Vụ 2.750 bài thi ở Thái Bình bị sai điểm: làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan

Kết luận của đoàn thanh tra tỉnh Thái Bình cho thấy, liên quan đến vụ việc lùm xùm điểm thi vào lớp 10, bước đầu xác định Trưởng Ban Chỉ đạo kỳ thi và Ban Thư ký đã không thực hiện đúng quy định trong quá trình thực hiện việc hồi phách bài thi tự luận.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình tiếp tục bị đình chỉ liên quan đến vụ hàng nghìn bài thi bị sai điểm. Ảnh minh họa

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình tiếp tục bị đình chỉ liên quan đến vụ hàng nghìn bài thi bị sai điểm. Ảnh minh họa

Khắc phục sai sót

Thông tin về kết quả bước đầu thanh tra kỳ thi tại cuộc họp báo do UBND tỉnh Thái Bình tổ chức ngày 20/8, đại diện Thanh tra tỉnh cho biết, qua kiểm tra, xác minh, đoàn thanh tra xác định nguyên nhân vụ việc bất thường điểm thi tại Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025 ở tỉnh Thái Bình xuất phát từ những sai sót trong quá trình thực hiện “Hồi phách bài thi tự luận”.

Cụ thể, trong quá trình thực hiện “Hồi phách bài thi tự luận”, số lượng bài thi được kiểm tra khớp phách bằng tay chỉ đạt tỉ lệ 0,71%, không đảm bảo ít nhất 20% số bài thi tự luận theo quy định tại điểm c khoản 6 Điều 27, Quy chế thi tốt nghiệp THPT.

Khi phát hiện sai sót (một số bài thi bị lệch phách), Ban Thư ký không lập biên bản mà chỉ ghi lại thông tin những thí sinh có sai sót và chuyển cho Trưởng Ban Chỉ đạo kỳ thi. Tuy nhiên, Trưởng Ban Chỉ đạo kỳ thi không xác định rõ nguyên nhân và có biện pháp khắc phục sai sót qua kiểm tra việc khớp phách của Ban Thư ký, thực hiện không đúng quy định tại điểm c khoản 6 Điều 27, Quy chế thi tốt nghiệp THPT.

Theo kết luận thanh tra, hầu hết các hội đồng thi đều có thí sinh bị lệch tổng điểm, trong đó nhiều nhất là Trường THPT chuyên Thái Bình (223 thí sinh), Trường THPT Quách Đình Bảo (157 thí sinh), Trường THPT Đông Tiền Hải (141 thí sinh)…

Sau khi hồi phách lại lần hai, 11 trường THPT đại trà và 4 lớp chuyên của THPT chuyên Thái Bình đã có sự tăng giảm 0,1 đến 0,4 điểm chuẩn đầu vào. Riêng điểm chuẩn vào chuyên tin của Trường THPT chuyên Thái Bình tăng 0,75 điểm, dẫn đến việc 252 thí sinh đang từ trượt (theo kết quả công bố lần đầu) thành đỗ; 258 em đang từ đỗ thành trượt.

“Trưởng Ban Chỉ đạo kỳ thi và Ban Thư ký đã không thực hiện đúng quy định trong quá trình thực hiện việc "Hồi phách bài thi tự luận" tại kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025, dẫn đến công bố sai tổng điểm xét tuyển của 1.589 thí sinh, sai điểm chuẩn xét tuyển đợt 1 của 4/12 lớp chuyên thuộc Hội đồng tuyển sinh Trường THPT chuyên và 11/29 Hội đồng tuyển sinh các Trường THPT đại trà, sai kết quả tuyển sinh của 510 thí sinh” - đại diện Thanh tra tỉnh nêu trong phần kết luận.

Nguyên nhân vi phạm, theo đại diện Thanh tra tỉnh, “do Trưởng Ban Thư ký và cá nhân có liên quan của Ban Thư ký không thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong thực thi công vụ. Trưởng Ban Chỉ đạo kỳ thi thiếu trách nhiệm, không kiểm tra, giám sát và không kịp thời báo báo UBND tỉnh về sự cố bất thường tại kỳ thi”.

Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan?

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, vụ việc nhầm lẫn điểm ở Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT ở Thái Bình là rất nghiêm trọng, gây hoang mang lo lắng cho nhiều học sinh, phụ huynh. Mặc dù sự việc đã được phát hiện kịp thời nhưng những nhầm lẫn sai sót này đã ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của ngành giáo dục.

“Trước tiên cơ quan chức năng phát hiện ra những bất cập và kịp thời khắc phục, Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình xin lỗi phụ huynh và các học sinh bị nhầm lẫn điểm trong sự việc là cần thiết, thể hiện sự cầu thị và để giảm thiểu đến mức thấp nhất những bất cập hệ lụy” - luật sư Đinh Thị Nguyên cho biết.

Cũng theo luật sư Đinh Thị Nguyên, khi có kết luận của thanh tra UBND tỉnh Thái Bình, việc tiếp theo là cơ quan chức năng sẽ làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong đó, sẽ làm rõ từng sai phạm, nguyên nhân sai phạm, đánh giá hậu quả đã gây ra để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật. Những hành vi nhầm lẫn, sai sót trong quá trình thực hiện việc ghép phách, lên điểm mà không có lỗi cố ý thì sẽ đánh giá hậu quả đã gây ra để xem xét xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nếu vi phạm quy chế thi dẫn đến sai sót thì cán bộ tham gia kỳ thi này sẽ bị xử lý kỷ luật. Trong trường hợp vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng chức trách nhiệm vụ được giao gây hậu quả được xác định là nghiêm trọng, thiệt hại tài sản từ 100 triệu đồng trở lên thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 360, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trường hợp nếu không xác định được thiệt hại về tài sản đến 100 triệu đồng thì những người vi phạm với lỗi vô ý chỉ có thể bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, luật sư Đinh Thị Nguyên cũng chỉ ra: “Trường hợp cơ quan chức năng xác định trong các sai phạm của kỳ thi này có hành vi với lỗi cố ý, có cán bộ đã vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân mà làm trái công vụ dẫn đến sai lệch về điểm số thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 356, Bộ luật Hình sự”.

Liên quan vụ bất thường điểm thi tại Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025 ở tỉnh Thái Bình, ngày 21/8, thông tin với báo chí, lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình cho biết, UBND tỉnh này đã có quyết định gia hạn thời gian tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh để phục vụ công tác thanh tra kỳ thi trên.

Thời gian gia hạn tạm đình chỉ công tác là 15 ngày kể từ ngày 21/8. Trước đó, ông Nguyễn Viết Hiển bị cấp có thẩm quyền tạm đình chỉ công tác 15 ngày kể từ ngày 31/7 cũng với mục đích trên.

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/vu-2750-bai-thi-o-thai-binh-bi-sai-diem-lam-ro-trach-nhiem-cua-cac-to-chuc-ca-nhan-co-lien-quan-392240.html
Zalo