Vụ án liên quan đến Cục Đăng kiểm Việt Nam: Vi phạm mang tính hệ thống

Ngành đăng kiểm trong giai đoạn dài đã tồn tại bất ổn, nhiều vấn đề vi phạm mang tính hệ thống mà bản thân từng bị cáo không thể thay đổi và cũng không thể từ chối thực hiện công việc dẫn đến sai phạm.

Bị cáo Đặng Việt Hà (ngoài cùng, bên phải) tại tòa. Ảnh: Hồng Phúc.

Bị cáo Đặng Việt Hà (ngoài cùng, bên phải) tại tòa. Ảnh: Hồng Phúc.

Đây là một trong các nội dung tham gia tranh tụng của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM (VKS) tại phiên tòa xét xử 254 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các Trung tâm đăng kiểm (TTĐK) của một số địa phương, diễn ra trong 2 ngày (13-14/8).

Theo đại diện VKS, kết quả điều tra, kết quả thẩm vấn trực tiếp tại tòa đã có đủ căn cứ xác định lãnh đạo các TTĐK khối V (do Cục Đăng kiểm Việt Nam trực tiếp quản lý) có chủ trương cho phép các đăng kiểm viên nhận tiền từ chủ phương tiện để bỏ qua lỗi, khiếm khuyết, hư hỏng của phương tiện khi tiến hành kiểm định và cấp giấy chứng nhận đăng kiểm cho các phương tiện. Sau đó, số tiền nhận được sẽ được chia theo quy ước thống nhất riêng ở mỗi trung tâm. Tuy nhiên, đa phần sẽ được chia cho lãnh đạo trung tâm (giám đốc, phó giám đốc), trưởng chuyền, đăng kiểm viên và dành một phần cho nhân viên văn phòng và để vào quỹ tiếp khách ngoại giao và một phần để chung chi cho lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Cụ thể, VKS xác định, giai đoạn bị cáo Trần Kỳ Hình làm Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam thì các Trung tâm khối V tự đề ra định mức để chung chi cho lãnh đạo cục này. Đến thời điểm bị cáo Đặng Việt Hà làm Cục trưởng, lại đưa thêm yêu cầu lãnh đạo các đơn vị thuộc Cục Đăng kiểm phải đặt quyền lợi của bị cáo Hà là cao nhất.

Tại các TTĐK khối V, từ khoảng tháng 4/2022 giám đốc các trung tâm nhận thông tin về chủ trương của bị cáo Đặng Việt Hà yêu cầu phải nộp tiền hối lộ hàng tháng cho bị cáo Hà, với mức cố định từ 8.000 - 15.000 đồng/1 phương tiện trên tổng số phương tiện đến các trung tâm này để kiểm định. Do đó, tất cả lãnh đạo TTĐK, đăng kiểm viên các Trung tâm khối V đều phải tăng cường việc nhận tiền khi các phương tiện đến kiểm định để có tiền nộp cho bị cáo Hà.

Dù vậy, đại diện VKS nhìn nhận: Do Ban Giám đốc các Trung tâm khối V đã có đơn tố cáo hành vi phạm tội của 2 bị cáo Đặng Việt Hà và Trần Kỳ Hình trước khi Cơ quan điều tra xác định được hành vi phạm tội. Từ đó, góp phần làm sáng tỏ bản chất vụ án, làm rõ hành vi phạm tội của những đối tượng liên quan. Vì vậy, Cơ quan điều tra không xem xét, xử lý các đối tượng về hành vi đưa hối lộ cho bị cáo Trần Kỳ Hình và Đặng Việt Hà. Trong suốt quá trình phiên tòa, với vai trò lãnh đạo tại các TTĐK, một số bị cáo thừa nhận có chủ trương cho phép nhận tiền bỏ qua lỗi, dễ dãi để nhận tiền, nhưng có một số bị cáo là lãnh đạo khác lại không thừa nhận có chủ trương cho phép các đăng kiểm viên bỏ qua lỗi nhỏ, dễ dãi khi kiểm tra để nhận tiền người đưa xe đến đăng kiểm.

Theo đại diện VKS, khi kiểm tra phương tiện dù có lỗi hay không có lỗi thì đăng kiểm viên đều có nhận tiền, giao trưởng chuyền gom vào, sau đó chia nhau. Tiền chia nhau, các bị cáo thừa nhận có hưởng lợi sử dụng cá nhân. Đồng thời, chính các bị cáo còn sử dụng 1 phần tiền này đưa hối lộ lên lãnh đạo Cục Đăng kiểm.

“Hành vi nhận tiền hối lộ này phải có sự cho phép, đồng thuận từ lãnh đạo trung tâm, đến lãnh đạo phụ trách cơ sở, trưởng chuyền, đăng kiểm viên? Sự việc xảy ra không chỉ diễn ra vài ngày, vài tuần mà kéo dài cả năm, chính sự thông đồng, bỏ mặc mà hậu quả của vụ án này và nhiều vụ án khác liên quan đến đăng kiểm đã phải xử lý nhiều cán bộ, kỹ thuật có tay nghề trình độ cao, ảnh hưởng đến sự vận hành của cả một ngành nghề, lĩnh vực, ảnh hưởng đến trật tự xã hội” - đại diện VKS nhận định.

Trong 2 ngày 13 - 14/8 diễn ra các phiên tranh tụng tại tòa, đại diện VKS đã chia sẻ đối với hoàn cảnh phạm tội của các bị cáo là nhân viên, đăng kiểm viên: “Chúng tôi cũng hết sức chia sẻ về hoàn cảnh thực hiện hành vi phạm tội, đây đã là tệ nạn được thực hiện từ trước; các bị cáo có thể do nhận thức, có thể do hoàn cảnh gia đình nên sợ bị mất việc, sợ lãnh đạo… nên cũng đã có phân hóa vai trò đối với từng bị cáo. Nhưng lợi dụng hoàn cảnh cho rằng mình không phạm tội, rằng việc làm của mình là đúng đắn, thì lại không thể chấp nhận được”. Tuy nhiên, đại diện VKS cho rằng, bản thân các đăng kiểm viên, lãnh đạo các bộ phận trung tâm đăng kiểm cần phải nhìn thẳng vào sự thật rằng: Thực tế ngành đăng kiểm trong giai đoạn này còn nhiều bất ổn, còn tồn tại nhiều vấn đề vi phạm mang tính hệ thống mà bản thân bị cáo không thể thay đổi và cũng không thể từ chối thực hiện công việc dẫn đến sai phạm, không nên đổ lỗi cho người khác.

LÊ ANH

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/vu-an-lien-quan-den-cuc-dang-kiem-viet-nam-vi-pham-mang-tinh-he-thong-10288102.html
Zalo