VN-Index có thể đạt 1.400 điểm năm sau
Các chuyên gia dự báo thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đạt 9/9 tiêu chí nâng hạng vào tháng 9/2025. Dự báo, chỉ số VN-Index năm 2025 có thể lên cao nhất 1.400 điểm.
Tại Hội thảo VPBankS Talk 4 “Vững vàng vượt sóng gió” do Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) tổ chức mới đây, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vũ Hữu Điền đánh giá 2024 là năm không hề dễ dàng với các nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam khi khối ngoại bán ròng hơn 3,1 tỷ USD (khoảng 90.000 tỷ đồng) sau 11 tháng, mức kỷ lục trong 24 năm hoạt động của thị trường Việt Nam.
Chỉ số VN-Index thì phần lớn đi ngang trong biên độ 1.200-1.300 điểm, gây nhiều khó khăn cho nhà đầu tư.
“Tuy nhiên, các dữ liệu gần đây cho thấy kinh tế Việt Nam đang phục hồi trở lại và có mức tăng trưởng tương đối cao. Chúng tôi kỳ vọng tổng lợi nhuận của toàn doanh nghiệp niêm yết tăng 20% năm 2024 và tăng 20-25% năm 2025. Song việc này sẽ còn phục thuộc vào việc Mỹ đánh thuế ra sao và Fed cắt giảm lãi suất nhanh hay chậm”, ông Điền cho biết.
VN-Index có thể đạt 1.400 điểm năm 2025
Nhận định về triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam năm tới, Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS Trần Hoàng Sơn cho rằng điểm nhấn lớn nhất là các ngân hàng trung ương toàn cầu chuyển chính sách từ thắt chặt sang nới lỏng. Theo đó, 70% ngân hàng trung ương thế giới đã đưa ra quyết định hạ lãi suất. Điều đó tác động tích cực đến thị trường tài sản đầu tư.
Trong lịch sử ghi nhận mỗi chu kỳ hạ lãi suất của Fed, nếu không có suy thoái thì S&P 500 thường tăng. Chứng khoán Mỹ cũng phản ứng mạnh với diễn biến kinh tế.
Và cũng sau mỗi kỳ bầu cử thì thị trường chứng khoán Mỹ thường tăng khoảng 9% trong 1 năm sau đó. Vì thế, kỳ vọng về việc chứng khoán Mỹ sẽ tiếp tục đi lên sau kỳ bầu cử tháng 11 vừa qua là có cơ sở.
Với thị trường Việt Nam, chuyên gia cho rằng hiện vẫn đang ở giai đoạn phản ứng, có thể đối mặt bẫy giảm giá hoặc tiếp tục rung lắc vào đầu năm 2025.
Cũng theo vị chuyên gia, trong giai đoạn 2025-2027, "con sóng" Việt Nam gia nhập vào Tổ chức thương mại thế giới (WTO) có thể thu hút 2-3 tỷ USD cho thị trường. "Con sóng" trước đó là giai đoạn sóng thoái vốn Nhà nước (2016-2018).
“Chúng tôi kỳ vọng thị trường đang ở con sóng lớn thứ 3 là giai đoạn 2023-2024 và kỳ vọng sóng tiếp theo nâng hạng thị trường ở nửa cuối 2025”, ông Sơn chia sẻ.
Với kịch bản nâng hạng, hiện Việt Nam đã đạt 7/9 tiêu chí FTSE. Cơ quan này cũng đánh giá cao Việt Nam khi đưa Thông tư 68 để nhà đầu tư nước ngoài giao dịch không cần ký quỹ. FTSE cho biết sẽ tiếp tục thu thập ý kiến phản hồi từ các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài trong vài tháng tới để đánh giá tính hiệu quả và sự ổn định của quy định mới này.
Chuyên gia VPBankS dự báo thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đạt 9/9 tiêu chí vào tháng 9/2025.
“Nếu được nâng hạng, Việt Nam có thể huy động 1,7 tỷ USD vốn thụ động, 6-7 tỷ USD vốn chủ động. Do đó, trong năm 2025 thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có bước ngoặt quan trọng, hút được vốn lớn và kích hoạt vốn trong nước. Có thể nửa đầu năm nhiễu động nhưng cuối năm thăng hoa, dự báo VN-Index lên cao nhất năm ở 1.400 điểm. Cơ hội tích lũy cổ phiếu giá rẻ sẽ vào giai đoạn nửa đầu năm”, Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS nhận định.
Áp lực tỷ giá có thể trở lại
Ngoài ra, ông Sơn cũng cho rằng trong năm 2025, nếu chính quyền ông Trump tăng thuế quan với hàng nhập khẩu vào Mỹ, tỷ giá sẽ tác động nhiều thị trường, trong đó có Việt Nam. Dự báo tỷ giá USD/VND năm 2025 biến động trong biên độ 3%.
Đồng quan điểm, ông Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU), chuyên gia kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS), cho rằng tỷ giá USD/VND trong những năm trước đây chủ yếu phụ thuộc vào thâm hụt thương mại và chênh lệch lãi suất thế giới với trong nước.
Những năm qua, Việt Nam đã giải quyết được vấn đề thâm hụt thương mại, thặng dư mang về khá tốt. Tuy nhiên, chênh lệch lãi suất là vấn đề gây ra bất ổn về tỷ giá. Chênh lệch lãi suất thường kéo theo việc rút dòng vốn. Thời gian tới có thêm ẩn số nữa là chính sách thuế quan của ông Trump.
Khi áp dụng thuế quan ít nhiều sẽ chuyển thuế vào giá tiêu dùng. Ông Trump tuyên bố không khiến dân Mỹ phải chịu thuế mà để cho nhà xuất khẩu chịu, song chuyên gia kinh tế trưởng VESS cho rằng đó là điều không thể. Các nhà sản xuất sẽ ít nhiều chuyển phần thuế này vào giá bán sản phẩm. Điều đó sẽ khiến lạm phát của Mỹ kéo dài lâu hơn và lãi suất khó giảm nhanh.
Vấn đề tỷ giá có thể căng thẳng trở lại và là ẩn số cần theo dõi trong năm 2025
Ông Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU)
Điêùi này cũng kéo theo việc ngân hàng trung ương các nước đối tác thương mại của Mỹ cũng phải chậm giảm lãi suất hơn vì họ không muốn đồng tiền mất giá quá nhiều. Đây là những lý do khiến vấn đề tỷ giá có thể căng thẳng trở lại và ẩn số cần theo dõi.
Về mặt bằng lãi suất cho vay, ông Thế Anh đánh giá chỉ tiêu này khó có cơ hội giảm trong năm 2025, thậm chí mặt bằng sẽ tăng nhẹ. Bởi nếu so với trước dịch Covid-19, lãi suất cho vay hiện nay đã thấp hơn rất nhiều.
Cùng nhận định, Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS Trần Hoàng Sơn cho rằng trong năm 2025 với những biến động chưa thể xác định, khả năng đồng USD tăng thì Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn duy trì lãi suất thấp trong nửa đầu năm.
Nếu tỷ giá tăng mạnh, lạm phát tăng và tăng trưởng tín dụng cao trở lại thì lãi suất sẽ nhích dần vào cuối năm.