Với 80 dự án vừa khởi công, khánh thành, mạng lưới hạ tầng của Việt Nam giờ ra sao?

Với việc đưa vào khai thác 6 Dự án thành phần cao tốc Bắc Nam, tính đến nay tổng chiều dài đường bộ cao tốc trên cả nước được đưa vào khai thác đã đạt 2.268km.

Sáng 19/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì lễ khởi công, khánh thành các công trình, dự án trọng điểm quốc gia và các công trình lớn nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Đây là lần đầu tiên Chính phủ tổ chức lễ khởi công, khánh thành trực tuyến 80 dự án, công trình lớn, trọng điểm, trải dài 3 miền Bắc - Trung - Nam, với tổng vốn đầu tư khoảng 450.000 tỷ đồng.

Trong buổi lễ sáng 19/4, Chính phủ đã khánh thành 47 công trình với quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, đóng vai trò rất quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng Chính phủ và các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khởi công, khánh thành các công trình, dự án chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. (Ảnh: VGP).

Thủ tướng Chính phủ và các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khởi công, khánh thành các công trình, dự án chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. (Ảnh: VGP).

Trong đó có nhiều dự án tiêu biểu như: Nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; 5 Dự án đường bộ cao tốc với chiều dài 227 km hoàn thành/thông xe, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc trên cả nước đưa vào khai thác đạt 2.268 km; hồ chứa nước Krong Pách Thượng (Đắk Lắk) phục vụ tưới tiêu cho trên 14.000 ha và cấp nước sinh hoạt cho hơn 100.000 hộ dân; Trung tâm Y tế Quân - Dân y huyện Côn Đảo, Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn và đưa vào sử dụng một số công trình giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao...

Đồng thời, khởi công mới 33 công trình với quy mô lớn, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong cả nước như: Nút giao khác mức giữa đường vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long, TP. Hà Nội; Dự án thành phần 1, 2 thuộc tuyến vành Đai II TP. Hồ Chí Minh; Nhà ga T2 cảng hàng không Đồng Hới.

Cũng như, nâng cấp mở rộng Cảng Hàng không Cà Mau; đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Trung tâm thương mại AEON Hải Dương; Dự án đầu tư xây dựng Đại học Thái Nguyên bước III; Bệnh viện đa khoa Cà Mau; kết cấu hạ tầng Khu Công nghiệp Trần Đề; khu đô thị lấn biển Cần Giờ (TP HCM); một số khu nhà ở xã hội, tái định cư tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Nam, Long An, Vĩnh Long, Đồng Nai…

Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: VGP).

Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: VGP).

Như vậy, tính đến nay, Việt Nam đã đạt được một số kết quả tích cực trong đầu tư hạ tầng. Cụ thể, về đường bộ cao tốc, quy hoạch tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông dài 2.063 km từ cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn đến Cà Mau đi qua 32 tỉnh, thành phố.

Đến ngày 18/4, cả nước đã hoàn thành, đưa vào khai thác 1.443km; đang thi công 605km, đang chuẩn bị đầu tư cầu Cần Thơ 2 dài 15km.

Với việc đưa vào khai thác 6 Dự án thành phần (đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Bùng - Vạn Ninh; Vân Phong - Nha Trang; Bến Lức - Long Thành và Biên Hòa – Vũng Tàu) ngày 19/4 đã nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc trên cả nước được đưa vào khai thác là 2.268km; trong đó có 4 Dự án đã hoàn thành về đích vượt tiến độ từ 6 - 9 tháng.

Bộ Xây dựng và các địa phương quyết tâm hoàn thành 3.000km đường cao tốc trong năm 2025 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phấn đấu hoàn thành 5.000km đường cao tốc vào năm 2030 theo mục tiêu được Trung ương Đảng, Quốc hội đã đề ra.

Về hạ tầng hàng không,nhiều dự án trọng điểm như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài... đã và đang được triển khai với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, một số công trình tiếp tục được khởi công như: nhà ga T2 Đồng Hới, mở rộng Cảng hàng không Cà Mau… nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển và nâng cao năng lực kết nối trong nước và quốc tế.

Hôm nay Nhà ga hành khách T3 đạt chuẩn quốc tế, công suất thiết kế 20 triệu hành khách/năm cũng đã được hoàn thành để vận hành đồng bộ, hiệu quả, phục vụ khai thác nội địa tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Về phát triển đô thị và nhà ở, đến hết năm 2024, tỷ lệ đô thị hóa đạt 44,3%; tỷ lệ dân cư đô thị được cấp nước sạch đạt 94%; nhà ở đạt diện tích bình quân 26,5 m2 sàn/người. Hàng loạt công trình, dự án đã được tập trung triển khai nhằm thay đổi diện mạo đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, điển hình như việc đưa vào khai thác, sử dụng các tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, Bến Thành - Suối Tiên; khởi công đường vành đai 3.5 thủ đô Hà Nội, khu đô thị lấn biển Cần Giờ...

Về nhà ở xã hội, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước đã có 655 dự án đã được triển khai với quy mô gần 600 nghìn căn hộ và hôm nay, chúng ta tiếp tục chứng kiến Lễ khởi công một số dự án nhà ở xã hội tại các địa phương nhằm hướng tới mục tiêu hoàn thành xây dựng 01 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030.

Về phát triển hạ tầng năng lượng, đã cơ bản hoàn thành các công trình thủy điện công suất trên 100MW; các hồ chứa lớn trên 100 triệu m3. Việt Nam đang tập trung phát triển các nguồn điện sạch như nhiệt điện khí, điện tái tạo, điện hạt nhân, nhằm tận dụng tốt hơn lợi thế về địa hình, địa lý của đất nước.

Tổng công suất của các nguồn điện tái tạo so với toàn hệ thống phát triển nhanh, tăng từ 15,6% năm 2020 lên đến 27,1% năm 2024, để hướng tới phát thải ròng bằng không theo cam kết của Chính phủ. Hệ thống truyền tải điện cơ bản đã hoàn thành để đưa điện đến các vùng sâu, vùng xa. Trong đó, hệ thống đường dây 500kV Mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối dài 519 km đã được thi công và hoàn thành trong thời gian chỉ có 6 tháng.

Hạ An

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/voi-80-du-an-vua-khoi-cong-khanh-thanh-mang-luoi-ha-tang-cua-viet-nam-gio-ra-sao.html
Zalo