VN-Index giảm 82,28 điểm sáng 3/4: Cẩn trọng, tránh hoảng loạn; dài hạn còn chờ đàm phán
Cú sốc sau mức công bố thuế suất đối ứng của Mỹ khiến thị trường chứng khoán toàn cầu rực lửa. Tuy nhiên, phân tích về biến động này, kinh tế trưởng Chứng khoán SSI cho rằng khó có kịch bản mức thuế suất đối ứng kéo dài hàng năm.
Chứng khoán toàn cầu “rực lửa”, VN-Index giảm 82,28 điểm sáng 3/4
Tám tiếng đồng hồ sau thông báo của Nhà Trắng và Tổng thống Trump trên nền tảng mạng xã hội Truth Social, thị trường chứng khoán toàn cầu - hàn thử biểu của các nền kinh tế hầu hết đều đỏ lửa. Các chỉ số chứng khoán Mỹ đóng cửa trong sắc xanh khi khép lại phiên giao dịch ngày 2/4 nhưng nay dường như sẽ là đêm khó ngủ với các nhà đầu tư tại nền kinh tế số một thế giới. Ngay sau khi Tổng thống Donald Trump công bố mức thuế quan làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại toàn cầu, hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ giảm mạnh có thể gây sức ép nặng nề lên nền kinh tế Hoa Kỳ. Hợp đồng tương lai gắn với chỉ số DowJones và S&P 500 lần lượt giảm hơn 2% và 3%, trong khi hợp đồng tương lai Nasdaq 100 giảm mạnh hơn 4%. Các công ty có chuỗi cung ứng toàn cầu và phụ thuộc nhiều vào hàng nhập khẩu bị ảnh hưởng nặng nề nhất, như Apple (-7,5%), Nike (-7%), Five Below (-14%). Các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn như Tesla, Nvidia, Amazon cũng phải đối mặt với tình trạng bán tháo.
Tại châu Á, loạt chỉ số đang giảm sâu. Chỉ số Nikkei 225 có thời điểm giảm hơn 3,5% nhưng đến cuối giờ chiều mức giảm đã xuống dưới 3%. Nhiều chỉ số chứng khoán giảm trên 1% như tại sàn chứng khoán Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan… Chỉ một vài nơi như tại Đài Loan, Indonesia, chỉ số chứng khoán nhích nhẹ.
Theo chính sách thuế mới Tổng thống Trump vừa công bố, Mỹ sẽ áp thuế cơ bản 10% lên tất cả hàng nhập khẩu, không phân biệt quốc gia. Tổng thống Trump sẽ áp dụng mức thuế quan cao hơn có đi có lại đối với các quốc gia mà Mỹ có thâm hụt thương mại lớn. Sắc lệnh hôm nay cũng bao gồm thẩm quyền sửa đổi, cho phép Tổng thống Trump tăng thuế quan nếu các đối tác thương mại trả đũa hoặc giảm thuế quan nếu các đối tác thương mại thực hiện các bước quan trọng để khắc phục các thỏa thuận.

Biểu đồ thuế quan qua lại - Nguồn: Tổng thống Donald Trump qua Truth Social
Theo biểu đồ thuế quan qua lại, Mỹ xác định mức thuế quan Việt Nam áp lên hàng hóa Mỹ là 90%, Mỹ sẽ áp thuế “có đi có lại” 46% với hàng Việt Nam. Tương tự nhiều thị trường trên toàn cầu, tình trạng “hoảng loạn” cũng xảy ra trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Đóng cửa phiên giao dịch sáng ngày 3/4, VN-Index tạm đóng cửa ở mức 1.235,55, giảm 82,28 điểm, tương ứng mức giảm 6,24%. Toàn thị trường có 287 mã chứng khoán giảm kịch biên độ. Số mã chứng khoán giữ được sắc xanh đến cuối giờ sáng nay chỉ vỏn vẹn 65 mã. Giao dịch tăng cao đột biến với thanh khoản trên cả ba sàn xấp xỉ
Tổng cộng, 6 cổ phiếu đã đạt mức thanh khoản trên nghìn tỷ đồng chỉ riêng phiên sáng nay, gồm HPG, MBB, STB, TCB, SSI, FPT. Phần lớn giao dịch ở mức giá sàn, riêng cổ phiếu Sacombank giảm 4,9%. Khối ngoại bán rọng 3.185 tỷ đồng với nhiều mã chứng khoán bị bán ròng 200-300 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, lực mua rải rác ở một vài cổ phiếu.

Top cổ phiếu mua/bán ròng của khối ngoại sáng 3/4
Kinh tế trưởng Chứng khoán SSI: “Khó có kịch bản mức thuế suất đối ứng kéo dài hàng năm”
Về ngắn hạn, thông tin về việc Mỹ áp thuế cao đang cho thấy những tác động mạnh ngay tức thì tới tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Cẩn trọng nhưng cần tránh hoảng loạn cùng bán tháo. Theo các chuyên gia, tác động thực sự đến doanh nghiệp sẽ cần thời gian để phản ánh vào kết quả kinh doanh. Cùng đó, việc đàm phán còn đang mở và mức thuế suất có thể được điều chỉnh sau đó.
Theo ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng Chứng khoán SSI, danh sách các nước bị ảnh hưởng không phải là điều bất ngờ với thị trường. Bởi gần đây đại diện thương mại Mỹ đã gửi báo cáo đánh giá về ước tính thương mại quốc gia. Tuy nhiên, điểm bất ngờ là việc tính toán đưa ra những con số rất cao, như xác định Việt Nam đang áp thuế tới 90%, từ đó đưa ra mức thuế để áp dụng đối với hàng hóa Việt Nam là 46 %.
Đánh giá về tác động của mức thuế suất trên đến nền kinh tế Việt Nam, ông Hưng cho rằng đây là số khá lớn. Trong trường hợp xấu nhất, ước tính có thể tác động lên tới 7% GDP. “Tuy nhiên, con số trên không hẳn có quá nhiều ý nghĩa. Câu chuyện ở đây rộng hơn thế, bởi chính sách này không chỉ ảnh hưởng đến Việt Nam mà ảnh hưởng đến cả thế giới. Suy thoái của nền kinh tế thế giới sẽ là điều khó có thể tránh khỏi. Ảnh hưởng ở đây có thể so sánh với các giai đoạn suy thoái trước đây của kinh tế thế giới hay thời điểm phải đối mặt với đại dịch Covid 19”, ông Hưng nhận định.
Tuy vậy, kinh tế trưởng của SSI lưu ý rằng mức thuế trên là mức trần để các quốc gia đàm phán với Mỹ, không phải mức thuế sẽ được áp dụng mãi mãi. Theo quan sát của ông Hưng, Việt Nam là quốc gia duy nhất làm được rất nhiều việc trong thời gian vừa rồi để thể hiện thiện chí trong việc xử lý mối quan hệ thương mại giữa hai quốc gia. Nhiều động thái đáng chú ý thời gian qua như Việt Nam đã giảm thuế với một số mặt hàng, SpaceX đặt trung tâm Starlink tại Việt Nam hay những chuyển động tích cực trong việc dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược liên quan đến bảo vệ sở hữu trí tuệ trong các hoạt động thương mại và đầu tư sau chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Công thương đến Mỹ…
Việt Nam đã có hành động khá mạnh để thể hiện sự cam kết trong mối quan hệ thương mại. Đối với 8 trang nội dung về Việt Nam trong bản báo cáo 397 trang của Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) liệt kê chi tiết các chính sách và quy định nước ngoài mà Mỹ xem là rào cản thương mại, kinh tế trưởng SSI nhận thấy đa số các vấn đề mà phía Mỹ nêu ra đã được Việt Nam xử lý khá là nhiều.
“Ảnh hưởng trong ngắn hạn chắc chắn có. Tuy nhiên, dài hạn hơn, trong kịch bản cơ sở của tôi, chắc chắn là không có chuyện mức thuế này sẽ kéo dài hàng năm đối với các quốc gia. Dài hạn hơn, việc đàm phán giữa hai quốc gia mà dẫn đến mức thuế áp dụng đối với Việt Nam sẽ không phải 46 % mà thấp hơn, thậm chí có thể chỉ còn 10%. Ảnh hưởng đối với Việt Nam là thấp, thậm chí giống như cuộc chiến tranh thương mại khác Việt Nam cuối cùng vẫn là quốc gia có thể hưởng lợi từ xu hướng này”, ông Phạm Lưu Hưng nhận định.
Thực tế, từ cách đây hai tháng, tại phiên họp Chính phủ ngày 5/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có đánh giá biến động phức tạp của kinh tế chính trị thế giới, các đối tác thương mại lớn như Mỹ, Trung Quốc... tác động trực tiếp tới Việt Nam, nhất là xuất khẩu, sản xuất kinh doanh và yêu cầu chuẩn bị kịch bản cho khả năng chiến tranh thương mại thế giới.
Đối với tác động lên chứng khoán – hàn thử biểu của nền kinh tế, theo ông Hưng, với các thị trường mới nổi khác, đồng nội tệ yếu đi sẽ tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, ông Hưng cũng lưu ý, ở giai đoạn vừa qua, tỷ giá lại tăng, đi ngược với xu hướng giảm của đồng USD. Đồng nội tệ mất giá trước đây đang tạo bộ đệm giúp tỷ giá không phải điều chỉnh quá tiêu cực trong giai đoạn này. Dù dự trữ ngoại hối không quá cao, dư địa trong điều hành của NHNN vẫn có.
Cũng theo ông Hưng, giai đoạn thị trường chứng khoán Mỹ tăng trưởng mạnh hơn thị trường khác bắt đầu qua rồi. Kinh tế trưởng của SSI cũng lưu ý với tình hình này rủi ro lạm phát Mỹ rất cao khi việc áp thuế phản ánh vào giá cả hàng hóa. Cùng đó, xác suất tăng trưởng GDP của Mỹ quý đầu năm có khả năng âm khá lớn. Rủi ro lạm phát và rủi ro suy thoái sẽ là bài toán rất khó cho Mỹ. Do vậy, lạm phát cao sẽ không phải là điều chính quyền Trump mong muốn.
Chia sẻ với Báo Đầu tư điện tử, bà Hoàng Việt Phương – Tổng giám đốc S&I Ratings cũng đánh giá việc áp thuế đối ứng có thể gây ra những phản ứng dây chuyền từ các nền kinh tế khác, ảnh hưởng đến dòng vốn và tâm lý đầu tư toàn cầu. Tuy nhiên, bối cảnh biến động cũng có thể sinh ra tình huống thú vị là dòng vốn bắt đầu có dấu hiệu rút khỏi thị trường Mỹ - vốn là điểm đến chủ lực của dòng vốn đầu tư thời gian qua - do lo ngại chính sách không ổn định. Diễn biến này cũng có thể mở ra kỳ vọng về sự dịch chuyển dòng vốn sang các thị trường mới nổi.
Thời điểm ngày 8-9/4 tới đây sẽ là những phiên giao dịch cần quan tâm trên thị trường chứng khoán. FTSE Russell sẽ công bố báo cáo phân loại thị trường vào ngày 9/4. Khả năng thị trường Việt Nam được chính thức nâng hạng trong kỳ tháng 3/2025 là không cao do thông thường kỳ báo cáo tháng 9 mới là thời điểm công bố quyết định nâng hạng. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn -những thay đổi từ nội tại thị trường được các tổ chức cũng như nhà đầu tư nước ngoài ghi nhận khi tiếp cận thị trường Việt Nam sẽ là thông tin tích cực cho thị trường. Theo tiết lộ của cơ quan quản lý mới đây trong thông báo thay đổi ngày hiệu lực áp dụng của việc cập nhật tỷ lệ free-float, khối lượng lưu hành và giới hạn tỷ trọng vốn hóa của Bộ chỉ số HOSE-Index, hệ thống KRX dự kiến chính thức vận hành vào ngày 5/5. Cùng với lộ trình nâng hạng, việc áp dụng hệ thống giao dịch mới cũng là điều các nhà đầu tư Việt Nam mong chờ nhiều năm qua.