VKSND hai cấp tỉnh Thanh Hóa thực hiện tốt công tác kiểm sát giải quyết án dân sự

Mới đây, tại Hội nghị triển khai công tác năm 2025 của ngành Kiểm sát Thanh Hóa, đồng chí Phạm Thị Hoàn, Trưởng phòng 9, VKSND tỉnh Thanh Hóa đã có bài tham luận về phương pháp, biện pháp cũng như kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát giải quyết án dân sự.

Những kết quả nổi bật

Trong những năm qua và năm 2024, VKSND hai cấp tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực nâng cao hiệu quả kiểm sát việc giải quyết án dân sự, với mục tiêu bảo đảm việc áp dụng đúng pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức; đồng thời, ngăn ngừa các vi phạm pháp luật. Trong năm, VKSND hai cấp trong tỉnh đã trực tiếp kiểm sát 6.723 bản án, quyết định sơ thẩm, phúc thẩm của TAND hai cấp. Đồng thời, ban hành 26 kháng nghị; đã xét xử 18 vụ kháng nghị được Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận 18/18 vụ, đạt 100%. Cùng với đó, ban hành 119 kiến nghị, các kiến nghị đều có văn bản tiếp thu sửa chữa, đạt tỷ lệ 100%; ban hành 275 văn bản yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ, đạt tỷ lệ 100%.

 Đồng chí Phạm Thị Hoàn, Trưởng phòng 9, VKSND tỉnh Thanh Hóa tham luận tại Hội nghị triển khai công tác năm 2025 của ngành Kiểm sát Thanh Hóa.

Đồng chí Phạm Thị Hoàn, Trưởng phòng 9, VKSND tỉnh Thanh Hóa tham luận tại Hội nghị triển khai công tác năm 2025 của ngành Kiểm sát Thanh Hóa.

Theo đồng chí Phạm Thị Hoàn, ngoài việc hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ theo hệ thống chỉ tiêu, Phòng 9 còn tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, đột phá. Cụ thể, VKSND tỉnh đã ban hành 24 Thông báo rút kinh nghiệm, tổng hợp 21 Thông báo rút kinh nghiệm dưới dạng sơ đồ tư duy để giúp các VKSND cấp huyện thuận tiện hơn trong việc nghiên cứu. Tiến hành rà soát, thẩm định 2 đợt bài phát biểu với tổng số 214 bài, đã ban hành Thông báo rút kinh nghiệm.

Cùng với đó là công tác rà soát, thẩm định 2 đợt các vụ việc tạm đình chỉ, với tổng số vụ việc, đề nghị đưa ra giải quyết 127 vụ việc/299 vụ việc tạm đình chỉ. Từ đó, ban hành kiến nghị đến Chánh án Tòa án, Văn phòng và chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai, Chủ tịch UBND cấp huyện, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, về công tác cung cấp tài liệu, hồ sơ liên quan, công tác quản lý, lưu trữ hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tiến hành rà soát, thẩm định 58 kiến nghị phòng ngừa vi phạm của cấp huyện, đã ban hành thông báo rút kinh nghiệm.

Đối với công tác thực hiện Đề tài khoa học cấp cơ sở về kiểm sát giải quyết án dân sự đã có kết quả tích cực. Hiện, đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu Đề tài khoa học VKSND tối cao đánh giá, thống nhất xếp loại xuất sắc...

Tập thể Phòng 9 VKSND tỉnh được tặng Cờ thi đua của ngành.

Tập thể Phòng 9 VKSND tỉnh được tặng Cờ thi đua của ngành.

Với những kết quả nổi bật trên, tập thể Phòng 9 VKSND tỉnh đã được công nhận là Tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được tặng Cờ thi đua của Ngành.

Giải pháp nâng cao chất lượng

Để đạt được những kết quả trên, đồng chí Trưởng phòng 9, VKSND tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Hoàn khẳng định, VKSND hai cấp tỉnh Thanh Hóa đã áp dụng nhiều giải pháp, biện pháp cụ thể để nâng cao chất lượng khâu công tác này.

Trước hết là, việc đổi mới phương thức quản lý, chỉ đạo, xác định rõ trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị. Viện trưởng VKSND cấp huyện phải chủ trì tổ chức thực hiện các nội dung công tác kiểm sát án dân sự; Trực tiếp nghe và cho ý kiến cuối cùng đối với báo cáo án; đề xuất kiến nghị, kháng nghị dân sự, hôn nhân gia đình.

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên đề, toàn diện về công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự. Tất cả Kiểm sát viên đều thực hiện công tác kiểm sát dân sự, hôn nhân gia đình. Đối với các vụ việc khó, phức tạp, phân công 1 Kiểm sát viên có năng lực, kinh nghiệm kèm các Kiểm sát viên khác. Năm 2024, lãnh đạo VKSND tỉnh cùng các Kiểm sát viên Phòng 9 đã trực tiếp làm việc và thanh tra chuyên đề dân sự với 11 VKSND huyện, với nhiệm vụ chính là phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm sát dân sự.

Việc tăng cường nhận diện vi phạm trong việc giải quyết các vụ án dân sự được quan tâm, VKSND tỉnh tăng cường ban hành thông báo rút kinh nghiệm đối với án hủy, sửa có lỗi của cấp sơ thẩm, tổng hợp thành chuyên đề án hủy, sửa, chủ yếu tập trung phân tích rõ vi phạm của bản án để dễ dàng nhận diện dạng vi phạm. Trong năm, VKSND tỉnh đã nhận diện được 26 dạng vi phạm điển hình của TAND 2 cấp; 6 dạng vi phạm điển hình của UBND các cấp, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và các chi nhánh. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bản án, quyết định bị hủy, sửa.

Các công chức, Kiểm sát viên Phòng 9, VKSND tỉnh Thanh Hóa tại phòng làm việc.

Các công chức, Kiểm sát viên Phòng 9, VKSND tỉnh Thanh Hóa tại phòng làm việc.

Viện kiểm sát hai cấp chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các cán bộ, Kiểm sát viên nhằm nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ; đặc biệt chú trọng các hình thức tự đào tạo để công chức nắm toàn diện các khâu công tác nhưng bảo đảm chuyên sâu trong lĩnh vực kiểm sát án hành chính, dân sự, xây dựng kế hoạch phân công kèm cặp, bồi dưỡng, đào tạo tại chỗ theo hướng “cầm tay chỉ việc” cho công chức trẻ, mới được bổ nhiệm chức danh tư pháp hoặc mới được điều chuyển làm công tác này.

Tổ chức các cuộc thi nhằm nâng cao kỹ năng phát hiện vi phạm trong việc giải quyết các vụ án dân sự. Hàng tháng, yêu cầu VKSND cấp huyện tổ chức sinh hoạt chuyên đề về kiểm sát dân sự với các nội dung, như: Trao đổi, thảo luận các văn bản hướng dẫn; Thông báo rút kinh nghiệm của Vụ 9, Vụ 14 VKSND tối cao, VKSND cấp cao, VKSND tỉnh để các Kiểm sát viên, công chức đều nắm vững các nội dung cấp trên hướng dẫn, rút kinh nghiệm; các khó khăn, vướng mắc ở đơn vị.

Tiếp tục phát huy những việc đã làm tốt trong năm 2024, VKSND tỉnh Thanh Hóa đã đặt ra những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong năm 2025 để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng bài phát biểu và tăng cường công tác rà soát các vụ việc đang tạm đình chỉ, nhất là đối với các vụ án tạm đình chỉ kéo dài.

Một số kiến nghị, đề xuất

Nhằm nâng cao chất lượng của khâu công tác này, tại Hội nghị triển khai công tác năm 2025 của ngành Kiểm sát Thanh Hóa, đồng chí Phạm Thị Hoàn đã mạnh dạn đưa ra một số kiến nghị, đề xuất.

Theo đó, đồng chí Trường phòng 9 đề nghị lãnh đạo VKSND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục quan tâm, ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo; cũng như tiếp tục tổ chức các cuộc thanh tra chuyên đề, kiểm tra trực tiếp về công tác kiểm sát giải quyết án dân sự, có trọng tâm, trọng điểm tại các VKSND cấp huyện; tiếp tục ban hành Kế hoạch rà soát thẩm định Bài phát biểu, các vụ việc tạm đình chỉ.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Viện tiếp tục quan tâm đến công tác tổ chức cán bộ, sắp xếp vị trí việc làm phù hợp với năng lực, sở trường của từng cá nhân; có chế độ khen thưởng, động viên kịp thời đối với cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác trọng tâm, đột phá.

Đinh Huê

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/thuc-tien-kinh-nghiem/vksnd-hai-cap-tinh-thanh-hoa-thuc-hien-tot-cong-tac-kiem-sat-giai-quyet-an-dan-su-170791.html
Zalo