VTP đặt mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn trong năm 2025

Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel (mã VTP) vừa công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông 2025 với loạt thông tin đáng chú ý.

Ban lãnh đạo VTP đặt ra mục tiêu kinh doanh cho năm 2025 như sau: Tổng doanh thu: Đạt 21 nghìn tỷ đồng (+1% YoY). Lợi nhuận sau thuế: Đạt 405 tỷ đồng (+6% YoY). VTP đã đạt mức thấp hơn mục tiêu LNST trung bình 15% trong 7 năm qua.

Mảng dịch vụ chuyển phát

Ban lãnh đạo VTP vẫn duy trì quan điểm tích cực về tăng trưởng sản lượng bưu kiện trong dài hạn dẫn dắt bởi (1) tăng trưởng thị trường thương mại điện tử (sàn và ngoài sàn) và (2) nhu cầu gửi bưu kiện cá nhân hiện còn ở mức thấp.

Trong 5 năm qua, VTP ước tính giá cước dịch vụ trung bình trên thị trường chuyển phát tại Việt Nam đã giảm 5%–10%/năm. Ngoài ra, VTP dự kiến cạnh tranh về giá sẽ kéo dài.

VTP đã phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ Shopee Express/J&T tại Shopee/TikTok Shop. Tuy nhiên, công ty nhận thấy tiềm năng từ nhóm người bán ngoài sàn, do (1) các nền tảng thương mại điện tử lớn tăng phí đối với người bán trên sàn và (2) các thương hiệu nổi tiếng như Uniqlo, Vinamilk, LG và Samsung đang vận hành các trang web bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng của riêng họ.

Phát triển hạ tầng

VTP dự kiến sẽ đưa vào vận hành một trung tâm chia chọn mới tại TP. HCM trong quý 2/2025. Diễn biến này sẽ giúp tăng tổng công suất của VTP từ 4 triệu lên 7 triệu bưu kiện/ngày, có khả năng đáp ứng toàn bộ nhu cầu của thị trường. Tỷ lệ tự động hóa tại trung tâm chia chọn này là 85%.

Trung tâm logistics tại Đà Nẵng đang trong giai đoạn cuối của quá trình xin giấy phép xây dựng.

Về Vipo Mall, VTP vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, dự án này tận dụng hạ tầng hiện có về kho bãi, vận tải, chuỗi cung ứng và giao hàng chặng cuối.

Mảng dịch vụ logistics

Dự án hiện tại là Công viên logistics Viettel Lạng Sơn hiện đang vận hành với quy mô nhỏ. VTP đang trong quá trình xin các giấy phép cần thiết để mở rộng.

Ban lãnh đạo VTP cho biết, dự kiến tham gia đấu thầu phát triển cửa khẩu thông minh tại Lạng Sơn, đang chờ thông báo mời thầu chính thức từ chính quyền tỉnh.

VTP cũng đang trao đổi với chính quyền tỉnh Quảng Ninh và Lào Cai về các dự án cửa khẩu thông minh tiềm năng.

VTP đã gửi đề xuất đến Bộ Xây dựng xin tham gia đấu thầu xây dựng và vận hành Nhà ga hàng hóa số 2 (LTA-C2) và nhà ga hàng hóa chuyển phát nhanh, cả hai đều thuộc dự án thành phần 4 của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành - Giai đoạn 1. Công ty hiện đang chờ kết quả từ Bộ Xây dựng.

Về tác động tiềm tàng từ thuế đối ứng của Mỹ, Ban lãnh đạo VTP cho rằng trong khi thuế đối ứng có thể gây ra tác động tiêu cực đến việc vận tải hàng hóa xuyên biên giới, nhưng tác động đối với dịch vụ vận tải của VTP là không nhiều do doanh thu từ mảng này vẫn tương đối nhỏ.

 Thị giá cổ phiếu VTP trong 6 tháng qua.

Thị giá cổ phiếu VTP trong 6 tháng qua.

"Mặc dù ban lãnh đạo vẫn lạc quan về tăng trưởng sản lượng bưu kiện trong dài hạn, nhưng thời điểm thông qua luật bưu chính sửa đổi còn chưa chắc chắn, có thể hạn chế tăng trưởng sản lượng bưu kiện từ các nền tảng thương mại điện tử của VTP.

Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy VTP đang tìm kiếm động lực tăng trưởng dài hạn mới, dựa vào vai trò là đơn vị logistics của Viettel, hướng tới các dự án logistics liên quan đến phát triển hạ tầng quốc gia, bao gồm các cửa khẩu thông minh và nhà ga hàng hóa.

Chúng tôi nhận thấy rủi ro điều chỉnh giảm nhẹ đối với dự báo năm 2025 của chúng tôi đối với VTP, nhưng nhận thấy tiềm năng điều chỉnh tăng đối với dự báo từ năm 2026 trở đi khi chúng tôi vẫn đưa đóng góp tiềm năng của Công viên Logistics Viettel Lạng Sơn vào dự báo, dù cần thêm đánh giá chi tiết. Giá mục tiêu là 69.000 đồng/cổ phiếu cho VTP", Công ty Chứng khoán Vietcap nhận định về cổ phiếu VTP.

Lý Phúc Thanh Ngân

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/vtp-dat-muc-tieu-tang-truong-khiem-ton-trong-nam-2025.html
Zalo