Vụ án Đại Ninh: 'Hậu quả về công tác cán bộ là cực kỳ đau xót'
Viện kiểm sát đánh giá đây là vụ án điển hình sai phạm trong hoạt động thanh tra và giải quyết khiếu nại, có sự móc nối giữa các cá nhân trong và ngoài cơ quan quản lý Nhà nước. 'Rõ ràng hậu quả về công tác cán bộ là cực kỳ đau xót', đại diện Viện KSND TP Hà Nội nói và cho rằng, hành vi của người này là tiền đề để người khác phạm tội nên toàn bộ bị cáo phải chịu trách nhiệm về hậu quả này.
Án đề nghị cho các bị cáo dưới khung hình phạt
Tối 17/1, đại diện Viện KSND TP Hà Nội tiến hành đối đáp ý kiến bào chữa của bị cáo và luật sự trong vụ án “Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, xảy ra tại Dự án Đại Ninh, tỉnh Lâm Đồng.
Viện kiểm sát đánh giá đây là vụ án điển hình sai phạm trong hoạt động thanh tra và giải quyết khiếu nại, có sự móc nối giữa các cá nhân trong và ngoài cơ quan quản lý Nhà nước.
Theo Viện kiểm sát, trước khi đưa ra quan điểm luận tội và mức án đề nghị, các Kiểm sát viên đã xem xét tổng thể vụ án, tình tiết tăng nặng giảm nhẹ, động cơ, bối cảnh phạm tội và đưa ra mức án giảm đặc biệt dưới khung hình phạt.
Viện kiểm sát nêu dẫn chứng khung hình phạt với tội “Nhận hối lộ” khung phạt tới 20 năm, chung thân hoặc tử hình, nhưng thực tế Kiểm sát viên chỉ đề nghị mức án từ 2 đến 8 năm tù là cao nhất cho 6 bị cáo.
Ở nhóm tội “Đưa hối lộ và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” cũng có khung phạt rất cao 15 - 20 năm nhưng các bị cáo bị truy tố tội này cũng chỉ bị đề nghị án bằng thời gian tạm giam, hay tối đa đến 3 năm tù.
Trong đó, cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng bị đề nghị chỉ 24 - 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Viện kiểm sát khẳng định đã rất nghiêm túc đánh giá để đưa ra mức án hết sức nhân văn và phù hợp cho bị cáo.
Viện kiểm sát bác quan điểm bào chữa của luật sư
Trước đó, nêu quan điểm bào chữa, các luật sư cho rằng hậu quả vụ án trên thực tế không có thiệt hại, bởi đến cuối cùng, quyền sử dụng đất Dự án Đại Ninh vẫn chưa trao cho ai, tỉnh Lâm Đồng vẫn đang quản lý sử dụng.
Đối đáp quan điểm của luật sư, Viện kiểm sát đánh giá, hành vi trái pháp luật của các bị cáo cựu quan chức dẫn đến đại gia Nguyễn Cao Trí được gia hạn thực hiện dự án mà đáng lẽ đã bị thu hồi, trả Nhà nước.
Theo Viện kiểm sát, ông Trí sau đó sử dụng pháp nhân công ty để bán cho công ty của Novaland và thu lợi trái luật hơn 2.700 tỷ đồng. Từ hành vi của Nguyễn Cao Trí đã làm tha hóa chính bị cáo, làm tha hóa nhiều cựu cán bộ giữ chức vụ trong cơ quan quản lý Nhà nước, từ Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Tỉnh ủy - UBND tỉnh Lâm Đồng, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng.
“Rõ ràng hậu quả về công tác cán bộ là cực kỳ đau xót", đại diện Viện KSND TP Hà Nội nói và cho rằng, hành vi của người này là tiền đề để người khác phạm tội nên toàn bộ bị cáo phải chịu trách nhiệm về hậu quả này.
Trong phần bào chữa, luật sư cũng nêu nhiều về hoàn cảnh phạm tội, nói ông Nguyễn Cao Trí tâm huyết, đam mê với dự án vì có ý nghĩa lớn với quê hương.
Quan điểm này càng bị Viện kiểm sát phản đối gay gắt, cho rằng bị cáo Nguyễn Cao Trí làm dự án không phải vì đam mê. Bị cáo biết rõ dự án bị Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi, nhưng vẫn bàn bạc trao đổi thảo thuận đề nghị cố phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh giúp đỡ để thay đổi nội dung kiến nghị trong kết luận thanh tra.
Khi được ông Minh đồng ý, bị cáo mới quay lại đàm phán mua lại dự án từ chủ đầu tư cũ nhưng đàm phán chưa xong, chưa đủ cơ sở bán dự án, bị cáo đã bán cho đơn vị khác.
"Bị cáo làm gì có quyền sở hữu hay chuyển nhượng dự án mà bán, vậy dựa vào đâu để nói làm dự án vì mục đích tốt đẹp, đam mê, đem lại lợi ích cho quê hương", Viện kiểm sát nêu.
Viện kiểm sát khẳng định không quan tâm đến năng lực công ty của ông Trí mà chỉ đánh giá hành vi của bị cáo với dự án là trái luật. Ông Trí bán dự án được 2.700 tỷ đồng thu lời bất chính, trong khi dự án và cả khoản tiền đáng phải thu hồi song tại tòa ông Trí xin được giữ lại, nói không "hưởng lợi đồng nào".
Trước việc nhiều luật sư cũng so sánh vụ án này với các sai phạm khác, hoặc so sánh mức án đề nghị giữa các bị cáo trong cùng vụ án này. Viện kiểm sát cho hay, mỗi vụ án có tính chất khác nhau, nếu ý kiến của các luật sư đem lại lợi ích cho cả hai người bị so sánh thì không sao nhưng nếu ý kiến vô hình làm xấu đi tình trạng của bị cáo khác, không phải thân chủ của mình thì luật sư phải xem lại quy tắc hành nghề.
Trước đó, được tự bào chữa, cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận đề nghị các luật sư chỉ nói về các tình tiết giảm nhẹ. Tương tự là cựu Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp cũng khẳng định "đã thấy các sai phạm của mình" nhưng ông cho rằng mức án Viện kiểm sát đề nghị là quá nặng, dù đã nêu rất nhiều tình tiết giảm nhẹ. Ông Hiệp đề nghị giai đoạn chấp hành án nếu có “mệnh hệ” gì xin được hiến xác cho y học, khoa học.