VN-Index tạm biệt năm 2024 với hiệu suất 12%

Chỉ số đại diện sàn HoSE đóng cửa phiên cuối cùng của năm 2024 ở mốc 1.266,78 điểm, tăng 12% so với đầu năm. Tính riêng năm qua, khối ngoại đã bán ròng kỷ lục 90.000 tỷ đồng.

 VN-Index có hiệu suất tăng trưởng 12% trong năm 2024. Ảnh: Nam Khánh.

VN-Index có hiệu suất tăng trưởng 12% trong năm 2024. Ảnh: Nam Khánh.

Trong phiên cuối cùng của năm 2024, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục diễn biến thận trọng. Không khí giao dịch tương đối ảm đạm khi thanh khoản trên cả 3 sàn chỉ đạt 13.000 tỷ đồng.

Dòng tiền không tìm về các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như tài chính hay bất động sản mà tập trung chủ yếu vào nhóm công nghệ, viễn thông, điện lực. Tình trạng này khiến VN-Index thiếu đi trụ đỡ và sảy chân vào cuối phiên.

Kết phiên, VN-Index giảm 5,24 điểm (-0,41%) xuống 1.266,78 điểm; HNX-Index giảm 0,71 điểm (-0,31%) xuống 227,43 điểm; UPCoM-Index ngược chiều tăng 0,05 điểm (+0,05%) lên 95,06 điểm. Với riêng VN-Index, chỉ số này chính thức kết thúc năm 2024 với mức tăng gần 137 điểm, tương đương hơn 12%.

Bảng điện tử phân hóa khá cân bằng với 396 mã giảm (gồm 20 mã giảm sàn), 838 mã giữ tham chiếu và 377 mã tăng (gồm 31 mã tăng trần).

Trong khi đó, rổ cổ phiếu vốn hóa lớn lại chứng kiến sự áp đảo của các cổ phiếu điều chỉnh. Với 18 mã giảm, 5 mã đứng giá và 7 mã tăng, chỉ số đại diện rổ lùi nhẹ gần 3 điểm xuống mốc 1.344 điểm.

Nguyên nhân khiến chỉ số lao dốc hôm nay chủ yếu đến từ nhịp điều chỉnh của các mã ngân hàng đầu ngành như CTG (-2,8%), VCB (-0,9%), BID (-1,8%), HDB (-4,3%), STB (-2,5%) và các mã khác như VHM (-0,7%), BVH (-2,5%), PLX (-1,8%), GVR (-0,7%) hay SSI (-1,5%).

Ngược lại, đà tăng của FPT (+1,3%), ACB (+1,6%), TCB (+1%), MBB (+1,2%), BCM (+1,6%), OCB (+3,6%), VPI (+2,8%), REE (+1,3%), GEE (+3,9%) và HVN (+0,5%) không đủ để bảo vệ chỉ số chính.

 VN-Index đã tăng 12% trong năm 2024. Ảnh: TradingView.

VN-Index đã tăng 12% trong năm 2024. Ảnh: TradingView.

Cổ phiếu YEG của Tập đoàn Yeah1 tiếp tục trở thành tâm điểm khi quay về trạng thái giảm sàn trong phiên 31/12. Ở phiên gần nhất, dòng tiền bắt đáy đã giúp YEG thoát áp lực bán tháo và tránh được phiên giảm sàn thứ 3 liên tiếp.

Trước khi bị bán ra dữ dội, cổ phiếu của tập đoàn truyền thông giải trí đã có 7 phiên tăng trần liên tiếp, qua đó tăng một mạch từ mốc 14.600 đồng lên 23.200 đồng/đơn vị. Sức nóng của cổ phiếu YEG chủ yếu đến từ sự thành công của các chương trình do tập đoàn này sản xuất, điển hình như Anh trai vượt ngàn chông gai.

Trái ngược, cổ phiếu TMT của CTCP Ôtô TMT (TMT Motors) có phiên tăng trần thứ 5 liên tiếp. Đây vốn là cổ phiếu có thanh khoản tương đối thấp, chỉ từ vài chục đến vài trăm triệu đồng mỗi phiên. Tuy nhiên trong 5 ngày giao dịch vừa qua, cổ phiếu này chứng kiến giá trị giao dịch khớp lệnh tăng đột biến lên vài tỷ đồng/phiên.

Trước đó, cổ phiếu TMT đã dành 4 tháng đi ngang quanh vùng giá thấp nhất 3 năm. Dù tăng mạnh hơn 40% trong 5 phiên gần đây, thị giá TMT hiện vẫn thấp hơn 40% so với đầu năm.

Khối ngoại quay đầu bán ròng gần 300 tỷ đồng hôm nay. Tính riêng trong năm nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng khoảng 90.000 tỷ đồng.

Minh Khánh

Nguồn Znews: https://znews.vn/vn-index-tam-biet-nam-2024-voi-hieu-suat-12-post1521706.html
Zalo