Vô tình 'tiếp tay' cho bất bình đẳng trong gia đình

'Không biết chị em có nhận ra là bản thân mình đã vô tình góp phần gây ra sự bất bình đẳng giới trong gia đình không?', anh Trương Công Sơn (Hà Nội) chia sẻ.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trong khuôn khổ thảo luận nhóm bạn bè thân thiết về trách nhiệm của vợ chồng trong xây dựng hạnh phúc gia đình, anh Công Sơn kể câu chuyện của vợ chồng mình: Lần đầu tiên tôi nhận ra vợ mình "tự nguyện yếu thế" là khi chúng tôi thay thế chiếc tủ lạnh dung tích nhỏ bằng chiếc tủ lạnh lớn.

Trước nay, tôi quan niệm đã mua gì thì cứ đồ đẹp, xịn xò mà mua. Vợ tôi sau khi tham khảo ý kiến của bạn bè tư vấn thì muốn lấy chiếc tủ lạnh 4 buồng, hàng bãi của Nhật Bản với lý do "vừa rẻ, tiết kiệm, chất lượng lại tốt".

Thực ra, vì vợ hỏi ý kiến nên tôi nói quan điểm của mình thôi, còn tài chính gia đình là cô ấy quản lý nên trong thâm tâm, tôi luôn tôn trọng quyết định của cô ấy. Ngay sau đó, tôi đi công tác 2 tuần, dặn vợ ở nhà chủ động mua tủ lạnh.

Khi về, tôi cứ ngỡ chắc vợ sẽ chọn mua chiếc tủ lạnh như vợ nói nhưng không ngờ, cô ấy lại mua chiếc tủ lạnh side by side mới tinh. Vợ bảo, chiếc này giá cao hơn 2 lần chiếc tủ bãi cùng công suất và chức năng.

Tôi thắc mắc sao vợ không lấy tủ bãi? Vợ tôi bảo, anh không thích tủ bãi thì sao em dám lấy tủ kia. Câu trả lời của vợ khiến tôi sững lại. Trời đất, tôi có "bắt" vợ phải làm theo ý mình đâu? Chỉ là cô ấy hỏi nên mua loại nào thì tôi trả lời quan điểm của mình thôi mà! Nếu tôi là cô ấy, trong trường hợp này, tôi sẽ quyết định theo ý mình".

Cũng theo chia sẻ của anh Sơn, chị Phương là người giỏi giang, có nhiều ưu điểm nhưng trong nhà, chị luôn "nhìn trước ngó sau" thái độ của chồng. Trước đây ở quê, bố anh Sơn làm công nhân cơ khí, mẹ làm ruộng, nhà có 3 anh em trai nên chẳng có việc gì anh Sơn và các em không phải làm.

Bản thân là con cả, để nêu gương cho các em, từ việc nhà cửa, cơm nước, việc đồng áng…, việc gì anh Sơn cũng phụ giúp mẹ. Giữ nếp ấy, lên Hà Nội học đại học rồi ở lại lập nghiệp, sau này được bổ nhiệm vị trí quản lý ở cơ quan nhưng khi về gia đình, anh Sơn không nề hà làm việc nhà.

Anh Sơn tâm sự, bản thân anh không ngại làm việc nhà nhưng chính chị Phương lại là người "ngăn cản" chồng làm những việc ấy. Anh Sơn cho hay, một lần, vào thứ Bảy, vợ phải ra ngoài lo việc, chỉ có 3 bố con anh ở nhà.

Gần trưa, đúng lúc anh Sơn đang nấu nướng, lau dọn bếp thì hai nhân viên ở cơ quan đến xin ý kiến chút việc gấp. Cũng vừa lúc chị Phương về đến nhà. Chứng kiến nhân viên của chồng mắt chữ O, miệng chữ A vì không ngờ vị sếp khó tính trong công việc ở cơ quan trong bộ dạng chẳng khác gì…người giúp việc, chị Phương bối rối.

Sau khi nhân viên về, bố con anh bị chị mắng xối xả. Anh Sơn bị vợ mắng vì "tội" lọ mọ bếp núc làm mất hết thể diện, uy nghiêm của sếp; rồi thảo nào nhân viên của anh cũng sẽ bàn tán… Còn cô con gái lớn bị mắng vì "tội" không vào bếp nấu cơm cho bố và em, lại để bố nấu nướng, dọn dẹp (!?).

"Tôi biết, vợ muốn giữ hình ảnh cho chồng nên không muốn chồng động chân tay vào việc nhà. Thế nhưng tôi lại nghĩ, việc tôi làm sếp ở cơ quan chẳng liên quan gì đến vai trò, vị trí của người chồng, người cha trong gia đình.

Cơ quan là công việc còn gia đình là các mối quan hệ của yêu thương nên làm việc nhà cũng là một cách bày tỏ tình yêu với gia đình. Phụ nữ yêu chồng, chăm lo cho chồng nhưng đừng nuông chiều chồng thái quá.

Làm như thế, chị em sẽ vô tình tạo ra sự bất bình đẳng trong gia đình, trong quyền ra quyết định của chính mình", anh Sơn bày tỏ.

Tuệ Lâm

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/vo-tinh-tiep-tay-cho-bat-binh-dang-trong-gia-dinh-20241023114012979.htm
Zalo