Vụ án Nguyễn Phương Hằng: Đề nghị bác toàn bộ kháng cáo
Đại diện VKS cho rằng, các bị cáo, người có quyền lợi liên quan kháng cáo nhưng không đưa ra tình tiết nào mới, nên không có căn cứ xem xét kháng cáo.
Ngày 4/4, TAND Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, do Nguyễn Phương Hằng (Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam); Đặng Anh Quân (tiến sĩ Luật, giảng viên Trường ĐH Luật Thành phố Hồ Chí Minh) và các đồng phạm thực hiện.
Phiên tòa được mở do có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo Đặng Anh Quân, Giảng viên Trường đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh; Nguyễn Thị Mai Nhi (39 tuổi, trợ lý bà Hằng); Lê Thị Thu Hà (30 tuổi, nhân viên Công ty CP Đại Nam) và Huỳnh Công Tân (28 tuổi, Trưởng phòng Truyền thông Công ty cổ phần Đại Nam).
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Đinh Thị Lan, bà Đặng Thị Hàn Ni cũng có kháng cáo đối với bản án sơ thẩm.
Khai tại tòa, bị cáo Đặng Anh Quân giữ nguyên kháng cáo, yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ vụ án và xin giảm nhẹ hình phạt.
Tiếp tục trình bày, bị cáo Quân cho rằng cáo trạng truy tố trước đó có tính chất suy diễn, không đúng với lời khai của bị cáo.
“Đoạn video mà cơ quan CSĐT giám định để quy kết bị cáo xúc phạm ông Võ Nguyễn Hoài Linh là không đúng, có tính chất cắt ghép, bị cáo đã cung cấp vi bằng liên quan nhưng không được tòa án sơ thẩm xem xét”, bị cáo Quân trình bày.
Bên cạnh đó, bị cáo Quân khẳng định trong các buổi livestream, bản thân bị cáo chỉ phân tích các khía cạnh pháp lý, “phản biện xã hội” chứ không có mục đích xúc phạm bất cứ cá nhân nào như bản án sơ thẩm quy kết.
Trong buổi livestream ngày 24/12/2021 có nhắc đến việc ông Võ Nguyễn Hoài Linh chiếm giữ tiền từ thiện. Bị cáo nói ông Linh có thể không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng có thể bị xem xét xử lý trách nhiệm hành chính. Mà quan trọng nhất là trách nhiệm đạo đức. Những phân tích của bị cáo chỉ để cảnh báo và khuyên mọi người không nên hoặc nếu có huy động tiền từ thiện thì phải đúng quy định chứ không có mục đích khác.
Ngoài ra, bị cáo Đặng Anh Quân cũng cho rằng trong các buổi livestream đã không trao đổi, thống nhất nội dung trước với Nguyễn Phương Hằng, cũng không nhận bất cứ lợi ích vật chất nào từ bị cáo Hằng.
Về các lời khai của Đặng Anh Quân, bị cáo Nguyễn Phương Hằng nói mình không bàn bạc với ông Quân trong các buổi livestream. Bị cáo là người am hiểu pháp luật, không phải tự nhiên đi tấn công người khác.
Bị cáo Nguyễn Phương Hằng cũng khẳng định sẽ chịu trách nhiệm về những gì đã làm và cho biết thêm rằng, thời điểm diễn ra các buổi livestream, bản thân bị cáo và Đặng Anh Quan bị cộng đồng mạng tấn công nên cùng đồng cảm.
“Có điều tôi rất ân hận. Sai lầm lớn nhất cuộc đời tôi không ngờ tới đó là Luật An ninh mạng”, bị cáo Nguyễn Phương Hằng trình bày và nói mình tự nguyện bồi thường thay cho các bị cáo khác trong vụ án.
Các bị cáo còn lại trong vụ án là Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà và Huỳnh Công Tân thừa nhận hành vi phạm tội, trình bày nhiều tình tiết mới và mong HĐXX xem xét cho hưởng án treo.
Thực hành công tố tại tòa, đại diện VKSND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, bản án sơ thẩm đã tuyên đối với các bị cáo Đặng Anh Quân, Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà và Huỳnh Công Tân là đúng người, đúng tội. Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo cũng không đưa ra được tình tiết giảm nhẹ hình phạt nào mới nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo.
Đối với kháng cáo của bà Đinh Thị Lan, đại diện VKS cho rằng, cấp sơ thẩm xử phạt Nguyễn Phương Hằng về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ là phù hợp. Khách thể đối với tội danh trên là các quan hệ quản lý Nhà nước nên bà Lan và 9 cá nhân khác là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chứ không phải bị hại như bà Lan trình bày.
Từ các nhận định trên, đại diện VKS đề nghị HĐXX bác toàn bộ kháng cáo cùa các bị cáo, kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận…