Với tất cả trái tim, khối óc vì người nghèo đang phải ở nhà tạm, dột nát

Chiều 12-1, kết luận Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước (Ban Chỉ đạo) trực tuyến 4 cấp với hơn 8.600 điểm cầu toàn quốc để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát là nhiệm vụ hết sức quan trọng và ý nghĩa nhân văn cao cả nên khó mấy cũng phải làm, vướng mắc mấy cũng phải tháo gỡ, thách thức mấy cũng phải vượt qua; làm với tất cả trái tim, khối óc vì những người nghèo còn đang phải ở nhà tạm, dột nát.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên họp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên họp.

Theo Ban Chỉ đạo, kết quả cập nhật của 42 địa phương, đến nay, đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát được 88.488 căn nhà, với 48.989 căn nhà đã khánh thành và khởi công mới 35.899 căn nhà. Trong đó, hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng là 5.196 căn nhà; hỗ trợ nhà ở thuộc 2 chương trình mục tiêu quốc gia là 50.909 căn nhà; hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình phát động xóa nhà tạm, nhà dột nát là 28.783 căn nhà.

Qua Chương trình phát động, đến nay có 12 địa phương nhận được hỗ trợ từ 12 đơn vị với tổng kinh phí nhận được là 1.370 tỷ đồng; Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương đã tiếp nhận trên 72,452 tỷ đồng hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Tại Phiên họp, các đại biểu đánh giá tình hình triển khai chương trình; chia sẻ kinh nghiệm, bài học hay cần nhân rộng. Trong đó, Bộ Quốc phòng đi đầu trong huy động nguồn lực hỗ trợ kinh phí xây dựng 9.200 căn nhà, với số tiền là 460 tỷ đồng cho 5 địa phương; đồng thời hỗ trợ kinh phí xây dựng 13.120 căn “Nhà Đồng đội” và “Nhà Đại đoàn kết”.

Bộ Công an phấn đấu đến trước Tết Nguyên đán, hỗ trợ hoàn thành khoảng 1.000 căn nhà cho người nghèo tại 14 tỉnh đón Tết. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tích cực vận động các tổ chức tín dụng hỗ trợ bổ sung gần 94 tỷ đồng cho công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát tại các địa phương, nâng tổng mức hỗ trợ từ khối ngành ngân hàng là 1.083 tỷ đồng.

Một số địa phương huy động được số kinh phí lớn cho chương trình như: Nghệ An, Quảng Ngãi, Thanh Hóa; một số địa phương có cách làm hay, sáng tạo trong triển khai thực hiện như Hà Giang đã chỉ đạo bố trí mặt bằng sạch, bố trí nơi ở tạm cho hộ dân trước khi xây dựng, hình thành Tổ thanh niên chuyên chở vật liệu hỗ trợ người dân xóa nhà tạm, nhà dột nát; Tuyên Quang đã ứng trước kinh phí để các hộ xây dựng nhà ở…

Các đại biểu cũng thẳng thắn làm rõ những khó khăn, vướng mắc như xác định đối tượng hỗ trợ, đất đai, nguồn lực; việc bố trí kinh phí; thủ tục, quy trình thực hiện…

Kết luận Phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ chương trình được triển khai hiệu quả nhờ tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, càng trong khó khăn, thử thách càng phát huy mạnh mẽ; chủ trương đúng đắn của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, MTTQ Việt Nam; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo; sự ủng hộ, tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân; sự chủ động, tích cực, linh hoạt, sáng tạo của các bộ, cơ quan, địa phương.

Đặc biệt, Thủ tướng biểu dương Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã nghiêm túc, chủ động thực hiện hiệu quả nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát theo tinh thần “Quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân chiến đấu”; “Công an ta, vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.

Đến nay trên toàn quốc còn khoảng 240 nghìn căn nhà tạm, nhà dột nát. Để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025, bình quân mỗi ngày cả nước phải hoàn thành khoảng 650 căn, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, khối lượng công việc còn lớn, một phần do chương trình lớn, liên quan đến nhiều bộ, cơ quan, địa phương; phải triển khai trên quy mô rộng trong thời gian ngắn, nhiều đối tượng hỗ trợ ở các địa bàn khó khăn.

Nhấn mạnh việc xóa nhà tạm, nhà dột nát phải có tinh thần, trách nhiệm cao, bằng cả trái tim, khối óc chứ không phải chỉ làm qua loa, Thủ tướng chỉ rõ một số bài học kinh nghiệm, trong đó các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, làm việc nào dứt việc đó; phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả”; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc; huy động “có công giúp công, ai có của giúp của, ai có gì giúp nấy, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít” để xóa nhà tạm, dột nát cho người khó khăn về nhà ở.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng đã được thể hiện rõ trong các Kết luận, Nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phải đa dạng hóa nguồn lực thực hiện Chương trình theo hướng toàn dân, toàn diện, rộng khắp, bao trùm.

Cho rằng, nhiệm vụ hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025 là rất nặng nề, đòi hỏi có sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, là tình cảm, lương tâm của mọi người, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, khó mấy cũng phải làm, vướng mắc mấy cũng phải tháo gỡ, thách thức mấy cũng phải vượt qua; làm với tất cả trái tim, khối óc vì những người nghèo còn đang phải ở nhà tạm, dột nát.

Phạm Tiếp

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/voi-tat-ca-trai-tim-khoi-oc-vi-nguoi-ngheo-dang-phai-o-nha-tam-dot-nat-post307385.html
Zalo