Vĩnh Phúc: thương mại dịch vụ duy trì tốc độ tăng trưởng cao
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2024 tỉnh Vĩnh Phúc ước tính đạt 7.428,8 tỷ đồng, tăng 16,27% so với tháng 11/2023. Doanh thu cả 4 thành phần gồm hoạt động bán lẻ; dịch vụ lưu trú, ăn uống; du lịch lữ hành; dịch vụ khác đều tăng so với năm trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt tốc độ tăng trưởng mạnh
Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đến thời điểm tháng 11/2024 hoạt động thương mại và dịch vụ của tỉnh Vĩnh Phúc duy trì đà tăng trưởng, nhờ các chương trình xúc tiến, bình ổn giá và kích cầu tiêu dùng. Các sự kiện mua sắm cùng nhiều hoạt động văn hóa, giải trí khác được tổ chức đã tạo không khí mua sắm sôi động, góp phần gia tăng doanh thu của hầu hết các nhóm ngành hàng hóa và dịch vụ.
Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2024 đạt khoảng 7.428,8 tỷ đồng, tăng 2,23% so với tháng trước và tăng 16,27% so với tháng 11/2023.
Đáng chú ý, doanh thu của cả 4 thành phần cấu thành tổng mức gồm hoạt động bán lẻ; dịch vụ lưu trú, ăn uống; dịch vụ du lịch lữ hành và dịch vụ khác đều tăng với tốc độ tăng 2 con số so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 11 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 73.276,2 tỷ đồng, tăng 10,77% so với năm trước.
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 11/2024 ước đạt 6.104,3 tỷ đồng, chiếm 82,17% tổng mức, tăng 1,98% so với tháng trước và tăng 16,78% so với cùng kỳ. Doanh thu các nhóm ngành hàng tăng cao gồm: lương thực, thực phẩm (+26,11%), đồ dùng gia đình (+25,68%), hàng may mặc (+25,39%), và đá quý, kim loại quý (+35,76%). Lũy kế 11 tháng năm 2024, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 59.713,8 tỷ đồng, tăng 10,29% so với năm 2023.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 11/2024 ước đạt 623,3 tỷ đồng, tăng 5,57% so với tháng trước và tăng 13,13% so với cùng kỳ năm 2023 (bao gồm dịch vụ lưu trú đạt 60,5 tỷ đồng, tăng 12,28%; dịch vụ ăn uống đạt 562,8 tỷ đồng, tăng 13,22%). Lũy kế 11 tháng năm 2024, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 6.290,0 tỷ đồng, tăng 9,37% so với năm trước.
Doanh thu du lịch lữ hành tháng 11/2024 đạt 24,5 tỷ đồng, giảm 27,0% so với tháng trước nhưng tăng 23,54% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 11 tháng, doanh thu đạt 496,5 tỷ đồng, tăng 106,41% so với cùng kỳ năm trước, nhờ sự phục hồi du lịch và sức hút của các điểm đến như Tam Đảo, Tây Thiên.
Về doanh thu dịch vụ khác trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tháng 11/2024 ước đạt 676,7 tỷ đồng, tăng 2,97% so với tháng trước và tăng 14,46% so với năm trước. Lũy kế 11 tháng năm 2024, doanh thu dịch vụ khác đạt 6.775,9 tỷ đồng, tăng 12,67% so với cùng kỳ.
Hoạt động ngân hàng, tín dụng được kiểm soát ở mức an toàn
Trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng, tín dụng, mặt bằng lãi suất tiếp tục duy trì ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho tín dụng tăng trưởng trong các tháng cuối năm, lãi suất huy động bằng VNĐ phổ biến từ 0,2-6%/năm đối với từng kỳ hạn; lãi suất cho vay trên địa bàn phổ biến từ 3,5-10,5%/năm đối với từng kỳ hạn và đối tượng.
Tổng nguồn vốn huy động dự kiến tại thời điểm 30/11 đạt 135 nghìn tỷ đồng, tăng 6,96% so với cuối năm 2023. Tăng trưởng ở cả 02 nguồn tiền gửi dân cư và các tổ chức kinh tế với mức tăng lần lượt là 8,46% và 3,97% tương ứng huy động được 91 nghìn tỷ đồng và 45 nghìn tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay tại thời điểm 30/11 đạt 140 nghìn tỷ đồng, tăng 9,24% so với cuối năm 2023.
Mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khá nhiều, dư nợ cho vay chủ yếu là các khoản vay ngắn hạn, ước đạt 103 nghìn tỷ đồng, tăng 10,94% so với cuối năm 2023, chiếm 73,57% tổng dư nợ.
Cơ cấu dư nợ tập trung vào các hoạt động sản xuất, dịch vụ và đầu tư phát triển, trong đó dư nợ khu vực hộ gia đình, tư nhân, cá thể chiếm 57,86% tổng dư nợ và dư nợ khu vực doanh nghiệp chiếm 41,75% tổng dư nợ. Tỷ lệ nợ xấu ước tính tại thời điểm 30/11 chiếm 1,05% tổng dư nợ, tiếp tục được kiểm soát ở mức an toàn.