VPI tập trung đổi mới sáng tạo, cung cấp các giải pháp khoa học công nghệ tối ưu
Ngày 24/12, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 và Hội nghị Người lao động năm 2025.
Tham dự hội nghị, về phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) có đồng chí Trần Quang Dũng - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Tập đoàn; đồng chí Trần Hồng Nam - Thành viên HĐTV Tập đoàn; đồng chí Nguyễn Thùy Linh, Kiểm soát viên chuyên trách. Về phía Công đoàn Dầu khí Việt Nam (CĐ DKVN) có đồng chí Vũ Anh Tuấn - Phó Chủ tịch; cùng các đồng chí đại diện các ban chức năng Tập đoàn, CĐ DKVN.
TS. Phan Minh Quốc Bình - Phó Viện trưởng phụ trách VPI cho biết, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương và chỉ đạo của Petrovietnam, VPI đã liên tục tái cấu trúc với mục tiêu tinh gọn bộ máy và tối ưu hóa quy trình. Đặc biệt, VPI tập trung xây dựng và phát triển lĩnh vực “lõi”, triển khai các nghiên cứu có giá trị lớn, mang tính đột phá, phù hợp với chiến lược, định hướng của Petrovietnam.
Trong lĩnh vực tìm kiếm thăm dò dầu khí, VPI triển khai nghiên cứu, đánh giá cập nhật tiềm năng dầu khí của các bể trầm tích Cenozoic; nghiên cứu phân cấp và tính toán trữ lượng theo hướng dẫn của Hiệp hội Kỹ sư Dầu khí Quốc tế (SPE), để định hướng quản lý, đầu tư và phát triển mỏ hiệu quả.
Trong lĩnh vực khai thác dầu khí, VPI đã hỗ trợ Petrovietnam và nhà điều hành quản lý khai thác các mỏ dầu khí trong và ngoài nước; phân chia sản phẩm cho các giếng khai thác đa tầng; nghiên cứu đề xuất phương pháp tăng cường thu hồi dầu tối ưu cho mỏ Đại Hùng; nghiên cứu chế tạo hệ hóa phẩm EOR cho đối tượng Oligocen mỏ Bạch Hổ với nhiệt độ lên đến 140oC; phát triển sản phẩm AI/machine learning hỗ trợ quản lý, vận hành và tối ưu khai thác; nâng cao chất lượng dịch vụ phân tích mẫu giếng khoan; đặc biệt là hỗ trợ JX Nippon thực hiện thỏa thuận nghiên cứu chung về thu gom và lưu trữ carbon giai đoạn 2.
Để thích ứng với xu thế chuyển dịch năng lượng, VPI đã triển khai các nghiên cứu về hydrogen, tham gia soạn thảo Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đối với lĩnh vực điện gió ngoài khơi, VPI đã nghiên cứu đánh giá về công nghệ, chuỗi cung ứng, tiềm năng cảng biển để phát triển điện gió ngoài khơi; hợp tác với đối tác GICON (Đức) đánh giá khả năng phát triển điện gió ngoài khơi tại cụm mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh.
Trong năm 2024, VPI tập trung nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI và các giải pháp mã nguồn mở; phát triển 5 loại sản phẩm số, trọng tâm là xây dựng cấu trúc và tối ưu hóa dữ liệu; xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghệ trong lĩnh vực khí và lọc hóa dầu (800 công nghệ), hydrogen (100 công nghệ), CCUS (100 công nghệ) và tiết kiệm năng lượng. Đặc biệt, VPI xây dựng phần mềm tính toán tự động về tổng mức đầu tư, tiêu hao, hiệu quả kinh tế; dữ liệu về các trung tâm năng lượng quốc gia; cơ sở dữ liệu về thị trường (cung, cầu, giá..); chú trọng sản phẩm mới, bền vững để đánh giá khả năng áp dụng cho Petrovietnam. Việc khai thác tối ưu cơ sở dữ liệu và tự động hóa báo cáo bằng AI giúp nâng cao hiệu quả quản trị, tiết kiệm thời gian, chi phí và thích ứng nhanh với sự biến động của thị trường.
Về định hướng hoạt động trong năm 2025, TS. Phan Minh Quốc Bình nhấn mạnh, VPI sẽ tập trung tái cơ cấu theo hướng tinh gọn; xây dựng chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo chỉ đạo của lãnh đạo Tập đoàn. Đặc biệt, VPI sẽ chú trọng phát triển đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; nghiên cứu các chương trình dài hạn, các đề tài mang giá trị lớn; đẩy mạnh các nghiên cứu ứng dụng, thương mại hóa, chuyển giao công nghệ từ các kết quả nghiên cứu.
Ngoài ra, VPI sẽ chủ động, tích cực tham gia nghiên cứu các chuỗi giá trị liên kết giữa các đơn vị trong Tập đoàn, tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản trị, mô hình tổ chức, các quy chế, quy định…
Tại hội nghị, đại diện các ban chuyên môn VPI, Trung tâm EPC, UMit đã trình bày các tham luận với các chủ đề: Đưa chatbot vào công việc; Nghiên cứu điều tra cơ bản, chính xác hóa tiềm năng dầu khí phục vụ định hướng chiến lược tìm kiếm thăm dò của Petrovietnam; Thương mại hóa sản phẩm Nano carbon nâng cao giá trị cạnh tranh cho sản phẩm dầu nhờn và sơn dầu khí; Phương pháp nghịch đảo địa chấn - thạch học ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Trần Hồng Nam - Thành viên HĐTV Petrovietnam ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà tập thể lãnh đạo, người lao động VPI đã đạt được trong năm 2024. Trong đó, VPI đã ứng dụng đan xen được giữa các phương pháp nghiên cứu truyền thống với chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI), từ đó hợp tác với các đơn vị thành viên thương mại hóa sản phẩm của mình, góp phần vào thành công chung của Tập đoàn trong năm 2024. Những thành quả mà VPI đạt được là minh chứng rõ nét cho sự nỗ lực phấn đấu, đam mê nghiên cứu, định hướng đúng đắn, phù hợp với xu hướng của thị trường.
Đồng chí Trần Hồng Nam cho biết, thế giới đang phát triển nhanh chóng nên Việt Nam nói chung và Petrovietnam nói riêng rất dễ tụt hậu. Mỗi năm, Tập đoàn đều đặt các mục tiêu sản xuất kinh doanh cao hơn năm trước, do đó công tác nghiên cứu khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo là giải pháp căn cơ để Tập đoàn hoàn thành các mục tiêu chiến lược. Đồng chí đề nghị VPI với tư cách là đại diện trí tuệ của ngành Dầu khí Việt Nam phải là đơn vị đi đầu, là “người cầm lái” trong đổi mới sáng tạo của toàn Tập đoàn. Theo đó, VPI phải tư vấn để Petrovietnam và các đơn vị thành viên xây dựng bộ chiến lược, cơ sở tri thức ngành, trong đó có danh mục các sản phẩm dịch vụ, đến khi hoàn thành phải cùng đồng hành với Petrovietnam triển khai các bộ chiến lược đó. Đồng chí nhấn mạnh: “Công cuộc đổi mới sáng tạo của Tập đoàn cần phải được thực hiện liên tục, ngày càng nhanh và mạnh mẽ hơn nữa”.
Đồng chí Trần Hồng Nam cũng chỉ đạo VPI cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ; nghiên cứu chuyển đổi số; đồng thời tham gia truyền tải tri thức chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo cho các đơn vị thành viên của Tập đoàn. Cùng với đó, VPI phải liên tục đổi mới sáng tạo để tạo ra những sản phẩm cụ thể, đăng ký bản quyền, hướng tới mục tiêu thương mại hóa sản phẩm và xuất khẩu ra thị trường quốc tế; nghiên cứu mô hình từ nhu cầu đến khi sản phẩm ra được thị trường trong thời gian ngắn nhất. Đối với VPI, nguồn nhân lực là yếu tố vô cùng quan trọng, do đó Ban lãnh đạo cần tập trung nâng cao chế độ, chăm lo, động viên người lao động để họ yên tâm công tác, tránh "chảy máu" chất xám.
Đồng chí Trần Hồng Nam mong muốn trong thời gian tới, VPI cùng Petrovietnam và các đơn vị thành viên sẽ hoàn thành các mục tiêu chiến lược về nghiên cứu khoa học, từ đó gia tăng doanh thu và lợi nhuận, góp phần giúp Petrovietnam ngày càng phát triển vững mạnh.
Dịp này, để ghi nhận, động viên sự cố gắng cũng như thành tích của tập thể người lao động VPI, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã tặng Cờ thi đua cho VPI vì những thành tích xuất sắc, dẫn đầu phong trào thi đua trong năm 2023. CĐ DKVN cũng tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân Công đoàn cơ sở VPI đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động giỏi và xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh năm 2024.
Tại hội nghị, VPI cũng tổ chức vinh danh, tặng bằng khen cho các ban, văn phòng, trung tâm, bộ phận tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong công tác năm 2024.
Cũng tại chương trình, VPI đã tổ chức Hội nghị Người lao động năm 2025. Tại phần đối thoại, Phó Viện trưởng VPI Phan Minh Quốc Bình đã trực tiếp trả lời các kiến nghị của người lao động liên quan đến chế độ chính sách tiền lương, chế độ phúc lợi, an toàn lao động, vệ sinh lao động… Đồng thời giải quyết các thắc mắc, ý kiến nhằm tạo môi trường làm việc thân thiện, phù hợp, an toàn để người lao động yên tâm công tác.
Hội nghị đã bầu ra 7 đồng chí tham gia Ban Thanh tra nhân dân VPI nhiệm kỳ 2025-2026.
Trong năm 2024, VPI được cấp 1 bằng độc quyền về "Quy trình sản xuất sơn phủ gốc epoxy chống ăn mòn chứa graphen biến tính và sơn phủ gốc epoxy chống ăn mòn", được cấp 6 giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả: “Phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu địa vật lý giếng khoan”; “Phần mềm nền tảng quản lý, biểu diễn thông tin dữ liệu lĩnh vực hydrogen sạch”; “Phần mềm dự báo giá xăng dầu và mức trích lập chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam”; “Phần mềm quy hoạch thực nghiệm DOE”; “Phần mềm minh giải tự động thạch học và đặc tính vỉa chứa từ tài liệu địa vật lý giếng khoan”; “Phần mềm tối ưu chế độ làm việc giếng khai thác dầu có hỗ trợ khí nâng - gaslift”.