Vĩnh Phúc thu hút đầu tư từ nâng hạng chỉ số xanh PGI

Vĩnh Phúc đang hướng đến mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp phát triển, với các ngành công nghiệp xanh, bền vững, các doanh nghiệp (DN), chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, trong đó, chú trọng nâng điểm chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI), tạo không gian phát triển mới, tăng sức hút với các tập đoàn, nhà đầu tư có công nghệ hiện đại đến với tỉnh, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Doanh nghiệp chủ động tham gia sản xuất xanh

Chỉ số Xanh (PGI) được đánh giá, xếp hạng dựa trên 4 chỉ số thành phần là: Chỉ số giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; chỉ số bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu; chỉ số vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong thúc đẩy thực hành xanh; chỉ số chính sách và dịch vụ hỗ trợ DN trong bảo vệ môi trường.

Theo đó, thời gian qua, các DN, chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, chính quyền các cấp cùng nỗ lực, tập trung nguồn lực kiến tạo nên các dự án công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, góp phần nâng điểm các chỉ số PGI, từ đó gia tăng sức hấp dẫn với nhà đầu tư.

Công ty cổ phần Lumi Việt Nam vừa tổ chức khánh thành Nhà máy sản xuất thiết bị IoT/smarthome tại khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc (Bình Xuyên).

Công ty cổ phần Lumi Việt Nam vừa tổ chức khánh thành Nhà máy sản xuất thiết bị IoT/smarthome tại khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc (Bình Xuyên).

Chủ động tham gia vào chiến dịch sản xuất xanh thân thiện môi trường và bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng, các DN trên địa bàn tỉnh đã chú trọng hơn đến sử dụng nguồn nguyên vật liệu tự nhiên, nhiên liệu, hóa chất không gây độc hại; đầu tư dây chuyền máy móc, công nghệ, trang thiết bị sản xuất hiện đại theo các tiêu chuẩn quốc tế để cải tiến quy trình, hướng tới sản xuất xanh. Lựa chọn đầu tư lắp đặt các hệ thống năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, hệ thống quản lý chất lượng an toàn vệ sinh, hệ thống xử lý chất thải, hướng đến các tiêu chí sản xuất xanh, sạch…

Trong số hơn 9.500 DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, tiên phong về sản xuất xanh phải kể đến Công ty Toyota Việt Nam với thông điệp “ vì một xã không phát thải khí C02”; Công ty TNHH Haesung vina, Khu công nghiệp Khai Quang với phương châm sản xuất “xanh từ việc sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường và tăng cường tái chế, hạn chế ô nhiễm, chất thải trong các quy trình sản xuất”; Công ty TNHH Solum Vina thực hiện sản xuất xanh từ đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, tự động hóa cao ở các khâu sản xuất và xây dựng Trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ cao…

Để tạo môi trường làm việc gần gũi, thân thiện với môi trường, tại Công ty TNHH Công nghệ Cosmos, KCN Khai Quang (Vĩnh Yên) - một trong những doanh nghiệp nội địa có uy tín trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chuyên gia công các sản phẩm cơ khí chính xác - đã thông qua tổ chức công đoàn, công ty xây dựng phong trào xanh hóa môi trường làm việc. Với sự đầu tư của DN, sự chung tay của người lao động, nhiều vị trí được phủ xanh bằng các loại cây, hoa tạo nên sắc xanh, giúp giảm thiểu khói bụi, tiếng ồn và đem lại một môi trường làm việc mát mẻ, thư giãn cho người lao động.

Ngoài việc đầu tư cây xanh, công ty còn tích cực đầu tư đổi mới công nghệ, giảm tiếng ồn, bụi trong quá trình sản xuất. Dù trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đối mặt với áp lực phải cắt giảm chi phí, song DN luôn dành ra một khoản chi phí̉ đầu tư hướng đến sản xuất xanh, môi trường xanh. Nhờ đó, môi trường làm việc được cải thiện qua từng năm, người lao động cảm thấy muốn gắn bó lâu dài với DN.

Từ mỗi DN trong KCN đến chủ đầu tư các KCN cũ và mới của tỉnh, ý thức trách nhiệm trong xây dựng chỉ số PGI được nâng lên. Hạ tầng cây xanh được đầu tư, mở rộng, đảm bảo đạt và vượt tỉ lệ theo các tiêu chuẩn của Việt Nam.

Điển hình trong số những dự án công nghiệp mới nổi phải kể đến KCN Thăng Long Vĩnh Phúc, tọa lạc tại khu vực trung tâm của huyện Bình Xuyên với tổng diện tích hơn 213 ha, được thành lập từ năm 2015. Đến tháng 9/2017 được khởi công xây dựng và hoàn thành giai đoạn 1, đưa vào khai thác từ năm 2019. Dù được thành lập sau cùng so với các dự án công nghiệp đang hoạt động, song KCN Thăng Long Vĩnh Phúc với thiết kế đồng bộ, thân thiện với môi trường, chỉ sau 5 năm đã thu hút nhiều dự án có công nghệ hiện đại đến từ Nhật Bản, Mỹ… giá trị gia tăng cao, đạt tỷ lệ lấp đầy hơn 92% trên tổng diện tích đất công nghiệp, trở thành một KCN kiểu mẫu, đi đầu trên địa bàn tỉnh về tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững.

Theo Sở Công Thương Vĩnh Phúc, thực hiện các nhiệm vụ được giao, Ban Quản lý các khu công nghiệp, Sở Công Thương đã tăng cường các hoạt động hỗ trợ, cung cấp thông tin cho các DN trong các KCN, cụm công nghiệp về sản xuất xanh. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc đầu tư xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường tại các KCN, cụm công nghiệp, bảo đảm đến năm 2025, 100% KCN, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung vận hành đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Tỉnh Đoàn chỉ đạo thực hiện nhiều hoạt động, phong trào về bảo vệ môi trường như: Ngày thứ 7 xanh, tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp - văn minh; phong trào “5 không, 3 sạch”; “Tổ phụ nữ phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình”, “làn xanh đi chợ”; xây dựng các đường hoa phụ nữ, đường hoa thanh niên tự quản…

Sản xuất các thiết bị điện tại nhà máy Lumi Smart Factory, Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc (Bình Xuyên).

Sản xuất các thiết bị điện tại nhà máy Lumi Smart Factory, Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc (Bình Xuyên).

Trên thực tế, từ những lợi ích thiết thực từ việc nâng điểm các chỉ số PGI, UBND tỉnh và chính quyền các huyện, thành phố quyết liệt vào cuộc, kêu gọi sự ủng hộ và chung tay của các nhà đầu tư. Bởi môi trường đầu tư kinh doanh tốt không chỉ là sự thuận lợi, nhanh chóng, chuyên nghiệp về thủ tục hành chính mà còn phải thân thiện với môi trường, theo định hướng phát triển bền vững. Theo thang điểm 40, năm 2022, PGI của tỉnh đạt tổng điểm 16,35, đến năm 2023, tổng điểm PGI của tỉnh được nâng lên 22,28 điểm, tăng 5,93 điểm. PGI tăng điểm cho thấy chất lượng quản trị môi trường đang có chiều hướng tốt lên, nhất là khi có những nỗ lực phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; xây dựng và thực thi các quy định và biện pháp hợp lý để đảm bảo việc tuân thủ các quy định phá́p luật về môi trường không tạo thêm gánh nặng quá lớn cho DN. Nhờ đó, thu hút đầu tư của tỉnh thời gian gần đây đạt được những kết quả rất ấn tượng.

Thu hút vốn đầu tư FDI vượt gần 9% kế hoạch năm

Theo báo cáo của Ban Quản lý các KCN tỉnh, 6 tháng đầu năm 2024, kết quả hoạt động SXKD của các DN có nhiều khởi sắc. Trong đó, doanh thu của các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ước đạt 5.871 triệu USD, tăng 11%; giá trị xuất khẩu ước đạt 4.965 triệu USD, tăng 16%; nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 3.663 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023. Doanh thu của các DN có vốn đầu tư trong nước (DDI) ước đạt 8.000 tỷ đồng, bằng 90%; giá trị xuất khẩu ước đạt 430 tỷ đồng, tăng 8% và nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 142 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023. Các DN trong các KCN tạo việc làm mới cho gần 2.500 lao động, nâng tổng số lao động lũy kế đến ngày 5/6 là 136.160 người, trong đó, lao động là người Vĩnh Phúc 74.298 người (chiếm 54,6%).

Theo kế hoạch năm 2024, Vĩnh Phúc phấn đấu thu hút vốn đầu tư FDI hơn 400 triệu USD. Với quyết tâm và nhiều nỗ lực từ tỉnh đến cơ sở, chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã thu hút được gần 436 triệu USD vốn FDI, vượt gần 9% so với kế hoạch đề ra cả năm 2024. Lũy kế đến hết tháng 6/2024, toàn tỉnh có hơn 1.300 dự án đầu tư. Trong đó có hơn 470 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 8,3 tỷ USD; hơn 840 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 143 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh cũng ghi nhận gần 750 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp dân doanh trên địa bàn lên hơn 15 nghìn doanh nghiệp, trong đó, khoảng 70% doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh.

Công ty TNHH Futaba Sangyo Việt Nam, khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc chuyên may vỏ bọc ghế ô tô hiện tạo việc làm cho hơn 200 lao động.

Công ty TNHH Futaba Sangyo Việt Nam, khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc chuyên may vỏ bọc ghế ô tô hiện tạo việc làm cho hơn 200 lao động.

Huyện Bình Xuyên tiếp tục là trọng điểm thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khi thu hút gần 400 dự án đầu tư, bao gồm gần 300 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 5 tỷ USD; gần 100 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 13 nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 75 nghìn lao động.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 200 DN hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trong đó chủ yếu là DN sản xuất các sản phẩm công nghệ thông tin, điện tử; các sản phẩm chủ yếu là thiết bị điện tử, linh kiện điện tử như phần cứng máy tính, camera điện thoại, sản phẩm cảm biến, anten điện thoại, sạc điện thoại, mô tơ, bản mạch.

Từ đầu năm đến nay, một số DN trong ngành đã thực hiện di chuyển các công đoạn sản xuất từ các nhà máy ở Hàn Quốc và Trung Quốc về Việt Nam nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, cắt giảm tối đa chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, một số hãng công nghệ lớn đã đưa ra thị trường các dòng sản phẩm điện thoại thông minh, máy tính bảng mới với nhiều thay đổi trong thiết kế phần cứng và phần mềm, thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng.

Nhờ đó, các DN sản xuất và hỗ trợ điện tử trên địa bàn tỉnh đã có thêm được nhiều đơn hàng, góp phần ổn định việc làm cho người lao động. 6 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử của tỉnh ước đạt 115 nghìn tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, về cơ bản hoạt động sản xuất của các DN điện tử, công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh vẫn còn khó khăn, đòi hỏi các doanh nghiệp cần chủ động đổi mới sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, liên doanh, liên kết, mở rộng thị trường.

Để đạt được kết quả trên, tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm đến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông qua việc áp dụng các chính sách ưu đãi đầu tư cho các doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư riêng của tỉnh và xây dựng các bộ chính sách nhằm đa dạng các lĩnh vực đầu tư, tăng khả năng tiếp cận hỗ trợ đầu tư đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai, tuyển dụng lao động, đồng thời thực hiện giải quyết nhanh các thủ tục hành chính về đầu tư theo quy định của pháp luật. Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính; quyết liệt trong chỉ đạo điều hành tháo gỡ khó khăn kịp thời cho doanh nghiệp…

Nỗ lực cắt giảm chi phí sản xuất, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, Công ty TNHH Optrontec Vina, KCN Bá Thiện II (Bình Xuyên) hiện đang tạo việc làm cho 2.000 lao động có thu nhập ổn định. Ảnh: Nguyễn Lượng

Nỗ lực cắt giảm chi phí sản xuất, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, Công ty TNHH Optrontec Vina, KCN Bá Thiện II (Bình Xuyên) hiện đang tạo việc làm cho 2.000 lao động có thu nhập ổn định. Ảnh: Nguyễn Lượng

Để nâng cao chỉ số PGI năm 2024, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đa dạng hình thức phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng DN về ý nghĩa của chỉ số Xanh trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển kinh tế bền vững.

Đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, người dân tiếp cận và thụ hưởng các chương trình, chính sách, dịch vụ hỗ trợ của địa phương trong bảo vệ môi trường, thực hành xanh. Đa dạng nguồn lực hỗ trợ DN chuyển đổi phương thức sản xuất sang hướng an toàn, tiết kiệm, ít gây ô nhiễm môi trường, nhất là ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ cho các DN tiên phong chuyển đổi sang sản xuất xanh.

Cùng với đó, phát huy tốt vai trò nêu gương, nâng cao nhận thức, hành động của người đứng đầu các cấp chính quyền trong thúc đẩy thực hành xanh; thực hiện nhất quán quan điểm là không hy sinh môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế; ưu tiên lựa chọn các dự án xanh, ít tác động xấu đến môi trường, giảm thiểu biến đổi khí hậu. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nhất là các dự án trọng điểm có nguồn phát thải lớn.

Lưu Hiệp - Minh Hiền

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/vinh-phuc-thu-hut-dau-tu-tu-nang-hang-chi-so-xanh-pgi-i736585/
Zalo