VKSND tối cao tập huấn về xây dựng sơ đồ tư duy
Sáng 10/9, VKSND tối cao đã tổ chức Hội nghị tập huấn xây dựng sơ đồ tư duy trong thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự. Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Bí thư Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng VKSND tối cao dự và chỉ đạo Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có lãnh đạo và toàn thể công chức các đơn vị thuộc VKSND tối cao: Vụ 1, Vụ 2, Vụ 3, Vụ 4, Vụ 5, Vụ 6, Vụ 7, Cục 1; đại diện lãnh đạo, công chức làm công tác giải quyết án hình sự một số đơn vị thuộc VKSND tối cao; các VKSND cấp cao; Viện kiểm sát quân sự các cấp; VKSND cấp tỉnh; VKSND cấp huyện…
Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại trụ sở VKSND tối cao, kết nối đến các điểm cầu trực tuyến trong hệ thống của ngành KSND.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Viện trưởng VKSND tối cao nhấn mạnh, sơ đồ tư duy và sử dụng sơ đồ tư duy trong công tác giải quyết án hình sự được coi là một phương pháp làm việc mới, khoa học, hiệu quả, giúp lãnh đạo, Kiểm sát viên nắm bắt nhanh chóng, chính xác bản chất hành vi phạm tội và những vấn đề cần chứng minh của vụ án; làm chủ hệ thống chứng cứ, tài liệu để định hướng điều tra, quyết định truy tố và tranh tụng tại phiên tòa.
Sơ đồ tư duy được áp dụng đối với các vụ án hình sự có quy mô lớn, phạm vi rộng, tính chất, mức độ hành vi phạm tội phức tạp, hậu quả thiệt hại lớn, nhiều bị can, nhiều bị hại; các vụ án dư luận xã hội quan tâm…
Cùng với đó, kỹ năng thiết lập và sử dụng thuần thục sơ đồ tư duy sẽ là một trong những giải pháp quan trọng, thiết thực để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết án hình sự của ngành Kiểm sát nhân dân hiện nay. Mục đích nhằm góp phần nắm chắc tiến độ, kết quả chứng minh vụ án để đưa ra yêu cầu điều tra, quyết định truy tố, tranh tụng tại phiên tòa, bảo đảm xử lý đúng người, đúng tội, không oan sai, không bỏ lọt tội phạm, người phạm tội. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để thiết lập, sử dụng sơ đồ tư duy trong giải quyết các vụ án hình sự.
Theo đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến, việc tổ chức Hội nghị tập huấn nhằm phổ biến kịp thời, đầy đủ các nội dung hướng dẫn nghiên cứu xây dựng sơ đồ tư duy trong thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự để triển khai, tổ chức thực hiện thực chất, hiệu quả; đồng thời, trao đổi kinh nghiệm, thảo luận để giải đáp khó khăn, vướng mắc trong quá trình nghiên cứu, tổ chức thực hiện.
Việc tổ chức Hội nghị tập huấn còn là cơ sở góp phần rút ra những kinh nghiệm, phương pháp nhằm tổ chức Cuộc thi về sơ đồ tư duy trong ngành Kiểm sát nhân dân tại 3 Cụm thời gian tới được tốt hơn.
Đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến yêu cầu, các đại biểu dự Hội nghị nghiêm túc tiếp thu kiến thức, nội dung các chuyên đề. Sau Hội nghị, thủ trưởng các đơn vị, lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp tiếp tục quán triệt, triển khai các nội dung chuyên đề tại Hội nghị đến toàn thể lãnh đạo, Kiểm sát viên trong đơn vị, nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của cơ quan, đơn vị trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, đồng chí Hồ Đức Anh, Kiểm sát viên VKSND tối cao, Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế (Vụ 3), VKSND tối cao đã trình bày chuyên đề: “Một số vấn đề về lý luận của sơ đồ tư duy trong giải quyết vụ án hình sự và kinh nghiệm, kỹ năng về xây dựng sơ đồ tư duy trong giải quyết các vụ án kinh tế, chức vụ”.
Về kỹ năng xây dựng sơ đồ tư duy vụ án hình sự, lãnh đạo Vụ 3 cho biết, để bảo đảm chất lượng và hiệu quả trong nghiên cứu, xây dựng, ứng dụng sơ đồ tư duy trong thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố vụ án hình sự, sau khi lựa chọn được vụ án cần xây dựng sơ đồ tư duy, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, công chức tiến hành xây dựng sơ đồ tư duy theo 5 bước.
Cụ thể, bước 1: Xác định được mục đích của sơ đồ tư duy là gì? Loại sơ đồ tư duy nào sẽ được sử dụng để xây dựng sơ đồ. Ví dụ, sơ đồ đề xuất khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can; sơ đồ tổng hợp chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội đối với bị can chối tội…
Bước 2: Nghiên cứu kỹ chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án hình sự.
Bước 3: Lựa chọn thông tin, từ khóa chính, quan trọng để làm rõ mục đích của sơ đồ tư duy mà Kiểm sát viên, Kiểm tra viên đang xây dựng.
Bước 4: Lựa chọn công cụ để xây dựng sơ đồ tư duy và hoàn thiện sơ đồ tư duy.
Bước 5: Đánh giá những vấn đề được gợi mở từ sơ đồ tư duy. Ví dụ, trên cơ sở dữ liệu từ khóa đã được thể hiện trên sơ đồ, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên được phân công có thể xác định được những vấn đề, nội dung để định hướng điều tra, yêu cầu Cơ quan điều tra cung cấp, bổ sung hoặc đề ra yêu cầu điều tra.
Hội nghị cũng nghe đồng chí Lê Minh Long, Kiểm sát viên VKSND tối cao, Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án trật tự xã hội (Vụ 2), VKSND tối cao trình bày chuyên đề: “Một số kinh nghiệm và kỹ năng về xây dựng Sơ đồ tư duy trong giải quyết các vụ án trật tự xã hội”.
Đồng chí Nhiếp Văn Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin (Cục 2), VKSND tối cao trình bày chuyên đề “Kỹ năng sử dụng phần mềm xây dựng Sơ đồ tư duy trong giải quyết vụ án hình sự”.
Hội nghị cũng nghe tham luận của một số đơn vị như: VKSND cấp cao tại Hà Nội; VKSND Thành phố Hồ Chí Minh về một số kinh nghiệm và kỹ năng xây dựng sơ đồ tư duy trong giải quyết vụ án hình sự.
Tiếp đó, Hội nghị đã nghe đồng chí Hồ Đức Anh, Vụ trưởng Vụ 3, VKSND tối cao giải đáp một số khó khăn, vướng mắc và kết luận Hội nghị.
Đồng chí Vụ trưởng Vụ 3 Hồ Đức Anh cho biết, sau một buổi sáng diễn ra, Hội nghị đã hoàn thành toàn bộ chương trình theo yêu cầu, kế hoạch đề ra.
Khẳng định sẽ tiếp thu toàn bộ ý kiến chỉ đạo của đồng chí Viện trưởng, đồng chí Vụ trưởng Vụ 3 Hồ Đức Anh đề nghị, sau Hội nghị và trong thời gian tới, người đứng đầu các đơn vị, VKS các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và ứng dụng sơ đồ tư duy trong giải quyết án hình sự nhằm cải tiến phương pháp làm việc, lề lối làm việc, văn hóa làm việc của cơ quan, đơn vị và của toàn ngành Kiểm sát nhân dân.
Bên cạnh đó, người đứng đầu các đơn vị, VKS các cấp cần triển khai ngay các biện pháp, giải pháp cụ thể; tiếp tục đẩy công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, Kiểm sát viên về kỹ năng nghiên cứu tài liệu, ứng dụng sơ đồ tư duy trong giải quyết án; đồng thời, chú ý lựa chọn phần mềm, đảm bảo tính bảo mật; quan tâm đầu tư, trang thiết bị cho lĩnh vực này…