VN-Index tiến về đỉnh lịch sử: Thị trường 'bùng nổ' cộng hưởng dòng vốn ngoại
Thị trường chứng khoán đang ở trong một giai đoạn 'thăng hoa' nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ của dòng vốn ngoại. Tuy nhiên, việc nắm bắt cơ hội theo xu hướng cũng cần sự quản trị rủi ro chặt chẽ.

Tâm lý nhà đầu tư trong tuần ghi nhận sự hưng phấn với nhiều thông tin tốt được đưa ra. (Ảnh: Vietnam+)
Thị trường chứng khoán trải qua một tuần giao dịch “bùng nổ” với nhiều kỷ lục. Theo đó, VN-Index vững vàng vượt mốc 1.450 điểm đồng thời VN30 chính thức lập đỉnh lịch sử mới.
Theo các chuyên gia phân tích, động lực chính đến từ hoạt động mua ròng của các nhà đầu tư nước ngoài với giá trị đột biến và tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa lớn.
Động lực đến từ đâu?
Nối tiếp đà mua ròng trước đó, khối ngoại tiếp tục là động lực chính dẫn dắt thị trường có một tuần giao dịch tích cực ngoài mong đợi. Ngay từ phiên đầu tuần, VN-Index đã vượt qua ngưỡng kháng cự tâm lý 1.400 điểm và duy trì mạch tăng điểm ấn tượng.
Ông Phan Tấn Nhật, Trưởng nhóm phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) cho biết thị trường đóng cửa tuần giao dịch, VN-Index tăng 5,1% lên mức 1.457,76 điểm (vượt mốc 1.450 điểm) đồng thời hướng đến vùng giá cao nhất tháng 3/2022. Trong khi, VN30 tăng mạnh 7,07% lên mức 1.594,07 điểm và vượt qua giá cao nhất lịch sử 1.587 điểm ghi nhận vào tháng 11/2021.
Sự tăng trưởng không chỉ thể hiện ở điểm số mà còn về cả thanh khoản. Theo ông Nhật, khối lượng giao dịch trên sàn HoSE đã tăng tới 41% so với tuần trước, đạt trung bình hơn 1,2 tỷ cổ phiếu/phiên. Một con số cao hơn nhiều so với mức trung bình tại thời điểm đỉnh năm 2022. Đáng chú ý, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục là điểm sáng khi giá trị mua ròng xấp xỉ 6.970 tỷ đồng trên HoSE.
Tuy nhiên, thị trường cũng thể hiện sự phân hóa rõ rệt. Dòng tiền chủ yếu tập trung vào các cổ phiếu trụ cột, có sức ảnh hưởng lớn.
"Thị trường phân hóa mạnh và nổi bật ở nhóm cổ phiếu Vingroup, thép, ngân hàng, chứng khoán và các cổ phiếu vốn hóa lớn, được hỗ trợ tốt từ động thái mua ròng của khối ngoại. Bên cạnh đó, các nhóm mã khác và nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình… lại chịu áp lực điều chỉnh," ông Nhật phân tích.
Lý giải cho tâm lý hưng phấn bao trùm thị trường, ông Nguyễn Tấn Phong, chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán Pinetree đã chỉ ra những thông tin hỗ trợ tích cực.
"Tâm lý nhà đầu tư trong tuần ghi nhận sự hưng phấn với nhiều thông tin tốt được đưa ra. Thông tin về thuế quan, nhiều nước trên thế giới bị Mỹ áp thuế đối ứng cao hơn Việt Nam; Ngân hàng Mỹ JP Morgan khuyến nghị mua cổ phiếu tại thị trường Việt Nam; Thủ tướng Chính phủ thúc đẩy nâng hạng FTSE thị trường chứng khoán Việt Nam vào tháng 9 năm nay.
Mặc dù vậy, ông Phong đưa ra góc nhìn thận trọng về bản chất của dòng vốn ngoại đang đổ vào thị trường với câu hỏi: Liệu đây có phải là "chân sóng" thực sự trước thềm nâng hạng thị trường hay không?
"Các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mạnh song chỉ tập trung phân bổ vào mã SSI, FPT và SHB và các cổ phiếu vốn hóa trung bình, điều này hơi trái ngược khi đây là thời điểm trước thềm nâng hạng thị trường,” ông Phong chỉ ra.
Chuyên gia từ Pinetree nhấn mạnh thêm một điểm đáng chú ý khác là các quỹ ETF nước ngoài (như Fubon, Diamond) trong tuần qua có mức giải ngân được rất thấp so với sức mua ròng chung của khối ngoại. Điều này cho thấy lực mua ròng chung của các nhà đầu tư nước ngoài qua chưa phải đến từ việc chuẩn bị cho nâng hạng thị trường.
Phân tích này cho thấy dù dòng tiền ngoại tăng trưởng mạnh nhưng cấu trúc và mục tiêu của nó có thể chưa hoàn toàn phản ánh kỳ vọng về một đợt mua gom quy mô lớn để đón đầu câu chuyện nâng hạng.
Điều này cũng lý giải cho thực trạng "VN-Index tăng mạnh nhưng nhiều tài khoản nhà đầu tư chỉ đi ngang nếu như không mua đúng cổ phiếu", ông Phong đã chia sẻ.

Dòng tiền ngoại tăng trưởng mạnh nhưng cấu trúc và mục tiêu của nó có thể chưa hoàn toàn phản ánh kỳ vọng về một đợt mua gom quy mô lớn để đón đầu câu chuyện nâng hạng. (Ảnh: Vietnam+)
Tích cực trong ngắn hạn
Với những diễn biến hiện tại, các chuyên gia đều rằng xu hướng ngắn hạn của thị trường vẫn đang rất tích cực.
Ông Phan Tấn Nhật dự báo xu hướng ngắn hạn VN-Index có khả năng tiếp tục hướng đến vùng giá quanh 1.480 điểm.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tấn Phong cảnh báo khi thị trường tiến vào các vùng giá cao, áp lực chốt lời là điều khó tránh khỏi. Cụ thể, VN-Index đã có 4 tuần tăng liên tiếp do vậy có thể sẽ có rung lắc trong tuần tới khi các nhà đầu tư đồng loạt chốt lãi.
Dù vậy, ông Phong cũng cho rằng xác suất thị trường đảo chiều mạnh ngay lập tức là thấp: "Để đảo chiều một xu hướng trong trung hạn sẽ cần nhiều phiên phân phối hay phải tạo từ 2-3 đỉnh, trong khi VN-Index chưa có phiên phân phối nào nên xác suất có nhịp điều chỉnh mạnh là không cao."
Từ những phân tích trên, các chuyên gia đưa ra khuyến nghị nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu (đặc biệt là các mã bluechips đang thu hút dòng tiền) có thể tiếp tục nắm giữ để tối ưu hóa lợi nhuận. Tuy nhiên, việc mua đuổi các cổ phiếu đã tăng nóng cần được cân nhắc kỹ lưỡng để tránh rủi ro "đu đỉnh" ngắn hạn. Bên cạnh đó, việc thực hiện hóa lợi nhuận từng phần khi VN-Index và cổ phiếu tiệm cận các vùng kháng cự mạnh (hoặc vùng đỉnh lịch sử) cũng là chiến lược quản trị rủi ro khôn ngoan.
"Nhà đầu tư duy trì tỷ trọng hợp lý. Mục tiêu đầu tư hướng tới các mã có nền tảng cơ bản tốt, đầu ngành trong các ngành chiến lược, tăng trưởng vượt trội của nền kinh tế. Các nhà đầu tư ưu tiên nắm giữ theo xu hướng, theo dõi các áp lực bán giá cao đồng thời xem xét thực hiện hóa từng phần lợi nhuận nếu có," ông Phan Tấn Nhật nói./.