Vụ án cựu Chủ tịch tỉnh An Giang: Hơn 170 tỷ đồng được 'rửa' thế nào?
Trong vụ án sai phạm trong khai thác cát tại An Giang, cơ quan điều tra xác định để che giấu nguồn gốc gần 170 tỷ đồng, Tổng Giám đốc Công ty Trung Hậu 68 đã sử dụng những chiêu trò tinh vi.
Cựu Chủ tịch tỉnh "nâng đỡ" doanh nghiệp thế nào?
Trong vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần đầu tư Trung Hậu 68, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cáo buộc Nguyễn Thanh Bình - cựu Chủ tịch UBND tỉnh An Giang phạm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Theo kết luận của Cơ quan CSĐT Bộ Công an, ngày 21/4/2020, Công ty Trung Hậu 68 (do Lê Quang Bình làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc) nộp hồ sơ đề nghị UBND tỉnh An Giang cho khảo sát, thăm dò và cấp phép khai thác cát tại mỏ Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân theo hình thức không thông qua đấu giá, để cung cấp cát cho công trình nối quốc lộ 91 và tuyến tránh Tp.Long Xuyên.
Công ty Trung Hậu 68 đề nghị được cấp giấy phép khai thác khoáng sản là vật liệu san lấp thông thường; nâng công suất khai thác từ 300.000m3 lên 740.000m3 và từ 740.000m3 lên 1,1 triệu m3.
Cụ thể, cựu Chủ tịch tỉnh Nguyễn Thanh Bình đã chỉ đạo ông Trần Anh Thư - cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh và ông ông Nguyễn Việt Trí - cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tạo điều kiện Trung Hậu 68 khảo sát, thăm dò và cấp phép khai thác cát như đề nghị.
Nhận chỉ đạo, ông Thư chấp thuận đề xuất của ông Trí, ký quyết định bổ sung khu vực rộng 99ha tại Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân vào danh mục khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Đáng chú ý, trước đó chính ông Thư là ký quyết định đưa khu vực trên vào đấu giá.
Sau đó, ông Trí chỉ đạo cấp dưới cung cấp thông tin, tài liệu, chủ trương của tỉnh, hướng dẫn trước các tiêu chí lựa chọn đơn vị cấp quyền thăm dò mỏ cát để tạo điều kiện cho Trung Hậu 68 trúng quyền thăm dò.
Ông Trí cũng được xác định là người ký giấy phép khai thác khoáng sản số 763, cấp phép cho Trung Hậu 68 khối lượng khai thác 300.000m3, cung cấp cát cho Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ không đúng chủ trương.
Dù không đúng thẩm quyền, nhưng ông Nguyễn Thanh Bình vẫn kết luận đồng ý cấp phép khai thác cho Trung Hậu 68 và chỉ đạo Thư ký giấy phép cho Trung Hậu 68 khai thác cát.
Chưa dừng lại, trong 2 lần điều chỉnh công suất khai thác từ 300.000m3 lên 1,1 triệu m3, ông Nguyễn Thanh Bình cũng có tác động, chỉ đạo để doanh nghiệp được tăng sản lượng khai thác cát.
Sau khi điều chỉnh công suất mỏ cát lên 1,1 triệu m3, Lê Quang Bình biết độ sâu đáy sông khu vực mỏ cát đã vượt mức cho phép, sẽ ảnh hưởng đến việc điều chỉnh tăng công suất khai thác.
Do đó, bị can này đã chủ động gặp, báo cáo Chủ tịch tỉnh, Phó Chủ tịch tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Chánh văn phòng tỉnh và giải trình vấn đề vượt độ sâu là do một công ty khác khai thác trái phép trong mỏ của Trung Hậu 68.
Để "cảm ơn" nhóm lãnh đạo tỉnh đã nâng đỡ cho công ty, Lê Quang Bình đã đưa cho Nguyễn Thanh Bình 300.000 USD; đưa ông Trần Anh Thư hơn 960 triệu đồng; đưa ông Nguyễn Việt Trí hơn 3,1 tỷ đồng; đưa ông Nguyễn Bảo Trung 550 triệu đồng.
Kết luận nêu, từ ngày 24/12/2021 đến ngày 29/7/2023, Công ty Trung Hậu 68 đã khai thác tổng hơn 5 triệu m3 cát, trong đó đem bán lại trái quy định hơn 3,7 triệu m3, hưởng lợi gần 300 tỷ đồng.
Thủ đoạn rửa tiền tinh vi
Trong khi đó, để che giấu nguồn gốc số tiền hơn 170 tỷ đồng do khai thác trái phép tại mỏ cát, ông Lê Quang Bình đã sử dụng những chiêu trò tinh vi.
Kết luận điều tra cho thấy, để che giấu nguồn gốc hơn 170 tỷ đồng do khai thác trái phép tại mỏ cát của Công ty Trung Hậu 68, từ tháng 10/2022 đến ngày 29/7/2023, ông Bình đã chỉ đạo người khác chuyển số tiền trên vào tài khoản ngân hàng của các cá nhân khác nhau, sau đó sử dụng vào trả nợ, chi phí điều hành, chi tiêu cá nhân. Còn lại hơn 47 tỷ đồng được dùng mua các bất động sản và ô tô.
Cụ thể, ông Bình chỉ đạo ông Hoàng Hải Thụy - Phó TGĐ Công ty Trung Hậu 68 nhận tiền thanh toán từ khách lẻ hoặc qua "cò cát" bằng tiền mặt (không có biên nhận, không ghi chép lại), đến nay không xác định được ông Thụy đã nhận bao nhiêu tiền mặt.
Ngoài ra, ông Thụy cũng được chỉ đạo mượn tài khoản ngân hàng của người khác để nhận tiền và chuyển lòng vòng, cuối cùng mới tới tay ông Bình hoặc được ông Bình chỉ đạo sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau.
Từ tháng 10/2022 đến ngày 29/7/2023, thông qua tài khoản của 3 người khác, ông Thụy nhận tiền thanh toán của khách lẻ tổng cộng hơn 170 tỷ đồng. Sau đó, theo yêu cầu của ông Bình, ông Thụy chuyển khoản số tiền này cho các cá nhân là lãnh đạo, nhân viên Công ty Trung Hậu 68.
Khi tiền được chuyển về tài khoản của các cá nhân nêu trên, ông Bình chỉ đạo rút tiền mặt hoặc chuyển tiền đến các tài khoản khác để sử dụng vào nhiều việc khác nhau.
Trong số tiền hơn 50 tỷ đồng mà ông Bình nhận từ ông Thụy (trong đó tiền mặt hơn 41 tỷ đồng), ông Bình đã dùng chi tiêu cá nhân hơn 3,7 tỷ đồng; dùng hơn 47 tỷ đồng để mua nhiều bất động sản và xe sang.
Theo cơ quan điều tra, ông Bình đã giao cho cháu là Lê Văn Hoàng và anh trai là Lê Quang Vinh đứng tên ký hợp đồng đặt cọc mua 6 bất động sản, số tiền thanh toán hơn 37 tỷ đồng; chỉ đạo 2 cá nhân khác thanh toán mua 8 ô tô các loại, đều là xe sang như Lexus, Mercedes…
Hiện cơ quan điều tra đã hoàn tất kết luận và đề nghị truy tố 44 bị can liên quan đến vụ án trên.