VN-Index ảm đạm phiên giao dịch đầu năm
Chỉ số giằng co tại vùng 1.270 điểm, VN-Index ghi nhận mức thanh khoản khiêm tốn khi chỉ đạt gần 11.000 tỷ đồng ngay phiên giao dịch đầu năm mới.
Phiên đầu năm 2025 (2/1) chứng khiến thị trường chứng khoán (TTCK) tăng nhẹ gần 3 điểm (0,23%), áp sát mốc 1.270 điểm, chốt phiên với 1.269,7 điểm.
Thanh khoản khiêm tốn, đạt gần 11.000 tỷ đồng, tương đương với mức thanh khoản các phiên vào thời điểm cuối năm 2024. Kết phiên, tại sàn HOSE, có 239 mã tăng (5 mã tăng trần), 164 mã giảm (14 mã nằm sàn) và 74 mã đi ngang.
Mở đầu phiên sáng tích cực, thị trường nhanh chóng chìm vào sắc đỏ, kéo dài tới giữa phiên chiều, chỉ số phục hồi trở lại khi nhóm blue-chips thu hẹp đà giảm.
Song, lực kéo này chỉ đủ giúp VN-Index quay về số điểm gần như ngang với phiên cuối năm. Nguyên nhân được cho là ba nhóm ngành có vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán gồm bất động sản, ngân hàng và chứng khoán đều có diễn biến không mấy bứt phá.
Một số mã đóng vai trò làm trụ giúp nâng chỉ số quay về "sắc xanh", gồm: HPG (Thép Hòa Phát, HOSE) tăng 1,31%; MSN (Masan, HOSE) tăng 1,14%; VCB (Vietcombank, HOSE) tăng 0,77%; GMD (Gemadept, HOSE) tăng 1,53%;...
Nhóm cổ phiếu tác động mạnh tới chỉ số phiên 2/1/2025
Ngoài ra, các nhóm ngành khác như vận tải, xây dựng, thép, chăn nuôi duy trì mức tăng khả quan với VTP (Viettel Post, HOSE), DBC (Dabaco, HOSE), HAG (Hoàng Anh Gia Lai, HOSE),…
Rổ VN30 có sự phân hóa mạnh khi chỉ số chung giảm hơn 1,5 điểm với 12 mã tăng, 11 mã giảm và 7 mã đi ngang, thậm chí vào đầu phiên, chỉ số chung VN30 đã có lúc giảm tới 9 điểm khi áp lực bán xuất hiện, tập trung ở các mã ngân hàng: HDB (HDBank, HOSE), ACB (ACB, HOSE), VPB (VPBank, HOSE).
Còn ở khối ngoại, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng, xả cổ phiếu vào dịp đầu năm, nhưng ở mức vừa phải, khoảng 99 tỷ đồng với tâm điểm là cổ phiếu công nghệ FPT (FPT, HOSE).
Diễn biến điều chỉnh đã được nhiều chuyên gia đưa ra dự báo trước đó, chủ yếu xuất phát từ tâm lý "giữ tiền" trong thời gian trước và sau kỳ nghỉ Tết Âm lịch của nhà đầu tư, vì vậy, xu hướng này khả năng sẽ còn có thể kéo dài từ giờ tới thời điểm sau Tết Âm lịch. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để giới đầu tư nắm bắt những cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng dài hạn và tiềm năng trong năm tới, tập trung ở các nhóm như: công nghệ, bán lẻ, ngân hàng,…
Ở diễn biến khác, hôm nay (2/1), tại buổi lễ khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu tiên năm 2025, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã nhận được 6 chỉ đạo quan trọng từ Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng.
Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và các văn bản liên quan đến Luật Chứng khoán. Đặc biệt, các đơn vị cần sớm triển khai hệ thống công nghệ thông tin mới (KRX) nhằm đảm bảo sự đồng bộ trong các giao dịch. Đồng thời, Bộ trưởng nhấn mạnh việc tăng cường thanh tra và xử lý nghiêm các sai phạm trên TTCK, từ đó, giúp hạn chế tác động tâm lý tiêu cực từ tin đồn và thông tin không chính thức, thu hẹp khoảng cách giữa TTCK Việt Nam và thế giới.
Tất cả điều đó góp phần giúp Việt Nam rút ngắn được thời gian hơn nữa trên hành trình nâng hạng TTCK, tạo tiền để tăng trưởng cho TTCK Việt Nam trở nên hấp dẫn, thu hút dòng vốn nước ngoài.