Vốn xây dựng 76 trạm y tế ở Quảng Nam đứng trước nguy cơ phải trả lại

76 trạm y tế chiếm gần 1/3 số trạm y tế trên địa bàn tỉnh và 5 trung tâm y tế tuyến huyện được đầu tư xây mới sẽ phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, tiến độ triển khai dự án quá chậm. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam càng thêm 'nóng ruột' khi thời hạn giải ngân vốn các dự án này chỉ còn hơn 3 tháng.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam liên tục ra tối hậu thư “điều người, điều vốn” khi tỷ lệ giải ngân đầu tư công ì ạch. Trong khi đó, không ít cán bộ lại có tâm lý:“Thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử”. Đây cũng là rào cản lớn, gây ách tắc quá trình giải ngân. Nhiều dự án cấp bách thuộc vốn ngân sách trung ương của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19 nhưng triển khai quá chậm, nguy cơ trả vốn rất cao, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng trực tiếp đời sống người dân. Vậy tỉnh Quảng Nam sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị, địa phương né tránh trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư công như thế nào?

Trạm Y tế xã Bình Trị, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam được xây dựng cách đây hơn 30 năm, nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Các mảng tường bong tróc sơn, rêu phủ nham nhở. Mái nhà lợp bằng tôn hư hỏng, nhiều vị trí rỉ sét, mùa mưa thấm dột gây ẩm mốc, mùa nắng mặt trời rọi vào tận phòng khám. Chị Phạm Thị Nguyên Thảo, nhân viên Trạm y tế xã Bình Trị sốt ruột khi nhiều năm qua, cán bộ tại Trạm Y tế xã Bình Trị và người dân địa phương mãi chờ đợi công trình này sớm được đầu tư xây mới.

Dự án xây mới, nâng cấp, cải tạo 5 trung tâm y tế cấp huyện và 76 trạm y tế tuyến xã triển khai ì ạch

Dự án xây mới, nâng cấp, cải tạo 5 trung tâm y tế cấp huyện và 76 trạm y tế tuyến xã triển khai ì ạch

“Cơ sở vật chất của trạm xuống cấp quá nhiều nên quá trình khám chữa bệnh có ảnh hưởng, rất thiệt thòi cho nhân viên y tế và bệnh nhân. Công tác khám bệnh chất lượng cũng kém. Ví dụ như ở đây trời mưa nước dột xuống phòng cấp cứu này rất nhiều. Trời nắng cũng rất nắng nóng”, chị Thảo nói.

Đây chỉ là một trong số hàng chục cơ sở y tế cấp phường, xã tại tỉnh Quảng Nam xuống cấp nghiêm trọng. Trước thực tế này, năm 2023, HĐND tỉnh Quảng Nam phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án xây mới, nâng cấp, cải tạo 5 trung tâm y tế cấp huyện và 76 trạm y tế tuyến xã. Các dự án này có tổng mức đầu tư hơn 296 tỷ đồng, thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19 được Quốc hội thông qua từ năm 2022. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư. Thế nhưng đến thời điểm này, chỉ có 15 công trình trạm y tế xã triển khai thi công.

Ông Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết, đây là nguồn vốn có ý nghĩa lớn vực dậy ngành y tế sau đại dịch Covid-19. 76 trạm y tế chiếm gần 1/3 số trạm y tế trên địa bàn tỉnh và 5 trung tâm y tế tuyến huyện được đầu tư xây mới sẽ phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, tiến độ triển khai dự án quá chậm. Nhiều trạm y tế đã tiến hành tháo dỡ, bàn giao mặt bằng nhưng đến nay vẫn chưa triển khai thi công, thậm chí chưa lựa chọn được nhà thầu. Nhiều trạm y tế đang thi công thì bỗng tạm dừng nhiều tháng nay. Hoạt động khám chữa bệnh phải thực hiện tạm thời tại trụ sở các cơ quan, nhà dân, không đảm bảo các điều kiện cần thiết cho khám chữa bệnh…

Trạm y tế xã Bình Trị xuống cấp nghiêm trọng

Trạm y tế xã Bình Trị xuống cấp nghiêm trọng

Ông Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam lo lắng: “Chúng tôi rất lo lắng về nguy cơ mất vốn khi thời điểm kết thúc dự án theo Nghị quyết của Quốc Hội đã đến gần. Trong điều kiện nguồn thu của địa phương đang rất khó khăn, kinh phí dành cho ngành y tế từ ngân sách địa phương rất hạn chế thì đây là nguồn kinh phí hết sức quý giá. Nếu nguồn vốn bị thu hồi, các công trình dở dang thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai? Lấy nguồn kinh phí nào bù đắp cho nguồn vốn thiếu hụt? Điều này tạo thêm áp lực lên các cơ sở y tế đang được thụ hưởng từ dự án”.

Theo kế hoạch, gói thầu 28 trạm y tế dự kiến triển khai thi công vào ngày 1/7/2024, hoàn thành 30/11/2024. Đến nay, các gói thầu vẫn đang quá trình lựa chọn nhà thầu. Gói thầu 10 trạm y tế dự kiến triển khai thi công trong tháng 10/2024 cũng đang trong giai đoạn lựa chọn nhà thầu. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam càng thêm “nóng ruột” khi thời hạn giải ngân vốn các dự án này chỉ còn hơn 3 tháng. Nguy cơ phải trả lại vốn là điều khó tránh khỏi. Sự yếu kém cùng tâm lý sợ sai của các cơ quan tham mưu và chủ đầu tư khiến các dự án chậm tiến độ. Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam vẫn loay hoay thủ tục mở thầu, phê duyệt lựa chọn nhà thầu, trong khi mùa mưa bão đã đến. Nếu triển khai thi công được thời điểm này cũng gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Công Thành, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam giải thích: “Gói thầu 28 trạm y tế chuẩn bị có kết quả lựa chọn nhà thầu, còn gói thầu 10 trạm y tế thì mở thầu ngày 24/9 vừa qua. Chúng tôi đang đôn đốc đơn vị tư vấn chấm thầu nhanh, đảm bảo kịp tiến độ chọn nhà thầu, triển khai thi công cùng lúc với gói thầu 28 trạm y tế vào đầu tháng 10 này. Thời gian còn rất ít, chỉ 3 tháng nữa thôi”.

Nhiều nhà thầu bức xúc khi thời gian thực hiện thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà thầu tại các gói thầu xây mới, nâng cấp, cải tạo các trạm y tế kéo dài vài tháng, trong khi thời gian thi công mỗi trạm y tế chỉ từ 2 tháng đến 3 tháng. Nhiều ý kiến cho rằng, các gói thầu 76 trạm y tế không phức tạp. Mỗi trạm y tế có vốn đầu tư từ 1,2 tỷ đồng đến 4 tỷ đồng mỗi trạm. Tuy nhiên, việc gộp hàng chục trạm y tế vào một gói thầu làm cho việc lựa chọn nhà thầu thêm phức tạp. Trong khi đó, các gói thầu nhỏ thường có tính cạnh tranh cao, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp khó khăn trong thời điểm này có thể tham gia đấu thầu.

Trước tình trạng giải ngân ì ạch, đối diện với hàng loạt “rắc rối” từ mặt bằng, hồ sơ, thủ tục, thẩm định giá... của các dự án này, UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu chủ đầu tư phải đảm bảo việc giải ngân toàn bộ kế hoạch vốn trước ngày 31/12/2024. Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh về việc không giải ngân hết nguồn vốn này.

"Quy trình đấu thầu, mở thầu, xét thầu và công nhận kết quả trúng thầu tại các dự án này đang thực hiện quá chậm. Một số gói thầu trạm y tế đã tổ chức đấu thầu xong một thời gian dài rồi nhưng quá trình xét thầu quá lâu, chưa công bố kết quả trúng thầu khiến dự án chậm triển khai. UBND tỉnh đã trực tiếp làm việc với chủ đầu tư, đôn đốc việc khẩn trương đẩy nhanh thực hiện xét thầu, sau đó ký hợp đồng với nhà thầu và cho tạm ứng vốn theo tỷ lệ hợp đồng, đôn đốc tiến độ thi công để có tiến độ giải ngân. Tuyệt đối không để xảy ra việc Trung ương thu hồi nguồn vốn này”, ông Lê Văn Dũng nói.

Thủ tục lựa chọn nhà thầu kéo dài, nhiều trạm y tế chưa thể thi công, công tác khám chữa bệnh gặp nhiều khó khăn

Thủ tục lựa chọn nhà thầu kéo dài, nhiều trạm y tế chưa thể thi công, công tác khám chữa bệnh gặp nhiều khó khăn

Năm 2024, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam triển khai thực hiện 55 dự án/công trình với tổng vốn đầu tư hơn 690 tỷ đồng. Tính đến đầu tháng 9 này, tổng giá trị đã giải ngân mới hơn 153 tỷ đồng, bằng 22,21% kế hoạch. Nhiều năm liền các dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư liên tục chậm tiến độ, tỷ lệ giải ngân nằm “dưới đáy” trong số các cơ quan, đơn vị tại tỉnh. Lãnh đạo tỉnh nhiều lần phê bình năng lực yếu kém của lãnh đạo đơn vị này, thậm chí ra “tối hậu thư” sẽ thay thế người đứng đầu nếu kết quả giải ngân tiếp tục tụt dốc. Thế nhưng, cho đến nay chưa một cá nhân nào bị xử lý trách nhiệm?

Nhiều ý kiến cho rằng, tiến độ giải ngân chậm do hồ sơ thủ tục các chủ đầu tư thực hiện chậm, nguyên vật liệu khan hiếm, giá tăng đột biến, dẫn đến tình trạng các nhà thầu càng làm càng lỗ nên giãn tiến độ thi công. Ngoài ra, công tác tổ chức thực hiện của các chủ đầu tư còn nhiều hạn chế, thiếu quyết liệt, chưa sâu sát, cụ thể; vai trò người đứng đầu chưa được phát huy, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, công tác chuẩn bị thủ tục dự án chậm…

Theo số liệu Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Nam, tính đến ngày 20/9, vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh Quảng Nam mới giải ngân gần 3.500 tỷ đồng, đạt tỷ lệ hơn 39%. Riêng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 tại tỉnh Quảng Nam đã giải ngân đạt 51%. Rất có thể đây là năm thứ ba liên tiếp tỉnh Quảng Nam không hoàn thành chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công đặt ra từ đầu năm.

Long Phi/ VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/von-xay-dung-76-tram-y-te-o-quang-nam-dung-truoc-nguy-co-phai-tra-lai-post1124424.vov
Zalo