Vụ án sai phạm sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu: Đề nghị doanh nghiệp nộp lại 105 tỷ đồng

Các bị cáo Đức, Nga ở Công ty Bách Khoa Việt lợi dụng việc được giao quản lý tiền gửi Quỹ bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) để thực hiện trích lập và chi sử dụng số tiền Quỹ không đúng quy định. Do đó, Viện kiểm sát đề nghị bị cáo Đức nộp lại 105 tỷ đồng...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ngày 28/5, TAND TP Hà Nội xét xử vụ án sai phạm sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Các bị cáo gồm Nguyễn Lộc An (cựu Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước Bộ Công Thương) bị truy tố về tội Nhận hối lộ. Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh (nguyên Chủ tịch HĐTV Công ty Long Hưng) bị truy tố về tội Đưa hối lộ.

Hai bị cáo khác là Trần Trác Việt Đức (Giám đốc Công ty Bách Khoa Việt) và Đỗ Thị Tuyết Nga (cựu Kế toán trưởng Công ty Bách Khoa Việt) bị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

NHẬN HỐI LỘ HƠN 14 TỶ ĐỒNG ĐỂ CẤP PHÉP KINH DOANH XĂNG DẦU

Theo cáo buộc, từ tháng 1-9/2015, ông An đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình là Trưởng Đoàn kiểm tra điều kiện cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu để nhận hối lộ.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình được giao, ông An biết rõ Công ty bách Khoa Việt và Công ty Long Hưng không đủ điều kiện được cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu.

Song với động cơ cá nhân, ông An đã chủ động gợi ý nhận tiền để hợp thức các thủ tục có điều kiện cho 2 công ty trên.

Cụ thể, ông An đã nhận 9,2 tỷ đồng của bà Trần Thị Loan Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty Bách Khoa Việt và 5 tỷ đồng của ông Nguyễn Tuấn Quỳnh.

Theo cáo trạng vợ chồng ông An đã dùng 14 tỷ đồng để mua căn biệt thự ở quận Tây Hồ, Hà Nội để ở. Số tiền 200 triệu đồng còn lại, ông An dùng chi tiêu ăn uống, sinh hoạt cá nhân hết.

Bị cáo An tại tòa.

Bị cáo An tại tòa.

Trong vụ án này, các bị cáo Trần Trác Việt Đức, Đỗ Thị Tuyết Nga ở Công ty Bách Khoa Việt lợi dụng việc được giao quản lý tiền gửi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) để thực hiện trích lập và chi sử dụng số tiền Quỹ không đúng quy định.

Cụ thể, tháng 9/2019, bị cáo Đức đã chỉ đạo Nga nhiều lần chi sử dụng không đúng mục đích Quỹ Bình ổn giá xăng dầu số tiền hơn 107 tỷ đồng. Nguyên nhân là do Công ty Bách Khoa Việt lúc đó có nhiều khoản nợ ngân hàng, nợ thuế và phải thanh toán tiền mua hàng để kinh doanh, trả lương.

Sau khi Công ty Bách Khoa Việt bị thu hồi giấy phép kinh doanh xăng dầu, nhập khẩu xăng dầu, Bộ Tài chính có thông báo yêu cầu Công ty thực hiện nghĩa vụ nộp hơn 107 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước. Đến ngày 17/5/2021, Công ty mới nộp được hơn 1,6 tỷ đồng, không còn khả năng nộp hơn 105 tỷ đồng còn lại.

Theo cáo trạng, bà Trần Thị Loan Phương, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Bách Khoa Việt đã chủ động làm đơn tố giác việc ông An nhận hối lộ và tích cực hợp tác với cơ quan điều tra làm rõ bản chất vụ án nên được miễn trách nhiệm hình sự.

Tại tòa, ông An thừa nhận hành vi nhận hối lộ và cho biết rất hối hận. Bị cáo khai nhận sẽ cố gắng vận động gia đình khắc phục thêm hậu quả vụ án 500 triệu đồng.

Theo lời khai, ông An khai nhận quen bà Phương năm 2012. Sau đó, năm 2013, bà Phương bay ra Hà Nội gặp ông An và trình bày muốn làm kinh doanh xăng dầu. Ông An giới thiệu cho bà Phương mua cây xăng đầu tiên để ra làm bán lẻ.

Năm 2015, ông An tiếp tục giới thiệu cho bà Phương mua 3 cửa hàng ở Bến Tre. Một cây xăng như vậy giá khoảng 5-7 tỷ đồng.

Trong năm 2015, bà Phương gặp ông An, đưa túi quà và nói “em không có gì chỉ có áo sơ mi biếu anh”. Khi bà Phương về, ông An mở túi quà, trong đó có 200 triệu đồng. Ông An khai thêm “Phương có nói nhờ anh mua chút quà cho gia đình”.

Lần khác ông An vào Sài Gòn có việc, bà Phương cùng ông An đi một ngày tìm nhà trong Sài Gòn nhưng không được. Ông này khai sự việc tiếp theo thì trong cáo trạng đã ghi, Phương chủ động đưa tiền. Ông An nói rằng chỉ lấy của bà Phương 5 tỷ đồng còn 4 tỷ đồng là vay.

Trong phần luận tội, đại diện Viện kiểm sát cho rằng hành vi của ông An gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động trong lĩnh vực xăng dầu là lĩnh vực quan trọng về an ninh năng lượng; phục vụ phát triển kinh tế, phục vụ đời sống người dân. Bị cáo đã chủ động gợi ý để nhận hối lộ và nhiều lần nhận hối lộ số tiền lớn.

Tuy nhiên, Viện kiểm sát cũng xem xét bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, có nhiều thành tích trong công tác, nộp lại 14,2 tỷ đồng…

Từ đó, Viện kiểm sát đề nghị phạt ông An từ 12-13 năm tù; Quỳnh 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo; Đúc từ 11-12 năm tù; Nga từ 3-4 năm tù. Ngoài ra, Viện kiểm sát đề nghị buộc bị cáo Đức bồi thường thiệt hại cho nhà nước 105 tỷ đồng, đã nộp 1 tỷ đồng.

LUẬT SƯ ĐỀ NGHỊ VẬN DỤNG NGHỊ QUYẾT SỐ 68

Tại tòa, luật sư Hoàng Minh Hiển – bào chữa cho bị cáo Quỳnh cho rằng bị cáo hiện là người bị khuyết tật nặng đã suy giảm đến trên 81%- 87%; đóng thuế đầy đủ cho nhà nước… Luật sư cũng đề nghị Hội đồng xét xử vận dụng Nghị quyết số 68 của Bộ chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đề nghị miễn hình phạt cho bị cáo.

Luật sư Đỗ Thị Ánh Tuyết, bào chữa cho bị cáo Đức cho rằng hành lang pháp lý về quản lý sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu chưa đảm bảo là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc thất thoát quỹ bình ổn xăng dầu tại Công ty Bách Khoa Việt.

Theo đó, điểm a Khoản 2 Điều 37 Nghị định 83/2014 quy định “thương nhân đầu mối hạch toán riêng bằng một tài khoản mở tại ngân hàng nơi thương nhân đầu mối có giao dịch”. Như vậy, pháp luật giao cho doanh nghiệp tự quản lý, chủ động trích lập, sử dụng và báo cáo số dư Quỹ BOG về cơ quan quản lý nhà nước.

Việc không quy định cụ thể phương pháp, cách thức quản lý, kiểm tra thực tế số dư Quỹ BOG mà doanh nghiệp đã trích lập trong từng kỳ báo cáo và trách nhiệm của từng cơ quan quản lý liên quan Quản lý của Bộ Tài chính và Bộ Công Thương, hoặc ngân hàng nơi doanh nghiệp mở tài khoản và trích lập quỹ bình ổn là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc sử dụng quỹ bình ổn trái quy định.

Đỗ Mến

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/vu-an-sai-pham-su-dung-quy-binh-on-gia-xang-dau-de-nghi-doanh-nghiep-nop-lai-105-ty-dong.htm
Zalo