Vỡ mộng 'tiền ảo'

Không có kiến thức về tiền ảo và đầu tư tài chính đa cấp nhưng vì ham lợi nhuận cao, nhiều người đã 'nhắm mắt' đưa tiền cho Lê Văn Thắng (SN 1979, trú tại xã Tái Sơn, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) để rồi gia đình có nguy cơ tan vỡ vì vướng vào nợ nần.

“Bánh vẽ” sân tài chính Thụy Sĩ

Lê Văn Thắng vốn hành nghề lái xe. Năm 2016, trong một cuộc hội thảo về tiền ảo bitcoin ở TP. Hồ Chí Minh, Thắng gặp và quen biết một người tên Đông. Người này đã giới thiệu với Thắng về một mô hình đầu tư tài chính đa cấp dưới tên gọi “Sân tài chính D10” với mức lợi nhuận, hoa hồng cao.

Đông cho Thắng biết sân tài chính này có nguồn gốc tại Thụy Sĩ, chưa có tại Việt Nam; phải đi kêu gọi được ít nhất 30 mã đầu tư thì công ty bên Thụy Sĩ mới đưa sân tài chính này về Việt Nam.

Sau khi gặp Đông, Thắng lên mạng internet tìm hiểu nhưng không thấy thông tin gì về sự tồn tại của “Sân tài chính D10”. Bản thân Thắng không biết ngoại ngữ nên khi tìm kiếm trên các website nước ngoài cũng không thu thập được gì.

Tuy nhiên, Thắng vẫn đưa ra các thông tin không có thật về “Sân tài chính D10” có nguồn gốc từ Thụy Sĩ. Theo đó, Thắng giới thiệu rằng, nếu nhà đầu tư tham gia góp vốn gói 10 triệu đồng thì từ tuần thứ nhất đến tuần thứ tư sẽ được nhận về số tiền 1,5 triệu đồng/tuần. Tuần thứ năm và tuần thứ sáu, nhà đầu tư sẽ được nhận 2 triệu đồng/tuần. Đến tuần thứ bảy, nhà đầu tư sẽ được nhận 5 triệu đồng.

Như vậy, tổng số tiền nhà đầu tư nhận được sau 7 tuần tham gia gói vốn góp là 15 triệu đồng cả gốc lẫn lãi.

Bị cáo Lê Văn Thắng tại phiên tòa. Ảnh: Lê Văn Ngọc

Bị cáo Lê Văn Thắng tại phiên tòa. Ảnh: Lê Văn Ngọc

Nếu nhà đầu tư tham gia góp vốn gói 30 triệu đồng thì ngay sau khi chuyển tiền sẽ được nhận 6 triệu đồng tiền hoa hồng. Tuần thứ nhất, nhà đầu tư sẽ được nhận 4,5 triệu đồng. Tuần thứ hai, nhà đầu tư được nhận 6,5 triệu đồng. Tuần thứ ba và tuần thứ tư, nhà đầu tư sẽ được nhận 4,5 triệu đồng/tuần. Tuần thứ năm và tuần thứ sáu, nhà đầu tư sẽ được nhận 6 triệu đồng/tuần. Đến tuần thứ bảy, nhà đầu tư sẽ được nhận 15 triệu đồng.

Như vậy, sau 7 tuần, nhà đầu tư sẽ nhận được tổng cộng 53 triệu đồng bao gồm cả gốc và lãi. Ngoài ra, nếu ai giới thiệu được người khác tham gia đầu tư trong hệ thống của mình thì sẽ được hưởng số tiền 500 ngàn đồng/người.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 10-9, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã tuyên phạt bị cáo Thắng 14 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Với “bánh vẽ” lợi nhuận trên trời này, tháng 5 đến tháng 7-2016, Thắng đã kêu gọi được 19 người tại Gia Lai tham gia sân tài chính của mình. Sau khi nhận được tiền của những người tham gia, Thắng sử dụng chính tiền của những người tham gia để trả cho họ; hoặc sử dụng tiền của người tham gia sau để trả cho người tham gia trước.

Sau tháng 7-2016, Thắng không tiếp tục trả tiền cho nhà đầu tư mà bỏ trốn khỏi địa phương. Tổng cộng, Thắng đã chiếm đoạt của 19 cá nhân với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Sau đó, đối tượng bị bắt theo lệnh truy nã khi đang làm thủ tục trốn sang Trung Quốc vào tháng 3-2019.

Nhà tan cửa nát

Hầu hết những nạn nhân của Thắng đều là phụ nữ làm nông, không hề có kiến thức về tiền ảo hay đa cấp tài chính. Bản thân các nạn nhân cũng không hề nắm rõ nhân thân, lai lịch của Thắng.

Chị N.T.K.D. (SN 1979, trú tại thị xã An Khê) cho hay, chị đã vay mượn của nhiều người đưa cho Thắng hơn 300 triệu đồng và bị đối tượng chiếm đoạt hơn 200 triệu đồng. Khi sự việc vỡ lở, chị D. giấu chồng, giấu gia đình trong bối cảnh bị các chủ nợ liên tục hối thúc.

“Tôi không rành mấy cái sân tài chính trên mạng đó nhưng thấy lời cao nên ham. Mấy năm nay tôi phải xoay xở đủ kiểu để gìn giữ gia đình, chồng tôi mà biết tôi bỏ tiền vào đó để rồi bị lừa chắc sẽ không yên ổn đâu. Giờ Thắng có đi tù nhưng tiền lừa của tôi không biết bao giờ mới đòi lại được"-chị D. chia sẻ.

Không thể giấu kín câu chuyện như chị D., chị T.T.H. (SN 1983, trú tại huyện Đak Pơ) đã mâu thuẫn nặng nề với chồng khi áp lực tài chính đặt nặng lên tổ ấm gia đình. Chị H. buộc phải bán đất để trả số tiền đã vay rồi đầu tư vào sân tài chính. Bị Thắng chiếm đoạt hơn 210 triệu đồng, nhưng số tiền chị H. vay “lãi mẹ đẻ lãi con” khiến chị phải oằn mình trả nợ. 2 vợ chồng không tìm được tiếng nói chung nên đã ly dị, con cái cũng mỗi người một nơi.

Chị H. bức xúc: "Vì tin Thắng mà gia đình tôi tan nát. Mà không chỉ gia đình tôi đâu, còn nhiều nhà nữa cũng cơm không lành, canh chẳng ngọt. Tôi cũng hối hận vì đã đầu tư mơ hồ như thế nhưng bây giờ thì muộn quá rồi”.

LÊ VĂN NGỌC

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/1602/202009/vo-mong-tien-ao-5699818/
Zalo