VN-Index giằng co dữ đội
Tranh chấp giữa phe mua và phe bán cùng dòng tiền thận trọng của nhà đầu tư tiếp tục khiến VN-Index khó xác định xu hướng.
Kể từ phiên giao dịch cuối tuần trước, đây là lần đầu tiên thị trường chứng khoán Việt Nam diễn ra yên ả và không có biến động cụ thể.
Dù có nhiều pha đảo chiều, trước sự ảnh hưởng tiêu cực từ các cổ phiếu vốn hóa lớn, VN-Index vẫn đóng cửa ở mốc 1.3050,9 điểm, giảm 2,78 điểm (-0,21%). Trong khi đó, HNX và UPCoM vẫn giữ được sắc xanh ngay từ sáng với mức tăng lần lượt là 0,87% và 1,31%.
Toàn thị trường có 534 mã tăng, 292 mã giảm, 728 mã giữ tham chiếu, 62 mã tăng trần và 9 mã giảm kịch biên độ. Dù không có sự chênh lệch rõ rệt, thanh khoản thị trường về cuối phiên tỏ ra đuối hơn so với phiên giao dịch 27/4, đạt 16.000 tỷ đồng, thấp hơn nhiều mức bình quân từ đầu năm khoảng 30.500 tỷ đồng/phiên và bình quân năm 2021 là 26.500 tỷ đồng/phiên.
Rổ VN30 đại diện cho 30 cổ phiếu lớn nhất HoSE giảm 1,15 điểm (-0,08%) với 19 mã giảm, 7 mã tăng và 4 mã giữ tham chiếu. Thanh khoản của rổ đạt 4.715 tỷ đồng, chiếm hơn 28% giá trị giao dịch của VN-Index.
FPT là mã tăng mạnh nhất trong VN30 với 2,4%, những mã có mức tăng cao (đều từ 1,4%) kế đó là HPG, VPB, TCB. Đáng chú ý, cổ phiếu VCB trong phiên chiều nay đã lấy lại được tham chiếu sau khi giảm gần 2% vào phiên sáng và từng đóng góp tiêu cực nhất đến chỉ số.
Vị trí này hiện chuyển lại cho GAS khi mã này giảm 3%. Ngoài GAS, những bluechips tác động tiêu cực nhất trên sàn HoSE là MSN, SAB, BID, VHM, MWG, VNM. Ngược lại, BCM, HPG, VPB, TCB, FPT vẫn nỗ lực làm trụ đỡ cho chỉ số.
Khối ngoại trong phiên này vẫn tích cực bán ròng trên 307 tỷ đồng. Tổng giá trị giao dịch trên cả hai sàn HoSE và HNX vượt 2.700 tỷ đồng.
VHM là mã có giá trị bán ròng cao nhất, đạt 213 tỷ đồng, gấp 3,5 lần giá trị của mã kế sau là DGC. Bên cạnh đó, VND, HBC, DIG, DXG cũng đang bị nhà đầu tư nước ngoài xả hàng mạnh.
Trong khi đó, giá trị mua ròng của HPG đạt 120,9 tỷ đồng, cao nhất phiên. Ngoài ra, khối ngoại đang đẩy mạnh thu mua NLG, HDB, VCB, HDG, VRE.
HPG còn là mã đứng đầu giá trị giao dịch toàn thị trường, ước tính khoảng 586 tỷ đồng. DIG, VPB và VHM cũng có phiên giao dịch tích cực với giá trị đều trên 400 tỷ đồng. Sự ảnh hưởng của HPG còn chuyển hướng dòng tiền và tiếp đà tăng cho nhiều cổ phiếu thép như VGS, VCA, POM.
Khác với phiên sáng, một số cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn như VHM, VIC, KDH, PDG đã thu hẹp đà sụt giảm. Cổ phiếu của NVL thậm chí lộn ngược dòng để kết thúc với mức tăng 0,49%. Tuy nhiên, ba cổ phiếu đầu cơ là DIG, CEO, L14 đều suy yếu và tiến sát đến mức giá sàn.
Tương tự ca sáng, hàng loạt cổ phiếu nhóm chế biến thủy hải sản như AAM, ANV, ACL, IDI, FMC, CMX vẫn giữ được sắc xanh hoặc tham chiếu. ABT là mã duy nhất đóng cửa tiêu cực với mức giảm 3,17%.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu phân bón, hóa chất như BFC, CSV, DCM, DGC, DPM, LAS, PMB cũng giữ được sự hấp dẫn với nhà đầu tư khi đều có mức tăng mạnh.