Vốn… chờ mặt bằng

Tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, dự án trọng điểm và các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh đều rất chậm, không đạt kế hoạch đề ra. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án, lãnh đạo tỉnh thường xuyên kiểm tra thực tế, yêu cầu các đơn vị, địa phương báo cáo vướng mắc, cho ý kiến giải pháp đẩy nhanh tiến độ. Nguyên nhân chậm tiến độ các dự án phần lớn do công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng gặp nhiều vướng mắc, không có mặt bằng thi công.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô kiểm tra thực địa dự án Quản lý đa thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm nhằm bảo vệ dân sinh, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế xã hội. Ảnh: Ngọc Thủy

Dự án chậm hoàn thành, chậm giải ngân dẫn tới vốn đầu tư sử dụng không hiệu quả. Tỷ lệ giải ngân các dự án đầu tư toàn tỉnh thực hiện 3 tháng đầu năm chậm tiến độ, chỉ đạt 16,13% kế hoạch. Nguồn vốn sự nghiệp 3 chương trình mục tiêu quốc gia (giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) giải ngân chỉ đạt 3,45% kế hoạch. Nhiều dự án hoàn thành đưa vào sử dụng chậm nộp hồ sơ quyết toán khiến nợ đọng kéo dài, khó khăn công tác theo dõi, quản lý tài sản sau đầu tư. Theo rà soát, toàn tỉnh còn 110 dự án hoàn thành chưa lập và nộp quyết toán; 233 dự án đã phê duyệt quyết toán; 42 dự án nộp hồ sơ chưa được phê duyệt. Hầu hết dự án chậm tiến độ do vướng mắc mặt bằng, xác định ranh giới mặt bằng công trình và cả việc người dân không đồng thuận với chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng. Dự án chờ mặt bằng, chậm giải ngân vốn đầu tư công là tình trạng chung trong toàn quốc đã được thảo luận, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn tại cuộc họp Ban chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án do Chính phủ tổ chức ngày 30/3/2025.

Thông tin từ Bộ Tài chính, cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo, đến ngày 25/3, toàn quốc có tổng số 1.533 dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc, trong đó 338 dự án đầu tư công, 1.126 dự án đầu tư ngoài ngân sách và 69 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Doanh nghiệp còn phản ánh tới Bộ Tài chính về 12 dự án gặp khó khăn, vướng mắc. Bộ Tài chính đã sơ bộ phân loại khó khăn, vướng mắc của các dự án thành 17 nhóm vấn đề liên quan đồng thời phân loại theo thẩm quyền xử lý khó khăn, vướng mắc của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ ngành, địa phương.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, mục tiêu quan trọng nhất là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ách tắc tại các dự án tồn đọng, kéo dài, không để lãng phí nguồn lực của Nhà nước, xã hội, nhân dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư. Các dự án vướng mắc về mặt bằng, Thủ tướng yêu cầu các địa phương, nhất là cấp cơ sở, giải quyết dứt điểm vướng mắc liên quan giải phóng mặt bằng; căn cứ luật pháp, điều kiện cụ thể, khả năng của địa phương để quyết định hỗ trợ phù hợp, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, xem xét có chính sách thấu tình đạt lý với các đối tượng đặc biệt, người khó khăn, yếu thế, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, chây ỳ, chống đối…

Thường trực Tỉnh ủy chủ trì hội nghị đánh giá tiến độ 12 dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Ảnh: CTV

Thường trực Tỉnh ủy chủ trì hội nghị đánh giá tiến độ 12 dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Ảnh: CTV

Ngay sau cuộc họp, ngày 31/3 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 26/CĐ-TTg yêu cầu các bộ ngành, địa phương khẩn trương rà soát, báo cáo các dự án đầu tư có khó khăn, vướng mắc, tồn đọng kéo dài trên hệ thống đầu tư công quốc gia, thời hạn hoàn thành đến hết ngày 10/4/2025. Sau ngày 10/4, hệ thống cơ sở dữ liệu sẽ không tiếp nhận thêm thông tin; bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan, chủ tịch UBND các tỉnh, thành không cập nhật dự án sẽ được coi là không còn dự án vướng mắc, khó khăn cần báo cáo cấp thẩm quyền giải quyết và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Dự án chậm tiến độ, tỷ lệ giải ngân thấp là vấn đề Điện Biên cần tập trung tháo gỡ, giải quyết, đặc biệt công tác giải phóng mặt bằng. Ngay các dự án trọng điểm và một số dự án hoàn thành chậm hoàn thiện thủ tục, hồ sơ quyết toán cũng bởi khó khăn trong giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất… Kiểm tra thực tế tiến độ các dự án trọng điểm trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô kết luận, tiến độ triển khai, thi công chậm, chưa hoàn thành dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng… Công tác phối hợp giữa chủ đầu tư, đơn vị tư vấn đo đạc quy chủ với chính quyền địa phương trong thẩm định nguồn gốc đất, phương án bồi thường chưa chặt chẽ, việc áp dụng chính sách bồi thường còn bất cập chưa được tháo gỡ kịp thời.

Người dân xã Mường Pồn, huyện Điện Biên bị mất nhà do lũ quét tháng 7/2024 đã được hỗ trợ dọn về nhà ở mới tại điểm tái định cư Huổi Ké. Ảnh tư liệu

Người dân xã Mường Pồn, huyện Điện Biên bị mất nhà do lũ quét tháng 7/2024 đã được hỗ trợ dọn về nhà ở mới tại điểm tái định cư Huổi Ké. Ảnh tư liệu

Phấn đấu hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt 100%, UBND tỉnh yêu cầu các ban quản lý dự án chuyên ngành, chính quyền TP. Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên, các cơ quan, đơn vị liên quan nâng cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu, khẩn trương thực hiện quyết liệt, có hiệu quả, khắc phục khó khăn vướng mắc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án. Trong công tác giải phóng mặt bằng tăng cường tuyên truyền, vận động, giải thích để tổ chức, cá nhân đồng thuận; sớm hoàn thành việc lập, phê duyệt phương án bồi thường, xác định đúng đối tượng để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng theo đúng quy định pháp luật. Các trường hợp cố tình chống đối, không chấp hành sẽ củng cố hồ sơ, áp dụng biện pháp cưỡng chế. Việc xử lý vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng đối với từng dự án trọng điểm đã được UBND tỉnh đưa ra giải pháp, giao trách nhiệm cho các cơ quan, địa phương. Chủ đầu tư, địa phương vùng dự án cần phối hợp chặt chẽ, tập trung công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ.

Rõ trách nhiệm, rõ giải pháp, rõ thời hạn xử lý, giải quyết cùng sự kiểm tra, giám sát sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án, không chậm giải ngân vốn đầu tư công, không còn tình trạng vốn… chờ mặt bằng. Khi các dự án đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng sẽ thu hút nguồn lực đầu tư, góp phần quan trọng tạo đà để tỉnh đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra.

Hà Anh

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/kinh-te/von-cho-mat-bang
Zalo