Vở nhạc vũ kịch 'Khát vọng Sen': Nêu bật khát vọng người trẻ

Tối 13-10, tại Trung tâm Hội nghị - Triển lãm tỉnh Bình Dương, Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen TPHCM đã thi diễn vở nhạc vũ kịch Khát vọng Sen. Đây cũng là vở thi diễn cuối cùng tại Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc năm 2024.

Vở nhạc vũ kịch "Khát vọng Sen" của Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen tham gia Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc năm 2024. Ảnh: THÚY BÌNH

Vở nhạc vũ kịch "Khát vọng Sen" của Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen tham gia Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc năm 2024. Ảnh: THÚY BÌNH

Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc năm 2024 do Bộ VH-TT-DL phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương tổ chức.

Đến tham dự liên hoan có NSND Trần Ly Ly, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn; NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM.

Vở nhạc vũ kịch Khát vọng Sen (kịch bản văn học: NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, NSND Công Nhạc; đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu, Nguyễn Lương Tuấn), có sự tham gia biểu diễn của 50 diễn viên, ca sĩ, nhạc công của nhà hát.

Câu chuyện nhạc vũ kịch kể về nhân vật chính là Sen - diễn viên múa trẻ, tài năng, chuyên ngành múa dân gian.

Sen yêu nghệ thuật múa, luôn dưỡng nuôi những khát vọng và niềm say mê phát triển nghề. Cô đã cùng các diễn viên trẻ vượt qua muôn vàn khó khăn để gìn giữ nghề, sáng tạo, phát huy, quảng bá và lan tỏa những giá trị tốt đẹp, đặc sắc của nghệ thuật múa truyền thống trong đời sống văn hóa xã hội.

Cách đất nước Việt Nam nửa vòng trái đất, có chàng trai tên Việt cũng yêu múa. Một lần, Việt có dịp về thăm lại quê hương xứ sở, anh gặp được Sen, rung động với nét đẹp duyên dáng, dịu dàng của Sen. Cả hai trái tim tươi trẻ vì cảm mến nên cùng có chung một nhịp đập yêu thương, hơn thế nữa chính là họ cũng có cùng một niềm đam mê mãnh liệt với nghệ thuật múa.

Tuy nhiên, trong cuộc sống thực tiễn, tình yêu lứa đôi cùng với tình yêu dành cho nghệ thuật múa của Sen gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Có lúc, những tưởng Sen đã phải buông rơi niềm đam mê mà cô luôn gìn giữ chỉ vì bao sóng gió, trắc trở của cuộc đời.

Nhưng rồi, bằng tấm chân tình, sự nhiệt huyết tuổi trẻ, niềm say mê nghề, yêu vẻ đẹp lung linh của những điệu múa dân gian dân tộc không bao giờ nguôi ngoai, Sen đã nhất quyết cùng nắm tay Việt nỗ lực vượt qua những thử thách, gian khó của công việc và cuộc sống, để niềm say mê với múa tiếp tục được thắp lên ngọn lửa nhiệt thành, vươn tới khát vọng cao quý của tuổi trẻ thành phố, thanh niên Việt Nam, cùng ra sức bảo vệ, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, lan tỏa tình yêu nghệ thuật dân gian đến với cộng đồng...

Vở múa được dàn dựng theo hình thức kể chuyện, thông qua các tiết mục đơn ca, tốp ca, được thể hiện hòa quyện cùng những màn trình diễn múa cuốn hút. Bên cạnh còn có nhịp cầu nối các tình tiết của câu chuyện nhiều kịch tính là những bản song tấu độc đáo của đàn tranh và sáo, đàn nhị và đàn bầu, hòa tấu dàn nhạc...

NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM, nhận xét: Vở diễn được hoàn thành với sự nỗ lực rất lớn của tập thể nghệ sĩ, diễn viên. Trong thời gian tới, vở sẽ được trau chuốt thêm để trở thành là một trong những tác phẩm nghệ thuật sân khấu phục vụ du lịch.

THÚY BÌNH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/vo-nhac-vu-kich-khat-vong-sen-neu-bat-khat-vong-nguoi-tre-post763493.html
Zalo