VN30 'gồng gánh' thị trường, cổ phiếu Vinamilk bất ngờ tỏa sáng
Đã rất lâu, cổ đông Vinamilk mới thấy cổ phiếu mình nắm giữ tăng mạnh như hôm nay. Với 2,6 điểm đóng góp từ VNM và giao dịch tích cực từ nhiều bluechip khác, VN-Index đã thoát sắc đỏ trong gang tấc.
Đóng cửa phiên 31/3, VN-Index chỉ tăng nhẹ 1,6 điểm, lên mốc 1492.15. Chỉ số UPCoM cũng tăng nhẹ trong khi HNX-Index giảm 1,6 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt 29.11 6 tỷ đồng. Trong đó khối ngoại chiếm gần 2.200 tỷ đồng, thực hiện mua ròng gần 314 tỷ đồng; tập trung mua các mã VNM, DGC, VRE, TCM, DXG, HDB, PLX, BID, CTG, GMD… Ngược lại, các mã bị nhà đầu tư nước ngoài bán nhiều là VHM, MSN, PDR, HPG, CTR, PVD…
Với việc tăng 8,3 điểm, VN30 hôm nay chính là nhóm “gồng gánh” thị trường. Trong đó, VNM của Vinamilk đóng góp lớn nhất với mức tăng 6,2%. Sau chuỗi giảm sâu từ mức 114.000 đồng/cp hồi đầu năm 2021, VNM đang cho thấy tín hiệu khi liên tục tăng những phiên gần đây. Từ mức đáy 75.000 đồng/cp phiên 21/3, VNM kết phiên 31/3 ở mức 80.900 đồng. Đồng thời, VNM cũng lấy lại vị trí số 8 trong bảng xếp hạng top 10 vốn hóa lớn trên sàn HoSE.
Ngoài VNM, các mã lớn khác có đóng góp tích cực cho VN-Index là VRE +2,9%, PNJ +2%, ACB +1,4%, CTG +1,2%, VPB +1,1%, MWG +1%... Ngược lại, STB đứng đầu chiều giảm với tỷ lệ -1,7%. Kết phiên trong sắc đỏ còn có MSN, GAS -1,6%, PDR -1,3%, hpg -0,9%...
Xét về nhóm ngành thì hôm nay không có nhóm nào hút mạnh dòng tiền. Ngân hàng, cao su, bán lẻ, công nghệ thông tin, vận tải kho bãi, bảo hiểm là những nhóm ghi nhận dòng tiền vào nhiều hơn ra. Tuy nhiên có sự phân hóa và tỷ lệ chênh lệch không lớn.
Top cổ phiếu ảnh hưởng đến chỉ số VN-Index. SSI
Ở chiều giảm, chứng khoán, dầu khí, phân bón, bất động sản & xây dựng là các nhóm âm nặng nhất. Nhóm chứng khoán chỉ còn CSI, VIX ở chiều tăng. Chiều giảm ngoài ART thuộc hệ sinh thái FLC tiếp tục nằm sàn thì nhiều mã khác cũng giảm mạnh như APG -5,1%, FTS -3,2%, AAS -2,9%, VFS -2,3%, TCI -2,2%, BVS -2,1%...
Nhóm dầu khí bị tác động bởi thông tin giá dầu lao dốc 5% sau thông tin Mỹ cân nhắc giải phóng tới 180 triệu thùng dầu dự trữ trong vài tháng tháng tới. Ngoài PLX vẫn tăng nhẹ 0,4% thì các mã khác đều giảm mạnh: PTV -6,8%, PVC -5,4%, OIL -3,8%, PVD -3,1%, PVS -2,8%, BSR -2,2%...
Nhóm xây dựng và bất động sản ghi nhận 122 mã đỏ, 14 mã giảm sàn, áp đảo so với 75 mã tăng. Điểm tích cực là nhiều mã lớn như VIC, NVL, VRE, BCM, THD, SSH, KDH, KBC, DXG, REE… nên giúp cho nhóm không bị giảm quá sâu.
Về nhóm cổ phiều FLC, giao dịch không có gì thay đổi so với phiên hôm qua khi tất cả đều chất đống nằm sàn từ đầu phiên. Kết phiên, FLC dư sàn hơn 83 triệu đơn vị, ROS dư sàn hơn 70 triệu đơn vị, AMD dư hơn 1,3 triệu đơn vị… FLC về mức giá 11.000 đồng/cp, còn ROS về mức 7.060 đồng/cp.
Sau vụ việc Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi thao túng chứng khoán, tâm lý nhà đầu tư đang có phần thận trọng. Dấu hiệu là VN-Index tiếp tục giằng co với khối lượng không có nhiều đột biến. Tuy nhiên so với các sự kiện tương tự trong quá khứ, thị trường không có tình trạng bán tháo cho thấy tâm lý nhà đầu tư đã vững vàng hơn.