Vụ án Diddy và lời kêu cứu tuyệt vọng suốt 20 năm

Cáo buộc chống lại Diddy đã xuất hiện từ năm 2004, nhưng lời kêu cứu của những ngôi sao nữ đã bị công chúng, Hollywood và cả ngành giải trí ngó lơ trong gần hai thập kỷ.

Khi ông trùm âm nhạc Sean "Diddy" Combs bị bắt giữ và điều tra về tội tống tiền, buôn bán tình dục, tham gia vào hoạt động môi giới mại dâm... vụ việc đã gây chấn động cả trong lẫn ngoài ngành công nghiệp giải trí. Nhưng một số người không hề ngạc nhiên, theo USA Today.

Tin đồn về hành vi bị cáo buộc của Diddy đã lan truyền trong nhiều năm qua, và một số phụ nữ nổi tiếng thậm chí công khai chỉ trích rapper này trong các cuộc phỏng vấn trước đó. Nhưng vấn đề là rất ít người lắng nghe.

Trong hồ sơ năm 2004 của Kimora Lee Simmons, cô nhớ lại một lần bị Diddy đe dọa đánh đập khi đang mang thai. Đến năm 2022, cựu thành viên Danity Kane Aubrey O'Day tiết lộ trên podcast "Call Her Daddy" rằng việc cô buộc phải rời khỏi nhóm nhạc nữ vào năm 2008 có liên quan đến chuyện cô từ chối làm "những gì Combs mong đợi ở mình" trong các lĩnh vực không hề liên quan đến âm nhạc.

Ca sĩ Jaguar Wright đã giữ vững lập trường trong nhiều năm, cáo buộc Diddy phạm tội nghiêm trọng trong các cuộc phỏng vấn. Trong một cuộc phỏng vấn video, Wright nói rằng cô đã bị gọi là "kẻ nói dối" và bị buộc tội ghen tị với thành công của nam rapper.

 Ông trùm âm nhạc Sean "Diddy" Combs bị bắt giữ và điều tra với hàng loạt cáo buộc nghiêm trọng.

Ông trùm âm nhạc Sean "Diddy" Combs bị bắt giữ và điều tra với hàng loạt cáo buộc nghiêm trọng.

Phải đến khi đoạn phim ghi lại cảnh Diddy hành hung bạn gái cũ Cassie Ventura xuất hiện thì mọi người mới bắt đầu lắng nghe câu chuyện của Simmons, O'Day, Wright và nhiều người khác.

Các chuyên gia cho biết định kiến về giới tính và chủng tộc, cũng như định kiến nhận thức như "halo effect" (tạm dịch: hiệu ứng hào quang) góp phần vào việc phủ nhận các cáo buộc tấn công tình dục, khiến những người sống sót phải chịu cảm giác xấu hổ, không được tin tưởng.

Hiệu ứng hào quang

Theo Elizabeth L. Jeglic, nhà tâm lý học lâm sàng và giáo sư tại Trường Cao đẳng Tư pháp Hình sự John Jay, Đại học Thành phố New York (Mỹ), thành kiến nhận thức được gọi là hiệu ứng hào quang có thể bảo vệ hình ảnh của các ngôi sao trước những cáo buộc lạm dụng tình dục.

Jeglic cho biết khi chúng ta có ấn tượng tích cực về một người như Diddy - nghệ sĩ đoạt giải Grammy, được vinh danh trên Đại lộ Danh vọng Hollywood và được trao bằng tiến sĩ danh dự của Đại học Howard - công chúng có xu hướng "bỏ qua những thông tin không phù hợp với nhận thức của mình về ông ta", đặc biệt là khi một người "có địa vị thấp hơn Diddy" lên tiếng.

 "Hiệu ứng hào quang" đã dung túng cho Diddy trong nhiều năm.

"Hiệu ứng hào quang" đã dung túng cho Diddy trong nhiều năm.

Có thể đó là những gì đã xảy ra vào năm 1999. Rapper này đến hộp đêm với bạn gái khi đó là Jennifer Lopez, rồi có lời qua tiếng lại với rapper Moses "Shyne" Barrow. Cuộc đấu súng sau đó đã khiến 3 người bị thương. Sau cuộc rượt đuổi của cảnh sát, Diddy, Lopez, Jones và Barrow đều bị bắt giữ trong thời gian ngắn. Phiên tòa xét xử bồi thẩm đoàn sau đó chỉ kết luận Barrow có tội tấn công cấp độ một vì đã bắn hai người qua đường. Nhưng một trong những nạn nhân, Natania Reuben, đã liên tục khẳng định Diddy cũng là người nổ súng.

Nhưng đôi khi phải cần đến bằng chứng không thể chối cãi thì mọi người mới thay đổi nhận thức của mình về một người nổi tiếng, chẳng hạn như đoạn video Diddy hành hung Ventura tại khách sạn.

"Điều đó khiến mọi người bắt đầu suy nghĩ, 'Liệu anh ta có thể cư xử như thế này không?'", bà Jelgic giải thích.

Những định kiến "bịt miệng" nạn nhân

Một số phụ nữ trong vụ việc là người da đen, điều này có thể đóng vai trò trong sự nghi ngờ mà họ phải đối mặt. Theo Chloe Grace Hart, phó giáo sư xã hội học tại Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ), hiện tượng này có từ thế kỷ 19, khi việc giảm thiểu các trải nghiệm bạo lực tình dục của phụ nữ da đen ở Mỹ "thực sự được ghi vào luật".

"Ở một số tiểu bang miền Nam, từng chỉ có phụ nữ da trắng mới được công nhận hợp pháp là nạn nhân của hiếp dâm. Ngày nay, điều đó chắc chắn không còn đúng nữa, nhưng tàn dư của kiểu suy nghĩ đó vẫn tồn tại, mặc dù không nhất thiết ở mức độ có ý thức", bà Hart nói

Trong một nghiên cứu gần đây do bà Hart thực hiện, bà phát hiện ra rằng người Mỹ ít có khả năng tin một phụ nữ da đen mô tả về trải nghiệm quấy rối tình dục hơn so với một phụ nữ da trắng kể cùng câu chuyện.

"Điều đó cho thấy rằng khi nói đến bạo lực tình dục, những phụ nữ da đen sống sót phải đối mặt với cuộc chiến đặc biệt khó khăn để được mọi người tin tưởng", bà nói.

 Những lời cáo buộc của một số phụ nữ nhằm vào Diddy đã bị ngó lơ trong nhiều năm.

Những lời cáo buộc của một số phụ nữ nhằm vào Diddy đã bị ngó lơ trong nhiều năm.

Theo Reneé Carr, nhà tâm lý học lâm sàng và chuyên gia về tư duy con người, phụ nữ da đen và Latinh thường bị tình dục hóa quá mức, điều này rất quan trọng khi nói đến các cáo buộc lạm dụng. "Bởi vì trong tâm trí đã có sẵn một định kiến vô thức rằng nhóm này vốn đã có nhu cầu tình dục cao rồi, người ta thường có xu hướng phủ nhận của cáo buộc tấn công, lạm dụng tình dục của họ", bà Carr cho hay.

"Chúng ta vẫn chủ yếu sống trong một xã hội gia trưởng, nơi mà đàn ông vẫn nắm giữ phần lớn quyền lực", bà Jelgic nói. "Vì vậy, khi phụ nữ đưa ra cáo buộc, việc hạ thấp họ và biến họ thành người dễ xúc động hoặc điên rồ dễ dàng hơn nhiều".

Phụ nữ da đen cũng bị đánh đồng là "dễ giận dữ", và định kiến đó có thể làm trầm trọng thêm sự thờ ơ, thao túng tâm lý đối với những trải nghiệm trong cuộc sống của họ.

Tuy nhiên, khi nhiều phụ nữ cùng lên tiếng kể lại việc bị lạm dụng, công chúng sẽ dễ dàng chấp nhận và lắng nghe những câu chuyện này hơn. "Chúng ta đã thấy những thay đổi với phong trào #MeToo. Nhưng vẫn còn một chặng đường dài ở phía trước", bà Jelgic nhận định.

Lê Vy

Ảnh: The New York Times

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/vu-an-diddy-va-loi-keu-cuu-tuyet-vong-suot-20-nam-post1500110.html
Zalo