Vụ án 'kẹo rau' Kera: Cảnh báo lỗ hổng quảng cáo mạng xã hội

Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Bộ Công an đã khởi tố vụ án 'sản xuất hàng giả là thực phẩm và lừa dối khách hàng' liên quan đến sản phẩm 'kẹo rau Kera', với sự tham gia của một số cá nhân nổi tiếng trên mạng xã hội. Vụ việc không chỉ gây xôn xao dư luận mà còn đặt ra nhiều vấn đề về trách nhiệm doanh nghiệp và các lỗ hổng trong quản lý thị trường và quảng cáo trực tuyến hiện nay.

Cơ quan Cảnh sát điều tra thực hiện các thủ tục tố tụng đối với Nguyễn Thị Thái Hằng và những người liên quan vụ án. Ảnh: BCA.

Cơ quan Cảnh sát điều tra thực hiện các thủ tục tố tụng đối với Nguyễn Thị Thái Hằng và những người liên quan vụ án. Ảnh: BCA.

Ngày 3/4, Cơ quan CSĐT, Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “sản xuất hàng giả là thực phẩm và lừa dối khách hàng” quy định tại Điều 193, 198 Bộ luật Hình sự năm 2015, liên quan đến Công ty CP Asia Life, Công ty CP Tập đoàn Chị Em Rọt và một số công ty, xảy ra tại TPHCM và tỉnh Đắk Lắk. Đồng thời ra Quyết định khởi tố bị can, áp dụng biện pháp tạm giam đối với 5 bị can: Nguyễn Phong - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Asia Life) về tội “sản xuất hàng giả là thực phẩm”; Nguyễn Thị Thái Hằng (Hằng du mục) - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Chị Em Rọt; Lê Tuấn Linh - Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Chị Em Rọt; Phạm Quang Linh (Quang Linh Vlogs) và Lê Thành Công là cổ đông, thành viên HĐQT Công ty CP Tập đoàn Chị Em Rọt cùng về tội “lừa dối khách hàng”, quy định tại khoản 2 Điều 198 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo Bộ Công an, sau khi nhận được tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng liên quan đến sản phẩm kẹo rau củ Kera của Công ty CP Tập đoàn Chị Em Rọt được Hoa hậu Nguyễn Thúc Thủy Tiên, Nguyễn Thị Thái Hằng và Phạm Quang Linh quảng cáo sai sự thật trên các nền tảng mạng xã hội, gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng, Cơ quan CSĐT, Bộ Công an đã phối hợp với các đơn vị liên quan điều tra, xác minh các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến việc sản xuất, quảng bá kẹo Kera của Công ty CP Tập đoàn Chị Em Rọt trên nền tảng mạng xã hội.

Cơ quan điều tra xác định, sản phẩm thực phẩm bổ sung Kera SuperGreens Gummies (kẹo Kera) là sản phẩm của Công ty CP Tập đoàn Chị Em Rọt, do Công ty CP Asia life sản xuất là “hàng giả” và đã được Công ty CP Tập đoàn Chị Em Rọt bán ra thị trường 135.325 hộp trong thời gian từ 12/12/2024 đến ngày 19/3/2025, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Được biết, sản phẩm “kẹo rau Kera” được sản xuất tại Công ty CP Asia Life (Đắk Lắk), bắt đầu phát hành ra thị trường vào cuối năm 2024. Sản phẩm được giới thiệu như một giải pháp thay thế rau xanh trong bữa ăn, với khẩu hiệu nổi bật “một viên thay một đĩa rau”. Điều đáng chú ý là chiến dịch quảng bá sản phẩm không đi theo hướng truyền thống mà được triển khai mạnh mẽ thông qua các kênh mạng xã hội. Những người nổi tiếng như: Hằng Du Mục, Quang Linh Vlogs - vốn sở hữu hàng triệu người theo dõi trên Facebook, TikTok, YouTube đã trực tiếp xuất hiện trong các livestream bán hàng, quảng bá công dụng sản phẩm.

Tuy nhiên, khi người tiêu dùng mang sản phẩm đi xét nghiệm độc lập, kết quả cho thấy hàm lượng chất xơ trong kẹo thấp hơn rất nhiều so với công bố, không đáp ứng được vai trò “thay thế rau xanh” như quảng cáo. Sự việc “gây bão” dư luận, sau đó Quang Linh Vlogs và Hằng du mục cùng đại diện của Công ty CP Tập đoàn Chị Em Rọt phải xin lỗi khách hàng và công chúng về sai sót trong việc quảng cáo bán sản phẩm kẹo rau Kera trong thời gian vừa qua.

Theo các chuyên gia kinh tế, vụ việc “kẹo rau Kera” tiếp tục cho thấy những bất cập nghiêm trọng trong quản lý thị trường thực phẩm chức năng và quảng cáo online. Việc cả nhà sản xuất, công bố sản phẩm và người quảng bá cùng bị khởi tố cho thấy dấu hiệu hành vi phạm tội có tổ chức, có sự cấu kết để trục lợi. Đặc biệt, vai trò của các KOL (người có ảnh hưởng) trong vụ việc này không thể xem nhẹ, bởi chính họ là người trực tiếp “bán niềm tin” cho người tiêu dùng thông qua mạng xã hội.

Việc để các doanh nghiệp tự công bố chất lượng và đưa sản phẩm ra thị trường khi chưa qua hậu kiểm độc lập là nguyên nhân dẫn đến nhiều sản phẩm “giả danh sức khỏe” xuất hiện công khai. Thêm vào đó, những lời quảng cáo như “một viên thay một đĩa rau”, “giải pháp dinh dưỡng cho người bận rộn”, được nói ra bởi người nổi tiếng trên mạng xã hội đã khiến nhiều người tiêu dùng tin tưởng, dù không có bất kỳ kiểm chứng khoa học nào. Tâm lý “người nổi tiếng quảng cáo - người nổi tiếng dùng thì chắc là tốt” đã tạo điều kiện cho hàng loạt sản phẩm kém chất lượng tuồn ra thị trường.

Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Lê Ngọc Hoàng - Trưởng Văn phòng Luật sư Long Tâm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá, hành vi sản xuất hàng giả là thực phẩm và lừa dối khách hàng đối với mặt hàng thực phẩm là hành vi nghiêm trọng vì nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của con người. Việc áp dụng các điều khoản của Bộ luật Hình sự đối với hành vi sản xuất hàng giả, lừa dối khách hàng là hoàn toàn cần thiết.

Đối với tội “lừa dối khách hàng” được quy định tại khoản 2 Điều 198 Bộ luật Hình sự năm 2015: Người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Đối với tội “sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm” tại khoản 4 Điều 193 Bộ luật Hình sự quy định: Người vi phạm có thể bị xử phạt từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân tùy vào mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm gây ra.

“Vụ án kẹo rau không còn là chuyện riêng của một nhóm doanh nghiệp hay vài người nổi tiếng. Nó là hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn xã hội, về cách chúng ta sản xuất, quản lý và tiêu dùng trong thời đại số. Cái giá phải trả sẽ rất đắt, không chỉ bằng tiền, mà còn bằng uy tín, đạo đức và cả sinh mạng con người” - luật sư Hoàng nhấn mạnh.

Đức Sơn

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/vu-an-keo-rau-kera-canh-bao-lo-hong-quang-cao-mang-xa-hoi-10303075.html
Zalo