VinSpeed tăng vốn lên 15.000 tỷ đồng, đẩy mạnh kế hoạch đầu tư đường sắt cao tốc
Công ty CP Đầu tư và Phát triển đường sắt cao tốc VinSpeed doanh nghiệp do tỷ phú Phạm Nhật Vượng sáng lập vừa tăng vốn điều lệ từ 6.000 tỷ đồng lên 15.000 tỷ đồng. Thông tin được công bố trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Cơ cấu cổ đông hiện không thay đổi.
Theo đó, ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT VinSpeed đã hai lần góp vốn bằng cổ phiếu VIC trong tháng 6 và tháng 7, với tổng cộng 135,6 triệu cổ phiếu. Tại thời điểm chuyển giao, số cổ phiếu này có giá trị khoảng 12.750 tỷ đồng. Tính từ đầu năm 2025 đến nay, cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup đã tăng 180%, đạt mức 114.000 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 16/7.
Song song với việc tăng vốn, VinSpeed đang đẩy mạnh tuyển dụng nhân sự cho nhiều vị trí quan trọng như Giám đốc tài chính dự án, kỹ sư BIM cấp cao, trưởng phòng BIM, chuyên viên cấp cao chuyển giao công nghệ... nhằm phục vụ các kế hoạch triển khai các tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Giờ và Hà Nội - Quảng Ninh. Riêng với tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam, doanh nghiệp đang chờ quyết định phê duyệt chủ đầu tư từ phía Chính phủ.

VinSpeed được thành lập vào tháng 5/2025, với ngành nghề đăng ký chính là xây dựng công trình đường sắt, sản xuất đầu máy xe lửa, toa xe... Doanh nghiệp có vốn sở hữu từ 5 cổ đông, trong đó ông Phạm Nhật Vượng nắm 51% vốn, Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (VIG) sở hữu 35%, Vingroup nắm 10%, và hai con trai của ông Vượng là Phạm Nhật Quân Anh và Phạm Nhật Minh Hoàng mỗi người nắm 1%.
Đáng chú ý, ngày 14/5/2025, VinSpeed chính thức đăng ký đầu tư tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 1,6 triệu tỷ đồng, tương đương 61,35 tỷ USD, chiếm khoảng 13% GDP Việt Nam tính đến cuối năm 2024. Mức vốn này chưa bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ di dời và tái định cư để giải phóng mặt bằng.
Theo đề xuất, VinSpeed sẽ tự thu xếp 20% tổng vốn đầu tư, tương đương 12,27 tỷ USD (khoảng 312.330 tỷ đồng), phần còn lại (80%) sẽ được vay từ Nhà nước với cơ chế không tính lãi suất trong 30-35 năm kể từ thời điểm giải ngân. Doanh nghiệp cam kết hoàn trả toàn bộ vốn vay sau thời hạn này, dù nhiều chuyên gia tính toán rằng thời gian hoàn vốn của dự án có thể lên tới 70 năm.
Ngoài ra, VinSpeed cũng kiến nghị được áp dụng một số cơ chế đặc thù, trong đó có việc chỉ định làm nhà đầu tư các dự án bất động sản và khu đô thị phát triển xung quanh các ga đường sắt, giải pháp được kỳ vọng mang lại nguồn thu bổ trợ cho dự án hạ tầng lớn.
Trước dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, VinSpeed đã đăng ký đầu tư hai tuyến khác: TP.HCM - Cần Giờ và Hà Nội - Quảng Ninh. Việc tăng vốn lần này được đánh giá là bước đi chiến lược để hiện thực hóa tham vọng phát triển mạng lưới đường sắt cao tốc hiện đại tại Việt Nam, góp phần hình thành hệ sinh thái giao thông - đô thị - dịch vụ quy mô lớn trong dài hạn.