Vĩnh Phúc: Quy hoạch hạ tầng giao thông góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Tạo sự kết nối đồng bộ, thông suốt, góp phần khơi thông nguồn lực, thúc đẩy thu hút đầu tư, tăng trưởng kinh tế trên địa bàn, tỉnh đã và đang tập trung triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ quy hoạch đến đầu tư, hoàn thiện hạ tầng giao thông bảo đảm đồng bộ, hiện đại và liên thông.

Cầu Vĩnh Phú đưa vào sử dụng góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển giữa 2 tỉnh Vĩnh Phúc – Phú Thọ.

Cầu Vĩnh Phú đưa vào sử dụng góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển giữa 2 tỉnh Vĩnh Phúc – Phú Thọ.

Xác định hạ tầng giao thông “đi trước mở đường”, kích hoạt "huyết mạch" nền kinh tế, những năm qua, tỉnh luôn ưu tiên, dành nguồn lực đầu tư cải tạo, nâng cấp kết hợp xây dựng mới nhiều dự án giao thông trọng điểm theo quy hoạch được duyệt.

Kịp thời ban hành và điều chỉnh các quy hoạch phát triển giao thông phù hợp với từng thời kỳ, ưu tiên nguồn lực chuẩn bị đầu tư một số dự án. Đặc biệt, ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực giao thông theo hình thức BOT, PPP, BT, BTO… Đồng thời tích hợp phương án phát triển giao thông vận tải của tỉnh vào Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đến nay, toàn tỉnh có 7.918km đường bộ, trong đó có 47 tuyến đường và tương đương với chiều dài 470km, kết nối liên thông từ địa phương đến trung tâm của huyện và tỉnh; tỷ lệ cứng hóa đạt 100%. Đồng thời hình thành mạng lưới giao thông kết nối liên hoàn với các hình thức giao thông đường thủy, đường sắt, đường bộ cao tốc và các tỉnh, thành phố lân cận thông qua các công trình giao thông trọng điểm như cầu Vĩnh Thịnh, cầu Vĩnh Phú, cầu vượt đường sắt trên đường Nguyễn Tất Thành, thành phố Vĩnh Yên…

Cuối năm 2024, Ban Quản lý các dự án đường thủy phối hợp với UBND tỉnh triển khai thực hiện dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì với tổng mức đầu tư hơn 1.258 tỷ đồng.

Dự án có chiều dài hơn 11km; điểm đầu tuyến tại nút giao Hợp Thịnh (cũ) (Tam Dương), điểm cuối kết nối với đường đầu cầu Việt Trì mới (Vĩnh Tường). Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, dự án không chỉ góp phần hoàn thiện hệ thống Quốc lộ theo quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mà còn tạo nên mạng lưới giao thông thống nhất trong vùng trung du miền núi phía Bắc, với các tỉnh vùng Thủ đô Hà Nội và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh khu vực.

Để tạo liên kết giữa các vùng trong tỉnh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội nói chung, nâng cao chất lượng hạ tầng, phục vụ thu hút đầu tư, phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tỉnh tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó chú trọng các công trình, dự án trọng điểm như các nút giao IC2, IC5 tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai qua địa bàn tỉnh; cải tạo nâng cấp Quốc lộ 2 đoạn qua địa bàn tỉnh; Cảng cạn ICD; mở rộng đường trục trung tâm khu đô thị mới Mê Linh; đường trục Đông Tây đô thị Vĩnh Phúc (đoạn Tân Phong - Trung Nguyên); các tuyến đường song song đường sắt Vĩnh Yên - Bình Xuyên; tuyến đường vành đai 5 - Thủ đô...

Hiện nay, tỉnh đang chỉ đạo ngành chức năng tiếp tục hoàn thành việc chuẩn bị đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng đường trục Bắc - Nam đô thị Vĩnh Phúc, đoạn từ đường Vành đai 2 thành phố Vĩnh Yên đến thị trấn Hợp Châu (Tam Đảo). Tuyến đường gồm 4 làn, quy mô nền đường từ 36,5 - 42m. Theo thiết kế, dự án sau khi được đầu tư sẽ mở rộng quy mô lên tới 14 làn xe tiêu chuẩn, không chỉ đáp ứng năng lực lưu thông mà còn góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông trên tuyến.

Đến nay, ngành chức năng đã lựa chọn tư vấn khảo sát, lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, chỉ đạo đơn vị tư vấn thiết kế hoàn thiện xong hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Đề xuất UBND tỉnh cho phép thực hiện tiếp thủ tục chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2026 - 2030.

Hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, hiện đại đã góp phần thúc đẩy giao thương, thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 2 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh thu hút 3 dự án DDI với tổng vốn đăng ký đạt hơn 210 tỷ đồng và 11 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt 53,97 triệu USD. Cùng với đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 12,19% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu ngành Vận tải đạt hơn 1.413 tỷ đồng, tăng 9,32% so với cùng kỳ...

Với quyết tâm xây dựng Vĩnh Phúc trở thành trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ trọng điểm của khu vực, tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch, ưu tiên nguồn lực cho đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông. Tích cực phối hợp với địa phương tháo gỡ vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng.

Thường xuyên phối hợp, đôn đốc các chủ đầu tư các dự án đang thi công thực hiện đầy đủ, liên tục các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Phấn đấu đến năm 2030, cơ bản hoàn thành các trục giao thông quan trọng. Ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng một số nút giao khác mức để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông...

Văn Nhất

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/vinh-phuc-quy-hoach-ha-tang-giao-thong-gop-phan-thuc-day-tang-truong-kinh-te-396895.html
Zalo