Vòng tròn kết nối
Đêm 20/11, trái bóng tròn Al Rihla sẽ chính thức lăn trên sân vận động Lusail ở thành phố Doha (Qatar) trong trận khai màn Vòng chung kết Giải Vô địch bóng đá thế giới (World Cup) 2022 - kỳ giải đặc biệt nhất từ trước đến nay của lễ hội bóng đá hấp dẫn được nhiều tín đồ túc cầu giáo mong ngóng.
Gọi đây là kỳ World Cup đặc biệt nhất trong lịch sử bởi nhiều lý do. Sự kiện kéo dài từ ngày 20/11 đến 18/12 này đánh dấu lần đầu tiên giải đấu bóng đá số một thế giới được tổ chức ở một quốc gia Arab và vào mùa Đông (nền nhiệt trung bình tại đây không dưới 30 độ C). Ngoài việc chưa bao giờ tham dự một kỳ World Cup nào, Qatar còn nắm giữ danh hiệu quốc gia nhỏ nhất từng đăng cai ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Với diện tích chỉ vỏn vẹn 11.571 km2, đây cũng là đất nước có ít sân vận động nhất trong lịch sử World Cup. Với khoảng 2,9 triệu người, Qatar còn là nước chủ nhà World Cup có dân số ít nhất từ trước đến nay.
Mặc dù vậy, sự thịnh vượng vốn có đã tạo động lực để Qatar hiện thực hóa một kỳ World Cup với kinh phí cao nhất trong lịch sử. Theo dữ liệu của Deloitte, quốc gia này đã chi hơn 200 tỷ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng trong thập niên vừa qua, trong đó hơn 6,5 tỷ USD để xây dựng các sân vận động mới với hệ thống điều hòa nhiệt độ hiện đại giúp các cầu thủ có thể thi đấu trong điều kiện lý tưởng nhất. Nước chủ nhà cũng bỏ ra 36 tỷ USD cho hệ thống tàu điện ngầm không người lái kết nối những địa điểm diễn ra các cuộc tranh tài. Ở thời điểm hiện tại, khoản chi 220 tỷ USD này thậm chí đã vượt Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dự kiến năm 2022 của Qatar (180 tỷ USD) và con số này chưa bao gồm các chi phí khác có thể phát sinh sau khi giải đấu kết thúc.
Để so sánh, kỳ World Cup gần nhất tại Nga có chi phí tổ chức khoảng 14 tỷ USD và giải đấu tốn kém nhất trước đó (năm 2014 tại Brazil) là 15 tỷ USD. Tất nhiên, với khoản đầu tư cao chưa từng có, giá vé mà người hâm mộ phải trả để được tận mắt thưởng thức World Cup không hề thấp. Giá vé loại 1 cho trận khai mạc World Cup 2022 là 618 USD, còn trận chung kết là 1.607 USD, đắt hơn từ 12%-46% so với loại vé tương tự năm 2018 tại Nga.
World Cup 2022 cũng được đánh giá là sự kiện tạo nên một cú hích kinh tế liên quốc gia trong các nước Vùng Vịnh. Đây là ngày hội bóng đá hiếm hoi mà đại bộ phận cổ động viên tham dự sẽ xem bóng đá tại một quốc gia, nhưng ăn ngủ nghỉ lại tại một quốc gia hoàn toàn khác. Bà Najida Aboulla - Giám đốc Công ty Lữ hành ITL World Travel (Kuwait) - cho biết: "Do giới hạn về năng lực tiếp đón, nước chủ nhà Qatar đã quyết định thực hiện ý tưởng độc đáo, đó là thiết lập những thành phố vệ tinh cho World Cup, đặt tại những thành phố/quốc gia khác như Dubai hay tại Saudi Arabia, Kuwait, Oman... Cổ động viên sẽ ở tại những quốc gia này, đến ngày diễn ra trận đấu thì có những chuyến bay riêng đưa đến Qatar. Sau đó lại trở về các thành phố vệ tinh. Điều đó khiến cho World Cup năm nay giống như một World Cup hợp tác của cả Vùng Vịnh".
Tính kết nối còn được thể hiện thông qua tuyển tập ca khúc chủ đề World Cup 2022. Thay vì chỉ 1 ca khúc chính thức được phát xuyên suốt giải đấu, các bài hát "Hayya Hayya" (Better Together), "Arhbo", "Light The Sky", "Ulayeh", "Aeropuerto", "Vamos a Qatar" sẽ được các nghệ sĩ quốc tế thể hiện theo nhiều phong cách âm nhạc đa dạng, tạo bầu không khí sôi động và cuồng nhiệt cho ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Ông Kay Madati - Giám đốc thương mại của Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) - cho biết: "Bằng cách tập hợp các giọng ca từ châu Mỹ, châu Phi và Trung Đông, các ca khúc tượng trưng cho cách âm nhạc và bóng đá kết nối thế giới."
Không chỉ vậy, World Cup tại Qatar còn được xem là hình mẫu về một "giải đấu xanh" khi gian trưng bày của Qatar tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) được đánh giá cao về mô hình các sân vận động thân thiện với môi trường. Giải đấu cũng đề cao những thành tựu công nghệ mới khi lần đầu tiên ứng dụng một hệ thống đánh giá an ninh dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) hay hỗ trợ công nghệ đặc biệt để người khiếm thị có thể theo dõi các trận đấu.
World Cup 2022 cũng sẽ được nhắc tới nhiều sau này với dấu mốc lần đầu tiên có 3 nữ trọng tài chính điều khiển các trận đấu tại vòng chung kết. Đó là trọng tài Stephanie Frappart (Pháp), Salima Mukansanga (Rwanda) và Yoshimi Yamashita (Nhật Bản). Việc lần đầu tiên trọng tài nữ được nhận vinh dự này tại giải đấu lớn nhất hành tinh hướng tới việc xóa bỏ những định kiến cho rằng các nữ trọng tài không thể điều hành những trận đấu của nam giới. Giải đấu năm nay cũng sẽ là lần cuối cùng được tổ chức theo thể thức 32 đội vì từ World Cup 2026, số đội bóng tham gia vòng chung kết sẽ được nâng lên con số 48.
Đối với các đội bóng, World Cup 2022 là giải đấu đặc biệt khi đây là kỳ giải đầu tiên trong lịch sử có sự hiện diện của 6 đội bóng thuộc Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC), gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Australia, Saudi Arabia và Qatar.
Qatar đã chuẩn bị 12 năm để có một kỳ World Cup trong mơ và người hâm mộ sẽ có một hành trình kéo dài gần một tháng với trái bóng Al Rihla (như ý nghĩa tên gọi của nó trong tiếng Arab). Tuy đâu đó vẫn còn những lo ngại liên quan sự bất tương đồng về văn hóa, nhưng Chủ tịch FIFA Gianni Infantino đã ca ngợi sự chuẩn bị của Qatar và khẳng định: “Cùng nhau, chúng tôi sẽ mang đến một kỳ World Cup chất lượng nhất từ trước đến nay, trong và ngoài sân cỏ. Những cổ động viên sẽ được tận hưởng nhiều niềm vui tại quốc gia này.”
Chủ tịch Ủy ban tổ chức World Cup 2022 - ông Hassan al-Thawadi - cho biết trung tâm lãnh sự quốc tế đặc biệt mới được thiết lập sẽ hỗ trợ "một cách nhanh chóng và liên tục" tất cả những người hâm mộ bóng đá tới Qatar. Ông nhấn mạnh: "đây là một lễ hội và tôi tin rằng chúng ta sẽ cùng tổ chức sự kiện quan trọng này của thế giới, trong khi vẫn tôn trọng sự khác biệt trong văn hóa của mỗi bên". Đó chính là ý nghĩa kết nối mà trái bóng tròn Al Rihla mang lại.