơ.

Từ tháng 1/2021-12/2021, Hào chuyển 4,102 tỷ đồng cho Lê và Học (trong đó 3,023 tỷ đồng cho Lê; 1,079 tỷ đồng cho Học). Trong số tiền này, Học chi 1,353 tỷ đồng để làm hồ sơ thiết kế và nhận hối lộ 2,849 tỷ đồng.

Cáo trạng xác định, qua kiểm tra hồ sơ và xác minh hiện trường tại 38 cơ sở đóng tàu ở tỉnh Long An không đủ điều kiện để cấp TBNL. vì 38 cơ sở này không có quy trình hàn, công nhân không có chứng chỉ hàn, bến chuyên dùng không được cấp phép; không có kỹ sư làm việc; không ký hợp đồng với nhà thầu phụ…

Trong việc cấp TBNL, nhóm bị cáo bị xét xử tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, gồm: Trần Kỳ Hình (nguyên Cục trưởng Cục ĐKVN) đã ký cấp TBNL cho 249 cơ sở đóng tàu, trong đó 63 hồ sơ không đủ điều kiện; Nguyễn Vũ Hải (nguyên Phó Cục trưởng Cục ĐKVN) ký cấp TBNL cho 51 cơ sở đóng tàu, có 15 hồ sơ không đủ điều kiện; Bùi Quốc Hưng đánh giá hồ sơ 62 cơ sở và kiểm tra 98 hồ sơ, trong đó 30 hồ sơ không đủ điều kiện; Đậu Ngọc Bình đánh giá 1 hồ sơ và kiểm tra 57 hồ sơ, có 15 hồ sơ không đủ diều kiện…

Còn nhóm bị cáo bị xét xử tội “Nhận hối lộ”, gồm: Đỗ Trung Học nhận 2,849 tỷ đồng, hiện đang bị truy nã; Lê Ngọc Tú nhận 280 triệu đồng; Phạm Đình Thắm nhận 289 triệu đồng; Vũ Đức Nhất nhận 743 triệu đồng…

Tân Tiến

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/vu-an-tai-cuc-dang-kiem-viet-nam-phong-tau-song-nhan-hoi-lo-ra-sao.html
Zalo