Volkswagen bắt đầu cuộc đàm phán thỏa thuận tiền lương mới căng thẳng
Căng thẳng tại gã khổng lồ sản xuất ô tô đang gia tăng khi nguy cơ đóng cửa nhà máy, điều chưa từng xảy ra với công ty ở Đức, đang đẩy họ vào xung đột với công đoàn IG Metall.
Ban quản lý Volkswagen (VW) và công đoàn ngày 25/9 bắt đầu cuộc đàm phán căng thẳng về một thỏa thuận tiền lương mới, sau tuyên bố gây sốc của VW hồi đầu tháng này về khả năng đóng cửa các nhà máy tại Đức lần đầu tiên.
Tuy nhiên, việc đi đến một thỏa thuận là không dễ dàng, các nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu có thể sẽ phải đối mặt với một vài thách thức, chẳng hạn như chi phí cao, thách thức từ Trung Quốc, quy trình điện hóa khó khăn…
Căng thẳng tại gã khổng lồ sản xuất ô tô đang gia tăng khi nguy cơ đóng cửa nhà máy, điều chưa từng xảy ra với công ty ở Đức, đang đẩy họ vào xung đột với công đoàn IG Metall. Công đoàn đã tuyên bố sẽ chống lại bất kỳ động thái nào như vậy.
IG Metall cũng phải thương lượng các thỏa thuận lao động mới cho 130.000 công nhân của thương hiệu VW tại Đức, sau khi tập đoàn này hồi đầu tháng đã chấm dứt các thỏa thuận bảo vệ việc làm tại sáu nhà máy của họ ở Tây Đức từ giữa những năm 1990.
Volkswagen đã nhiều lần nhấn mạnh rằng chi phí của họ quá cao và lợi nhuận quá thấp, đặc biệt là tại thương hiệu VW cốt lõi. Trong một văn bản được ban quản lý VW gửi đến cho nhân viên ở một số nhà máy sản xuất trước các cuộc đàm phán tiền lương viết rằng chi phí sản xuất tại Đức là quá cao. Do đó chúng ta cần tăng năng suất và cắt giảm chi phí lao động.
Phát biểu với đài truyền hình công cộng ZDF, Giám đốc điều hành VW, ông Oliver Blume nói rằng hãng sẽ xem xét tất cả các lĩnh vực, từ phát triển đến sản xuất và phân phối để thực hiện việc cắt giảm chi phí. Giá điện cao, đã tăng kể từ cuộc khủng năng lượng do căng thẳng Nga-Ukraine gây ra, cũng như chi phí lao động cao là một thách thức đáng kể đối với các thương hiệu của VW.
Năm 2023, thương hiệu hàng đầu của Đức đã bán được 2,52 triệu xe, với 200.000 nhân viên trên toàn thế giới, trong đó có 120.000 nhân viên tại Đức. Ngược lại, đối thủ Nhật Bản Toyota đã sản xuất gần bốn lần số lượng xe 9,5 triệu chiếc, với số nhân viên chỉ gấp hai lần.
Volkswagen, gồm các thương hiệu từ Skoda và Seat đến Porsche và Audi, đã kiếm được 30% doanh thu tại Trung Quốc, thị trường ô tô lớn nhất thế giới, nhưng đã bị mất thị phần trong thời gian gần đây.
Hãng này có ba liên doanh tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, với khoảng 90.000 nhân viên và 39 nhà máy sản xuất xe và linh kiện.
Theo Rhodium Group, một tổ chức tư vấn Mỹ tập trung vào Trung Quốc, Volkswagen là nhà đầu tư châu Âu lớn nhất tại nước này vào năm 2021. Tuy nhiên, nhà sản xuất này đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình hình kinh tế chậm lại tại Trung Quốc, cùng với sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ địa phương, đặc biệt là trong lĩnh vực xe điện (EV).
Các nhà sản xuất EV Trung Quốc, như BYD, đã chiếm phần lớn thị phần với các mẫu xe bán chạy được tích hợp công nghệ hấp dẫn khách hàng trong nước, trong khi VW gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi sang xe điện.
Hãng tin Bloomberg báo cáo VW và một trong các đối tác liên doanh của hãng đang lên kế hoạch đóng cửa một nhà máy tại Trung Quốc và có thể một số nhà máy khác nữa trong bối cảnh doanh số bán xe động cơ đốt trong giảm xuống.
Về vấn đề điện khí hóa, VW đã đầu tư một số tiền lớn vào việc chuyển đổi sang xe điện nhưng quá trình này đã gặp khó khăn. VW đã ra mắt dòng xe ID, chẳng hạn như ID.3, nhưng các xe này gặp vấn đề với phần mềm.