Vĩnh Phúc: Tập trung cao độ ứng phó với ảnh hưởng bão số 3

chủ động ứng phó với siêu bão số 3 (bão Yagi), UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các Sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để chủ động ứng phó với tinh thần khẩn trương nhất, quyết liệt, hiệu quả…

Lực lượng chức năng diễn tập phương án ứng phó với tình huống mưa lũ xảy ra.

Lực lượng chức năng diễn tập phương án ứng phó với tình huống mưa lũ xảy ra.

Bão số 3, tên quốc tế là Yagi được coi là cơn bão mạnh nhất đi vào vịnh Bắc bộ trong 10 năm trở lại đây. Cường độ và quỹ đạo có thể tương đương với cơn bão năm 2014 và 2016. Các đài khí tượng quốc tế đều có chung nhận định với cơ quan khí tượng Việt Nam về quỹ đạo và xu hướng của bão số 3, về cường độ phổ biến từ cấp 15 - 17.

Sáng 5/9/2024, bão số 3 đã mạnh lên thành siêu bão, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16, giật trên cấp 17. Theo dự báo mới nhất của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, bão số 3 sẽ đổ bộ vào đất liền khoảng chiều tối ngày 07/9/2024 và có khả năng xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng, gây ngập lụt ở hầu hết tỉnh, thành miền núi và trung du phía Bắc, trong đó có tỉnh Vĩnh Phúc.

Thực hiện Công điện số 87/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Công văn số 6622/UBND-NN4, ngày 4/9/2024 về thực các giải pháp ứng phó với ảnh hưởng của bão số 3 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm các nội dung đã chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch UBND tỉnh.

Căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ, chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, dự báo của cơ quan chuyên ngành khí tượng thủy văn và chỉ đạo từ cấp có thẩm quyền để thực hiện phương án bảo đảm an toàn, vận hành công trình thủy lợi tiêu nước phục vụ chống úng, ngập; tổ chức rà soát, khoanh vùng cụ thể diện tích cây trồng có nguy cơ bị ngập lụt, úng để có phương án tiêu úng cụ thể, phù hợp với đặc điểm địa hình, tình hình mưa và năng lực công trình tiêu úng; xác định công trình trọng điểm, nguy cơ xảy ra sự cố khi có mưa lớn để chủ động triển khai phương án ứng phó với mưa lớn, bảo đảm an toàn công tình, đặc biệt quan tâm an toàn các hồ thủy lợi đang thi công, hồ thủy lợi xung yếu.

Đối với hồ thủy lợi xung yếu, không bảo đảm an toàn cần xem xét không tích nước, chủ động tiêu nước đệm để đón lũ. Đồng thời, thực hiện vận hành các hồ chứa nước theo quy trình vận hành được phê duyệt; các hồ chứa có cửa van xả lũ, thực hiện điều chỉnh mực nước hồ để chủ động đón lũ, bảo đảm tuyệt đối an toàn công trình và không xả lũ bất thường gây mất an toàn vùng hạ du; thực hiện tích nước hợp lý đối với các hồ chứa đang có dung tích trữ thấp; thực hiện nghiêm túc việc cảnh báo sớm cho người dân vùng hạ du trước khi hồ chứa xả lũ và khi có nguy cơ xảy ra sự cố; kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế các phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm xung yếu; khẩn trương gia cố các vị trí đê điều đã xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục và các công trình đê điều đang thi công dở dang để chủ động ứng phó với tình huống mưa lớn kéo dài do hoàn lưu bão và vận hành điều tiết xả lũ các hồ chứa có thể gây lũ trên hệ thống sông.

Đặc biệt, phải tăng cường công tác kiểm tra đê điều, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo đúng quy định; tổ chức trực ban nghiêm túc (24/24h) trong thời gian có mưa lũ; bố trí nhân lực thường trực tại công trình có nguy cơ xảy ra sự cố; kịp thời xử lý tình huống bất thường theo phương châm 4 tại chỗ.

Cán bộ Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi Tam Đảo kiểm tra công tác vận hành tại đập Xạ Hương, xã Minh Quang, huyện Tam Đảo.

Cán bộ Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi Tam Đảo kiểm tra công tác vận hành tại đập Xạ Hương, xã Minh Quang, huyện Tam Đảo.

Thực hiện nghiêm túc các công điện của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh, những ngày qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã và đang chủ động chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để chủ động ứng phó với tinh thần khẩn trương nhất, quyết liệt, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ trong ứng phó với thiên tai, đặt biệt là nguy cơ mưa lũ gây ngập úng vũng trũng thấp, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống... Tất cả đều ứng trực tại các địa bàn được phân công, bảo đảm chủ động trong mọi tình huống, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về việc tập trung ứng phó với diễn biến của cơn bão số 3, những ngày này, huyện Tam Đảo đã và đang tập trung triển khai nhiều giải pháp, phương án phòng, chống thiên tai, ứng phó kịp thời với mọi tình huống, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân. Trong đó, giải pháp căn cơ là triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực trũng thấp có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động khơi thông dòng chảy, tổ chức di đời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; tổ chức vận hành và triển khai phương án bảo đảm an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ thủy lợi xung yếu, công trình đang thi công.

Để chủ động ứng phó với cơn bão số 3, UBND huyện Lập Thạch, UBND huyện Sông Lô đã chủ động kiểm tra hiện trạng các tuyến đê, cầu, cống trọng yếu để kịp thời đề xuất các biện pháp khắc phục; tổ chức trực 24/24h theo quy định; theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, diễn biến mưa lũ để thông báo, hướng dẫn kịp thời cho người dân chủ động các biện pháp phòng tránh, ứng phó; bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, nhất là vị trí xung yếu hoặc đang thi công; sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu đô thị và khu công nghiệp có nguy cơ ngập lụt; chủ động di dời, sơ tán dân tại khu vực ngập sâu, chia cắt, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi Lập Thạch thực hiện khơi luồng tiêu Vân Trục.

Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi Lập Thạch thực hiện khơi luồng tiêu Vân Trục.

Tại Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi Lập Thạch, đến 8h sáng 5/9, đơn vị đã tiến hành tổ chức trực ban nghiêm túc 100% quân số (24/24h) bảo đảm theo phương châm “4 tại chỗ”; bố trí nhân lực thường trực tại công trình có nguy cơ xảy ra sự cố, kiểm tra máy móc thiết bị, vận hành thử các máy phát điện dự phòng, bảo dưỡng các hạng mục công trình đầu mối, máy đóng mở cống, tràn, bảo đảm sẵn sàng vận hành khi có yêu cầu…

Hay đối với Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi Liễn Sơn, để bảo đảm an toàn cho gần 20.000ha lúa, hoa mùa, thủy sản do công ty phục vụ tưới, tiêu, những ngày này, đơn vị đã mở cống tiêu, tiêu nước đệm trước khi cơn bão đổ về; vận hành thử các trạm bơm tiêu sẵn sàng ứng phó khi có mưa lớn xảy ra; khơi thông, giải phóng bèo rác, vật cản, chất thải, rác thải còn tồn đọng tại các vị trí điều tiết, các công trình tiêu… Tính đến thời điểm này, công ty đã sẵn sàng vật tư, phương tiện ứng phó với bão số 3.

Bích Huệ

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/vinh-phuc-tap-trung-cao-do-ung-pho-voi-anh-huong-bao-so-3-383125.html
Zalo