Vợ chồng trẻ chuẩn bị 25 triệu đồng tiêu Tết chỉ sợ thiếu

Chưa có nhiều kinh nghiệm trong chi tiêu dịp lễ Tết, nhiều gia đình trẻ cảm thấy loay hoay khi dịp lễ lớn cuối năm đang đến gần.

Còn cách Tết Nguyên đán chưa tới một tháng, vợ chồng Nguyễn Quỳnh (24 tuổi) vừa lo duy trì công việc bận bịu dịp cuối năm, vừa phải chuẩn bị dần việc sắm sửa Tết Nguyên đán.

Quỳnh là huấn luyện viên gym tại Hà Nội, chồng là huấn luyện viên bơi song vẫn đang vừa đi học, vừa đi làm. Bởi vậy, chi tiêu của cặp vợ chồng trẻ không mấy dư dả.

"Hàng tháng, ngoài tiền thuê nhà ở Hà Nội, chúng tôi gửi tiền về quê chồng ở Thái Nguyên để bố mẹ phụ chăm cậu con trai gần 2 tuổi. Thú thực, việc co kéo ngày thường đã khó, đến dịp lễ Tết lại càng thêm đau đầu", Quỳnh chia sẻ với Tri Thức - Znews.

Không chỉ Quỳnh, cân đối chi tiêu dịp Tết cũng là nỗi lo của nhiều cặp vợ chồng trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm quản lý tiền bạc hay tài chính chưa vững vàng. Để không rơi vào cảnh thiếu trước hụt sau hay thiếu chu toàn với gia đình hai bên, các cặp đôi thừa nhận cần có những kế hoạch cụ thể, hợp lý.

Chi tiêu hợp với hoàn cảnh gia đình

Khoảng 26-27 tháng Chạp, sau khi được nghỉ làm, vợ chồng Nguyễn Quỳnh sẽ về nhà nội ở Thái Nguyên đón Tết, sau đó tới mùng 2 tháng Giêng đi nhà ngoại ở Thái Bình. Cả hai dự tính chuẩn bị 25 triệu đồng cho dịp lễ sắp tới mà chỉ lo không đủ.

 Vợ chồng Quỳnh sẽ chi khoảng 25 triệu đồng dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: NVCC.

Vợ chồng Quỳnh sẽ chi khoảng 25 triệu đồng dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: NVCC.

"Cũng may dịp cuối năm tôi có thêm khách hàng, lại tranh thủ bán hàng online nên cũng để dành ra được một khoản. Trước Tết vài tháng, hai vợ chồng cũng bắt đầu để riêng một phần thu nhập cho các khoản chi cuối năm", Quỳnh chia sẻ.

Với 25 triệu đồng, cặp vợ chồng trẻ sẽ biếu bố mẹ hai bên 10 triệu đồng, còn lại để mua sắm, đi lại và tiền lì xì các cháu họ hàng. Ngoài ra, cặp đôi cũng dự trù thêm khoảng 1,5 triệu đồng phòng phát sinh thêm.

Bà mẹ trẻ xác định mua sắm sớm những món như quần áo, quà cáp để tránh cập rập và giá thành bình ổn hơn so với sát Tết. Những món như thực phẩm, bánh kẹo, cô gửi tiền nhờ bố mẹ ở quê sắm giúp sau.

"Vì chưa ở riêng, hai vợ chồng đỡ được các hoạt động như cúng bái, chứ nếu không phải lo liệu thêm khoản đó, chúng tôi bối rối không biết sắp xếp ra sao", Quỳnh bày tỏ.

Là năm đầu tiên về làm dâu, Thu Uyên (24 tuổi, Hà Nội) xác định nương theo nếp nhà chồng trong lần đầu phụ chuẩn bị Tết. Hiện, cô vẫn trong thời gian nghỉ sau sinh, chỉ còn chồng đi làm.

"Nhờ ở cùng nhà chồng nên chúng tôi đỡ được suy tính nhiều thứ, cứ theo bố mẹ mọi năm làm sao thì như vậy. Tôi sẽ cùng mẹ chồng lo cơm nước, thờ cúng, bố chồng và chồng sẽ phụ trách sắm mai, đào hay quất hoặc đồ dùng trong nhà", Uyên cho biết.

Không tính khoản tiền biếu cha mẹ hai bên, vợ chồng Uyên dự tính chi 15 triệu đồng cho việc sắm sửa quần áo mới cho gia đình nhỏ 3 người, quà cho hai gia đình nội ngoại và lì xì. Đây là khoản tích cóp của hai vợ chồng trong một năm qua, để dành ra tiêu Tết.

"Hầu hết đồ đạc, quà cáp cần mua tôi đều đặt online, sẵn dịp cuối năm có nhiều voucher giảm giá mạnh, tiết kiệm được rất nhiều so với mua ngoài cả về tiền bạc lẫn công sức", nàng dâu mới nói thêm.

Lên kế hoạch chi tiêu cụ thể

Theo Forbes, lễ Tết là dịp cho niềm vui, sự đoàn viên và các hoạt động kỷ niệm, song cũng có thể kéo theo sự tốn kém nếu không chi tiêu đúng cách. Các cá nhân, gia đình cần lập ngân sách hợp lý để đảm bảo có một mùa lễ hội vui vẻ mà không bị căng thẳng về tài chính hay cảm giác tội lỗi sau đó vì chi tiêu quá mức.

Ví dụ, trước khi lập kế hoạch chi tiêu cho dịp cuối năm, hãy xem lại việc chi tiêu của năm ngoái và xác định các mục có thể cắt giảm hoặc cần nâng lên. Bên cạnh đó, chia nhỏ ngân sách thành các mục nhỏ để dễ theo dõi, ví dụ như quà tặng (50%), ăn uống (30%), đồ trang trí (10%) và các khoản khác (10%).

 Các gia đình trẻ nên dựa trên chi tiêu thực tế của năm trước để lập kế hoạch chi tiêu cho dịp cuối năm. Ảnh minh họa: Thạch Thảo.

Các gia đình trẻ nên dựa trên chi tiêu thực tế của năm trước để lập kế hoạch chi tiêu cho dịp cuối năm. Ảnh minh họa: Thạch Thảo.

Đồng thời, các gia đình nhỏ có thể tham khảo những lưu ý sau để lên kế hoạch được chi tiết, mạch lạc hơn:

Đặt giới hạn chi tiêu cho quà tặng: Quà tặng là một phần quan trọng trong dịp lễ Tết, song cũng là khoản dễ khiến mọi người vung tay quá trán nhất. Hãy tạo danh sách những người định mua quà tặng và giới hạn mức chi cho từng người. Không nhất thiết phải là quà đắt tiền mà nên phù hợp với nhu cầu người nhận.

Tranh thủ săn sale: Dịp cuối năm, các trang thương mại điện tử thường có những đợt giảm giá lớn, hãy tận dụng để mua được những món đồ cần thiết với giá hời và tiết kiệm phí vận chuyển. Để tiết kiệm tối đa, hãy sử dụng các công cụ hoặc ứng dụng so sánh giá để tìm được ưu đãi tốt nhất. Ngoài ra, nên cân nhắc đăng ký nhận thông báo của cửa hàng hoặc chương trình khách hàng thân thiết.

Tái sử dụng: Khi trang hoàng nhà cửa ngày Tết, không nhất thiết năm nào cũng phải mua đồ trang trí mới. Một số món như đèn, hoa giả có thể tái sử dụng. Một cách tiết kiệm khác là trao đổi đồ trang trí với bạn bè hoặc gia đình.

Đừng quên những khoản nhỏ lẻ: Vài trăm nghìn đồng tiền xe về quê, vài chục nghìn đồng tiền mua bao lì xì... có thể không lớn nhưng nhiều mục như vậy dồn lại có thể làm chệch hướng kế hoạch chi tiêu dịp lễ của gia đình. Hãy nhớ tạo ngân sách riêng cho các mục này.

Dùng tiền mặt: Một cách đáng cân nhắc để kiểm soát chi tiêu trong dịp lễ Tết là chỉ sử dụng tiền mặt. Rút toàn bộ tiền đã phân bổ cho các khoản chi tiêu và chia vào từng phong bì, dán nhãn cho từng mục, ví dụ như quà tặng, đồ trang trí hay ăn uống. Cách này đặc biệt hữu ích cho những người thấy khó cưỡng lại việc quẹt thẻ, chuyển khoản dẫn tới mua sắm bốc đồng trong dịp lễ.

Mai An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/vo-chong-tre-chuan-bi-25-trieu-dong-tieu-tet-chi-so-thieu-post1523806.html
Zalo