Vòng xoáy xung đột ở Trung Đông
Tổng thống Donald Trump đe dọa Mỹ sẽ tiến hành không kích Iran với mức độ 'chưa từng thấy', nếu Tehran không đạt được thỏa thuận với Washington về chương trình hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo. Đáp lại, phía Iran thẳng thừng bác bỏ kế hoạch đàm phán trực tiếp với Mỹ. Những động thái 'hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại' của hai phía có nguy cơ đẩy Trung Đông vào một vòng xoáy xung đột mới.

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Jabalia, Dải Gaza. (Ảnh: THX/TTXVN)
Ông Trump cũng tuyên bố Mỹ sẽ áp dụng biện pháp thuế quan thứ cấp, áp thuế đối với các nước mua hàng hóa từ Iran như cách ông đã làm trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên.
Trước đó, ông đã gửi thư tới các nhà lãnh đạo Iran thông qua Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), đề xuất đàm phán trực tiếp về các hoạt động hạt nhân của Tehran. Đáp lại, Tehran đã thẳng thừng từ chối, nhưng vẫn để ngỏ khả năng đàm phán gián tiếp.
Sau khi Tổng thống Trump đưa ra lời cảnh báo, lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei tuyên bố Tehran sẽ đáp trả mạnh mẽ nếu nước Cộng hòa Hồi giáo này bị tấn công. Ông Khamenei nói rằng, Mỹ đe dọa tiến hành biện pháp quân sự với Iran, song Tehran cho rằng khả năng này khó có thể xảy ra, đồng thời nhấn mạnh nếu hành động này diễn ra, quốc gia Trung Đông sẽ đáp trả mạnh mẽ.
Với thái độ cứng rắn, Cố vấn của lãnh tụ tối cao Iran, ông Ali Larijani tuyên bố Tehran sẽ buộc phải theo đuổi phát triển vũ khí hạt nhân nếu bị Mỹ hoặc Israel tấn công.
Theo Cố vấn Larijani, sắc lệnh tôn giáo do lãnh tụ tối cao Ali Khamenei ban hành cấm Iran sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng điều này sẽ thay đổi tùy thuộc hành động của Mỹ và Israel. Ông cũng cảnh báo bất kỳ hành động quân sự nào nhằm vào Iran sẽ mang lại hậu quả khôn lường và rằng, chương trình hạt nhân của Iran không thể bị phá hủy chỉ bằng các cuộc không kích.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Seyed Abbas Araghchi cho biết, nước này đã gửi phản hồi chính thức bức thư của Tổng thống Trump thông qua Oman.
Trong phản hồi, Iran tuyên bố kiên quyết không đàm phán trực tiếp với Mỹ, nhất là khi chính quyền Tổng thống Trump đang triển khai chiến dịch gây sức ép lớn và đưa ra các đe dọa quân sự nhằm vào Tehran. Ngoài ra, Bộ trưởng Araghchi cũng hối thúc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đưa ra lập trường rõ ràng về mối đe dọa đối với các cơ sở hạt nhân hòa bình của nước Cộng hòa Hồi giáo.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Iran đưa ra phát biểu nêu trên trong cuộc điện đàm với Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi, dường như ám chỉ đến tuyên bố của Tổng thống Trump.
Ông Araghchi nhấn mạnh chính sách hợp tác của Iran với IAEA, đồng thời cảnh báo nếu các mối đe dọa đối với Iran tiếp diễn, Tehran sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ chương trình hạt nhân của mình. Tổng Giám đốc IAEA cho biết sẽ tham khảo ý kiến với các bên liên quan để tạo ra bầu không khí thuận lợi giúp giải quyết một cách hòa bình các khác biệt giữa Mỹ và Iran.
Trong bối cảnh “dầu sôi, lửa bỏng”, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov đã có cuộc thảo luận với người đồng cấp Iran Majid Takht Ravanchi về các cuộc đàm phán đang diễn ra liên quan chương trình hạt nhân của Tehran.
Thông báo của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ, việc sử dụng vũ lực chống Iran và đe dọa tấn công hạ tầng hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo là bất hợp pháp và không thể chấp nhận, vì sẽ gây ra những hậu quả tồi tệ về mặt nhân đạo như nhiễm xạ trên diện rộng. Đầu năm nay, Điện Kremlin từng đề nghị làm trung gian giữa Mỹ và Iran trong các cuộc đàm phán hạt nhân.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Iran ký với nhóm P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) năm 2015. Thỏa thuận này đặt ra những giới hạn nghiêm ngặt đối với các hoạt động hạt nhân để đổi lấy việc nới lỏng lệnh trừng phạt Iran.
Đáp lại, Tehran ngừng thực hiện các nghĩa vụ trong thỏa thuận JCPOA, nhưng bác bỏ các cáo buộc rằng Iran bí mật phát triển vũ khí hạt nhân. Iran luôn khẳng định chương trình hạt nhân của họ hoàn toàn vì mục đích dân sự.