VPI tiên phong chuyển đổi số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo

Cùng với sự phát triển của Petrovietnam, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong công tác chuyển đổi số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển khoa học công nghệ của ngành Dầu khí trong kỷ nguyên mới.

Là một đơn vị chủ lực trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ dầu khí, VPI đã triển khai thành công chiến lược dữ liệu và phân tích dữ liệu, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa VPI đạt trình độ công nghệ nắm bắt xu hướng khu vực và thế giới.

VPI là đơn vị chủ lực, tiên phong chuyển đổi số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo

VPI là đơn vị chủ lực, tiên phong chuyển đổi số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo

Trong đó, về nền tảng số và công nghệ, VPI đã xây dựng thành công các công cụ AI hỗ trợ hệ thống hành chính số như quản lý nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, tự động hóa văn bản hành chính và quản lý cơ sở hạ tầng. Phát triển hệ thống báo cáo thông minh với khả năng tương tác động về tình hình thực hiện kế hoạch; triển khai hệ thống trợ lý ảo (Chatbot) hỗ trợ tra cứu và cập nhật thông tin.

Ông Lê Ngọc Anh - Trưởng Bộ phận Phân tích dữ liệu (VPI) đã dẫn dắt việc xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên môn thông qua các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển các sản phẩm số; đồng thời tích hợp và quản lý dữ liệu có cấu trúc và phi cấu trúc, xây dựng hệ thống bản đồ tri thức (Knowledge Graph) phục vụ công tác nghiên cứu và phát triển.

VPI đã phát triển và ứng dụng 5 sản phẩm số.

VPI đã phát triển và ứng dụng 5 sản phẩm số.

Trong công tác đổi mới sáng tạo, những năm qua, VPI là đơn vị tiên phong trong nghiên cứu và áp dụng các công nghệ mới như AI và các giải pháp mã nguồn mở. VPI đã phát triển 5 loại sản phẩm số, gồm: dữ liệu số, báo cáo số, phân tích số, mảnh ghép số và ứng dụng số. Từ đó, xây dựng được hệ sinh thái số linh hoạt kết hợp giữa nền tảng local và cloud.

Với định hướng “Dữ liệu là một tài sản quan trọng trong sự phát triển của doanh nghiệp”, VPI đã tập trung xây dựng cấu trúc và tối ưu hóa cơ sở dữ liệu. Về cấu trúc dữ liệu, VPI chuẩn hóa các dữ liệu về công nghệ, thị trường, dự án, tin tức và cập nhật xu hướng thị trường, công nghệ. Các trường dữ liệu được thiết lập chuẩn và hợp nhất vào hệ thống hóa dữ liệu chung; sắp xếp và tối ưu hóa dữ liệu, tăng tốc độ truy cập và tiết kiệm chi phí lưu trữ.

Báo cáo về nguồn nguyên liệu và công nghệ nhiên liệu hàng không bền vững (SAF).

Báo cáo về nguồn nguyên liệu và công nghệ nhiên liệu hàng không bền vững (SAF).

Theo TS. Huỳnh Minh Thuận - Bộ phận Thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon (VPI), Viện đã xây dựng cơ sở dữ liệu công nghệ của các lĩnh vực công nghiệp khí và lọc hóa dầu (800 công nghệ), Hydrogen (100 công nghệ), CCUS (100 công nghệ), cũng như các cải tiến, giải pháp trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng. Các dữ liệu được cập nhật liên tục và được báo cáo thông qua các sản phẩm số (báo cáo số, ứng dụng số,...). Đặc biệt hơn, VPI còn xây dựng phần mềm tính toán tự động về tổng mức đầu tư, tiêu hao riêng, hiệu quả kinh tế (IRR, NPV, LCOH, LCOE,...) và Chatbot giúp trả lời, truy cập và xuất dữ liệu.

Trong năm 2024, VPI đã xây dựng dữ liệu về các Trung tâm năng lượng quốc gia ở các khu vực và Báo cáo về nguồn nguyên liệu và công nghệ nhiên liệu hàng không bền vững (SAF). Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường (cung, cầu, giá,...) của các sản phẩm trong lĩnh vực công nghiệp khí và lọc hóa dầu, đặc biệt chú trọng vào xác định các sản phẩm mới, bền vững để đánh giá khả năng áp dụng với Petrovietnam. Bên cạnh đó, VPI ứng dụng AI và ML để dự báo xu hướng sản phẩm và nhu cầu thị trường, phục vụ cho việc hoạch định các sản phẩm mới và dự án mới. VPI còn ứng dụng AI trong việc tạo các báo cáo tự động, báo cáo cập nhật xu hướng phát triển thị trường công nghệ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí và thích ứng nhanh với sự biến động của thị trường.

VPI phát triển phương pháp địa chấn - thạch học với sự hỗ trợ của công nghệ AI/Machine Learning.

VPI phát triển phương pháp địa chấn - thạch học với sự hỗ trợ của công nghệ AI/Machine Learning.

Một trong những thành tựu nổi bật của VPI là đã phát triển phương pháp địa chấn - thạch học với sự hỗ trợ của công nghệ AI/Machine Learning, giúp tính toán nghịch đảo địa chấn trong thời gian ngắn, giảm sự phụ thuộc vào mô hình tần thấp, ngay cả khi có ít hoặc không có thông tin giếng khoan. Đặc biệt, giải pháp này đã được áp dụng để tính toán nghịch đảo địa chấn tại Lô 09-2/09, bể Cửu Long.

Có thể khẳng định rằng, VPI là đơn vị tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số của ngành Dầu khí nói riêng, ngành khoa học công nghệ Việt Nam nói chung. Việc chủ động và phát triển công nghệ số cũng như sử dụng trí tuệ nhân tạo đang khai mở nhiều tiềm năng của người lao động và thúc đẩy các doanh nghiệp dầu khí trong hệ sinh thái sáng tạo của Petrovietnam tiến lên một tầm cao mới, năng động và hiệu quả hơn.

Bùi Công

Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/vpi-tien-phong-chuyen-doi-so-va-ung-dung-tri-tue-nhan-tao-723077.html
Zalo