Vốn rẻ cho nhà ở xã hội vẫn 'tắc'

Cả hai nguồn tín dụng cho nhà ở xã hội là gói 120.000 tỷ đồng và nguồn vốn hỗ trợ cho khách hàng cá nhân vay vốn thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị định số 100 đều đang gặp nhiều vướng mắc.

Tháo gỡ vướng mắc pháp lý

Để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03/04/2023 phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước đã có 622 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 564.177 căn. Trong đó: hoàn thành là 80 dự án với quy mô 40.879 căn; đã khởi công xây dựng là 130 dự án với quy mô 113.162 căn; đã được chấp thuận chủ trương đầu tư là 412 dự án với quy mô 410.136 căn.

Như vậy, với số lượng căn hộ đã được khởi công, hoàn thành đến nay mới đạt khoảng 35,6% mục tiêu của Đề án đặt ra đến năm 2025 là 428.000 căn.

Cùng với đó, trên địa bàn cả nước đã quy hoạch quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội với quy mô khoảng 9.757 ha. Một số địa phương quan tâm đến việc quy hoạch quỹ đất phát triển nhà ở xã hội như: Đồng Nai 1.064 ha, Quảng Ninh 666 ha, TP.HCM 608 ha, Hải Phòng 644 ha, Hà Nội 412 ha.

Nguồn cung nhà ở xã hội còn khan hiếm

Nguồn cung nhà ở xã hội còn khan hiếm

Theo Bộ Xây dựng, để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục nghiên cứu cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Các địa phương phải xác định rõ trách nhiệm, mục tiêu để lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương lập Kế hoạch triển khai để cụ thể hóa việc triển khai xây dựng theo nhiệm vụ được giao tại Đề án.

Cùng với đó, rà soát, bổ sung quy hoạch, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội; Quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân độc lập tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô phù hợp, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Các địa phương cần rà soát, thực hiện nghiêm quy định về việc dành 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để chỉ đạo các chủ đầu tư dự án khẩn trương đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo quy định.

Có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng… để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển nhà ở xã hội.

Tín dụng vẫn… tắc

Về nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội, theo Bộ Xây dựng vẫn đang gặp khó khăn.

Trong đó, đối với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng (nay đã tăng lên 140.000 tỷ đồng với sự tham gia thêm của 4 ngân hàng TMCP là MB, Techcombank, VPBank, TPBank) triển khai vẫn còn chậm. Đến nay mới có 34/63 UBND tỉnh có văn bản, công bố 83 dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi trên Cổng thông tin điện tử.

Trong đó, đối với chủ đầu tư, mới có 15 dự án đã ký hợp đồng tín dụng cho vay gói này với tổng mức cam kết cấp tín dụng là 4.200 tỷ đồng, dư nợ là 1.624 tỷ đồng. 68 dự án còn lại chưa ký hợp đồng tín dụng cho vay, trong đó có 57 dự án chủ đầu tư không có nhu cầu vay vốn và 6 dự án đang được các NHTM thẩm định, 5 dự án không đáp ứng điều kiện cho vay.

Đối với người mua nhà, cũng mới có 151 người mua nhà được vay vốn Chương trình 120.000 tỷ đồng với số tiền khoảng 80 tỷ đồng.

Gói hỗ trợ tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng giải ngân còn chậm, theo Bộ Xây dựng, là do số lượng các ngân hàng tham gia còn hạn chế, nguồn cung nhà ở xã hội chưa nhiều.

Cùng với đó, lãi suất và thời hạn hưởng lãi suất chưa thực sự thu hút người vay (lãi suất áp dụng trong nửa đầu năm 2024 là 8%/năm đối với chủ đầu tư và 7,5% đối với người mua nhà; thời hạn ưu đãi 3 năm đối với chủ đầu tư, 5 năm đối với khách hàng cá nhân). Hiện nay, NHNN đang tiếp tục đề xuất giảm lãi suất và kéo dài thời gian vay ưu đãi.

Ngoài ra, một số chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không đủ điều kiện về tín dụng để được vay như: không đảm bảo điều kiện dư nợ tín dụng; không có tài sản khác để thực hiện đảm bảo tín dụng (dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nên không đủ điều kiện thế chấp); đã vay tại các tổ chức tín dụng khác...

Trong khi đó, về nguồn vốn hỗ trợ cho khách hàng cá nhân vay vốn thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, nguồn vốn theo Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 cấp cho Chương trình nhà ở xã hội qua Ngân hàng Chính sách xã hội là 1.000 tỷ đồng, đã thực hiện hết năm 2021.

Giai đoạn 2022-2023, nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay nhà ở xã hội được bổ sung theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ (kết quả giải ngân đạt 10.281 tỷ đồng), thực hiện đến hết năm 2023.

Tuy nhiên, đối với giai đoạn năm 2024-2025, Ngân hàng Chính sách vẫn chưa được bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện chương trình này.

Nhật Linh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/von-re-cho-nha-o-xa-hoi-van-tac-post593217.antd
Zalo