VKSND Tối cao rút kinh nghiệm việc xét xử vụ án liên quan đến khai hoang rừng cấm
Theo VKSND Tối cao, hai thửa đất mà gia đình ông G khai hoang sử dụng có nguồn gốc là rừng cấm, không được sự chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, là hành vi lấn, chiếm đất đai…
Mới đây, VKSND Tối cao ban hành thông báo rút kinh nghiệm vụ án khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai giữa người khởi kiện là ông G với người bị kiện là UBND huyện C.

Hình minh họa. Ảnh: YC
Nội dung vụ án
Ngày 8-6-2020, ông G có đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) đối với 2 thửa đất thuộc huyện C, tỉnh T.
Ngày 22-6-2020, Chủ tịch UBND huyện C ban hành Văn bản số 1986 với nội dung không có cơ sở xem xét giải quyết đề nghị cấp GCN của gia đình ông G.
Không đồng ý, ông G khởi kiện yêu cầu hủy Văn bản số 1986 và buộc UBND huyện C cấp GCN cho gia đình ông.
Xử sơ thẩm tháng 11-2021, TAND tỉnh T chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông G, hủy một phần Văn bản số 1986 (phần không cấp giấy 1 thửa đất). Tòa buộc UBND huyện C thực hiện nhiệm vụ công vụ giải quyết hồ sơ và cấp giấy cho hộ gia đình ông G với một thửa đất.
Ông G có đơn kháng cáo yêu cầu chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông. VKSND tỉnh T kháng nghị theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông G. Trong khi đó, UBND huyện C kháng cáo đề nghị bác yêu cầu khởi kiện của ông G.
Xử phúc thẩm tháng 6-2022, HĐXX bác kháng cáo của UBND huyện C; chấp nhận kháng cáo của ông G buộc UBND huyện C thực hiện nhiệm vụ công vụ tiếp nhận hồ sơ, làm thủ tục cấp GCN đối với cả 2 thửa đất.
Sau đó, Chánh án TAND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm. Ngày 28-3-2025, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy cả hai bản án sơ và phúc thẩm.
Những vấn đề cần rút kinh nghiệm
Theo VKSND Tối cao, tòa án cấp sơ thẩm và tòa án cấp phúc thẩm nhận định, đánh giá không đúng với thực tế về nguồn gốc, quá trình sử dụng đất của ông G nên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông G là không đúng quy định của pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước quản lý về đất đai.
Cụ thể, hai thửa đất mà gia đình ông G khai hoang sử dụng có nguồn gốc là rừng cấm huyện C thuộc đặc khu C vào năm 1985 và Nhà nước đã quản lý liên tục. Việc gia đình ông G sử dụng đất cấm huyện C và do UBND huyện C quản lý là rừng cấm Quốc gia (sau này là rừng phòng hộ) mà không được sự chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là hành vi lấn, chiếm đất đai.
Gia đình ông G không có các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất được quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 và Điều 18 Nghị định 43/2014 hướng dẫn Luật Đất đai. Tại thời điểm ông G khởi kiện yêu cầu UBND huyện C cấp GCN thì các thửa đất này không còn là đất rừng phòng hộ và được quy hoạch một phần nằm trong lộ giới giao thông, phần còn lại là đất thương mại dịch vụ và đất ở.
Điểm c khoản 2 Điều 22 Nghị định 43/2014 quy định về việc xem xét cấp GCN đối với trường hợp sử dụng đất lấn, chiếm đã được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất cho các nông trường, lâm trường quốc doanh, ban quản lý rừng, trạm, trại, công ty nông nghiệp, lâm nghiệp và nay đang sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp hoặc làm nhà ở và không thuộc quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, xây dựng công trình hạ tầng công cộng.
Tuy nhiên, trong hồ sơ vụ án các tài liệu, chứng cứ thể hiện hai thửa đất thuộc quyền quản lý của nhà nước, không có văn bản hay quyết định nào của UBND tỉnh T hoặc UBND huyện C giao đất không thu tiền sử dụng đất cho bất kỳ nông trường, lâm trường quốc doanh hay tổ chức, cá nhân nào sử dụng nên trường hợp của ông G không được áp dụng quy định nêu trên.
VKSND cấp sơ thẩm, phúc thẩm không phát hiện kịp thời để thực hiện quyền kháng nghị hoặc báo cáo đề nghị VKSND cấp có thẩm quyền kháng nghị theo quy định là thiếu sót.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát, VKSND Tối cao thông báo đến VKSND các cấp cùng tham khảo và rút kinh nghiệm khi kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính tương tự.